Theo nhà báo Hoàng Tâm Chánh-Trưởng nhóm nghiên cứu, Thủ tướng ban hành Quyết định về quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí với mong muốn có địa chỉ chính thức để tìm kiếm, tránh thông tin ngoài lề gây dư luận không tốt. Tuy nhiên, nhiều cơ quan nhà nước lạm dụng quy chế này để trì hoãn, né tránh cung cấp thông tin.
“Có cơ quan cử người phát ngôn nhưng không kịp thời cập nhật hoặc không nắm rõ thông tin để cung cấp cụ thể, chính xác. Có cơ quan không muốn cung cấp thông tin bằng lý do “phải gặp, phải xin phép người phát ngôn” để từ chối. Có cơ quan cử người phát ngôn là người lãnh đạo cao nhất, nhưng thường xuyên đi họp, muốn gặp phải đăng ký trước cả tuần”, ông Chánh cho biết.
Tiến sĩ Thái Tuyết Nhung (Đại học Luật TPHCM) - thành viên nhóm nghiên cứu cho rằng, các quy phạm pháp luật công khai, minh bạch thông tin đã có nhưng chưa thực hiện triệt để, tạo ra “lỗ đen thông tin”. Việc thiếu công khai minh bạch gây ra nhiều hệ lụy như thất thoát vốn nhà nước.
Theo kết quả nghiên cứu, việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của báo chí còn gặp phải vướng mắc từ cơ quan nhà nước đặc biệt là việc lạm dụng quy định “tài liệu đóng dấu mật”.
Theo kết quả nghiên cứu, quy định thiếu chặt chẽ khiến người đứng đầu cơ quan nhà nước dễ dàng đưa vào danh mục mật rất nhiều thông tin không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Các chuyên gia chống tham nhũng cho rằng nhiều trường hợp “thông tin mật” bị các cơ quan lạm dụng tránh sự công khai và giám sát.