Cô giáo nối trái tim đến trái tim

TP - Dù bận rộn với công tác giảng dạy nhưng suốt gần hai năm qua, cô Trần Thị Nhung, sinh năm 1979, giáo viên tiếng Anh kiêm Tổng phụ trách Đội Trường THCS Giáp Bát (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đi kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm ủng hộ sữa để tặng người nghèo bị ung thư.
Cô Nhung (cúi người) tổ chức sinh nhật cho bệnh nhi tại Viện K2. Ảnh: NVCC.

Ấm áp tình người

Trong một lần đi phát cháo với người bạn tại Bệnh viện K cơ sở 2 đóng tại Tam Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội), cô Nhung tận mắt chứng kiến cảnh những bệnh nhân ung thư được các nhà hảo tâm ủng hộ cơm, cháo nhưng ít khi được tặng sữa. “Nhiều bệnh nhân đau đớn không ăn được cơm - cháo, nếu có sữa có thể uống được. Mình nghĩ sao không ủng hộ sữa cho họ”, cô Nhung nói.

Nghĩ là làm, cô Nhung phát động “Chương trình 200 hộp sữa mỗi tuần cho bệnh nhân ung thư. Để có được những hộp sữa, cô vận động người thân, bạn bè có lòng hảo tâm thông qua facebook cá nhân. Trong vòng 5 ngày, cô vận động được 200 hộp sữa ủng hộ bệnh nhân ung thư. Đến giờ, cô Nhung vẫn nhớ như in ngày thứ 7 cách đây gần hai năm (23/5/2013): “Lúc nhận được hộp sữa do chính tay mình cùng các bạn tình nguyện viên trao, các bệnh nhân ung thư rất cảm động. Nhìn họ, nhất là những bệnh nhi nhỏ tuổi, thân hình gầy rộc uống sữa ngon lành mình vui lắm. Từ đó, mình có thêm động lực để tổ chức những chương trình tiếp theo”.

Dù vậy, khi phát động chương trình, cô Nhung gặp không ít khó khăn, phiền toái. Một số người nghĩ mục đích của cô là để đánh bóng tên tuổi, trục lợi cá nhân. Suốt một tháng trời, đi đâu cô cũng nghe những lời xì xào. “Mình làm bất cứ việc gì cũng phải có tâm. Người ta gièm pha mình chắc vì họ chưa bao giờ đặt chân đến Bệnh viện K, nơi có những mảnh đời cơ cực, những bệnh nhân và đặc biệt là các em nhỏ đang từng ngày, từng giờ phải đương đầu với lưỡi hái tử thần”, cô chia sẻ. Do ban đầu chưa có nhiều tổ chức, cá nhân ủng hộ, cô cùng các thành viên bỏ tiền túi mua 200 hộp sữa tặng cho bệnh nhân ung thư.

Sau hơn hai tháng phát động chương trình, từ 200 hộp sữa ban đầu đã tăng lên 300 hộp sữa mỗi tuần. Số sữa ủng hộ bệnh nhân tại Bệnh viện K do cô Nhung khởi xướng không ngừng tăng. Từ 3/5/2014 do Khoa Nhi và khoa Ngoại chuyển tới Bệnh viện K cơ sở 3 (ở xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) nên chương trình tặng sữa mở rộng sang cả cơ sở 3. Đến nay, mỗi tuần đã có 650 hộp sữa được cô Nhung và tình nguyện viên chuyển tới bệnh nhân.

Sau gần hai năm thực hiện chương trình, cô Nhung đã quyên góp và tặng 92 tuần sữa cho bệnh nhân. “Bệnh nhân lớn tuổi hiện được tặng tuần 2 hộp; bệnh nhi nhỏ tuổi 4 hộp”, cô Nhung cho biết. 

Chỉ cần có niềm tin

Mới đây, cô Nhung cùng một số thành viên trong chương trình còn lên tận Cao Bằng để làm phóng sự về bệnh nhân. Phóng sự do cô Nhung cùng những người thực hiện có tên “Bệnh nhân K với cuộc sống giữa đời thường”, nói về một bệnh nhân đầy nghị lực tên Ninh Lê (SN 1982) điều trị suốt một năm rưỡi tại Bệnh viện K cơ sở 2. Hiện, Ninh Lê chuyển sang cơ sở 3 điều trị. Trong đoàn lên Cao Bằng làm phóng sự này có một sinh viên báo chí, nhờ đó không phải mất tiền thuê quay phim, chụp ảnh.

“Ông trời không cho ai tất cả và cũng chẳng lấy hết của ai bao giờ. Vậy nên, hãy cứ đáp lại sự nghiệt ngã của cuộc đời bằng cách trao đi yêu thương để nhận lại tình người”.

Cô Trần Thị Nhung 

Thực hiện phóng sự này, cô Nhung dự định trình chiếu tại Bệnh viện K cơ sở 2 và 3 vào ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 tới đây. Qua phóng sự, cô Nhung mong muốn sẽ tiếp thêm niềm tin, nghị lực không chỉ riêng nhân vật chính trong phóng sự mà cả những bệnh nhân ung thư khác. Phóng sự muốn truyền tải thông điệp: “Chỉ cần có niềm tin, nghị lực sống thì dù bệnh tật hiểm nghèo, mọi bệnh nhân ung thư có thể vượt qua”.

Sau gần 2 năm phát động, chương trình tặng sữa cho bệnh nhân ung thư đã thu hút được hàng trăm tình nguyện viên tham gia. Thành viên của chương trình hơn một nửa là học sinh cũ của cô Nhung đang học phổ thông, sinh viên đại học... “Khi mang sữa đến bệnh viện, mình cùng các thành viên thường vào từng phòng, trao tận tay cho người bệnh. Dù mất nhiều thời gian hơn nhưng như vậy việc làm của mình mới có nhiều ý nghĩa. Điều đáng quý là có những thành viên ở cách xa Bệnh viện K cơ sở 2 và 3 từ 15 đến 20km, nhưng bất kể mưa nắng, họ vẫn lặn lội đến đây cùng mình phát sữa”, cô Nhung nói.

Để chương trình ngày càng hoạt động hiệu quả, thu hút được sự quan tâm, ủng hộ của các nhà hảo tâm, cách đây không lâu Câu lạc bộ “Từ trái tim đến trái tim” do cô Nhung làm Chủ nhiệm ra đời. Hiện, CLB có 40 thành viên hoạt động thường trực và khoảng 130-140 thành viên không chuyên.