Chuyện xóm cận kề cái chết

TP - Xóm có khoảng trên 30 người, dựng lều sống tạm ngay bên cạnh nhà tang lễ Bệnh viện Đa khoa Bình Định. Ở đây hầu hết là những bệnh nhân chạy thận, người ở lâu nhất 5-7 năm.

Gom góp chia sẻ với nhau trong khốn khó. Ảnh: H. Văn

11 giờ trưa, một vài người lom khom ở bếp tập thể. Phía kia những chiếc giường xếp liền kề nhau, kẻ ngồi, người nằm. Trên người ai nấy vẫn khoác bộ đồ xanh nhạt của bệnh nhân. Nhịp sống ấy đều đặn đã diễn ra cả chục năm nay. Xóm có khoảng trên 30 người, dựng lều sống tạm ngay bên cạnh nhà tang lễ Bệnh viện Đa khoa Bình Định.

Anh Đặng Văn Hùng Thịnh (47 tuổi, quê ở Gia Lai) đang cặm cụi nấu nồi cơm, canh ở phía cuối lều. Anh nói đã “gia nhập” xóm này được hơn 1 năm. Do sức khỏe còn khá nên tự chăm lo cho mình.

“Khi nào yếu lắm mới phải gọi cho vợ cho con, chứ cái bệnh ni giống như tù nhân nhận án tử hình chờ ngày phán quyết ấy rồi” - anh bỏ lửng câu chuyện, đưa mắt nhìn sang những bệnh nhân xung quanh.

Ở đây hầu hết là những bệnh nhân chạy thận, người ở lâu nhất 5-7 năm. Việc chạy chữa phải liên tục (3 lần/ tuần), tốn kém nên những ai mới bị bệnh cũng ráng tự mình lo. Mỗi ngày mở mắt ra thấy mình còn sống là may mắn, bởi có khi người mới trò chuyện với mình hôm qua, nay không còn nữa, do tăng hoặc giảm huyết áp đột ngột.

Hồ Thị Tuyết Thanh (27 tuổi, quê ở Tân An, Đắc Pơ, Gia Lai) một trong những bệnh nhân trẻ tuổi nhất ở đây, ngồi bó gối, đưa mắt nhìn ra phía sau song sắt cổng bệnh viện. Thanh nói lâu rồi cũng không về nhà, vừa tốn kém, hơn nữa bệnh tật đi lại khó khăn. Phát hiện bệnh khi đang ở cái tuổi xuân xanh rộ nhất khiến Thanh khụyu ngã. Nhưng nhìn ánh mắt buồn của cha, tiếng sụt sùi của mẹ trong đêm, Thanh lại tự động viên mình cố gắng chạy chữa. Lịch chạy thận khá gần nhau trong tuần nên Thanh xin được gia nhập xóm cho tiện. Thanh kể cũng từng có người yêu nhưng khi biết mình bị bệnh này, cô lẳng lặng chia tay, bắt xe xuống bệnh viện rồi ở hẳn dưới này. “Sức khỏe yếu dần, thân hình tiều tụy nên em cũng ít muốn về nhà. Sợ mọi người lo lắng” – Thanh nói, mắt đỏ hoe.

Chữa bệnh bằng tư tưởng


Kéo ống tay áo của chồng lên với những mũi kim chồng chất nổi cục, bà Trương Thị Kiểu, 63 tuổi, rưng rưng: “Năm năm nay rồi, cứ mỗi tuần 3 lần chích ra, 3 lần chích vào. Tính ra cả ngàn mũi kim trên người chứ không ít. Hồi đầu ổng còn ăn uống được, giờ bụng bắt đầu trương lên, ăn ít, đêm ngủ không được nên cứ thấy người yếu dần”.

Chồng bà - ông Huỳnh Bá Duông, 63 tuổi, từ khi phát hiện bệnh được các bác sĩ hướng dẫn chạy chữa. Nhà xa, tuổi lại cao mà cứ đi về miết cũng không ổn nên xin được dựng lều sống cùng với những bệnh nhân khác ở đây. Giao lại nhà cửa cho con cái trông coi, bà cùng ông ăn dầm ở dề, cùng thức tới sáng mỗi lúc chồng đau, khó ngủ. Bà nói từ lâu đã không có khái niệm lễ, tết, có khi lịch chạy thận ngày 1, ngày 2 thì cứ theo lời bác sĩ mà làm. Người ta khen bà khéo giấu nỗi buồn, chỉ nói những chuyện tiếu hoặc kể cho ông nghe những chuyện vui đâu đó bà nghe được lúc đi chợ.

“Con bệnh nó dằn vặt từng ngày, nên phải giữ sao cho tinh thần thoải mái. Bác sĩ chữa bằng thuốc mình chữa bằng tư tưởng. Không lạc quan thì vượt qua sao nổi”, bà Kiểu ngậm ngùi.

Từ 5 năm nay, ông Phan Văn Ngọc đưa vợ Nguyễn Thị Nho, 61 tuổi, xuống đây chạy chữa thận. Từ chuyện cơm nước, giặt giũ hay dìu bà lên phòng bệnh cũng một tay ông đảm đương. “Trước bả khổ vì mình nhiều rồi nên giờ đến lượt mình. Cứ xem đây như một khu an dưỡng, vợ chồng phải có nhau. Miễn sao bà còn sống, còn chống chọi bệnh tật thì vất vả bao nhiêu cũng đặng” - ông Ngọc tâm sự.

Chừng ấy tuổi, con cái đều đã lập gia đình, nhưng hầu hết cũng làm nông chân chất, đứa xúm giúp chút ít. Chủ yếu ông bà tích cóp nuôi nhau. Giờ bà đổ bệnh, ông không dám rời nửa bước. Nghe bà thở dài không ngủ được ông lại dậy xoa bụng rồi dìu đi dạo cho khuây khỏa.

Trong bữa ăn, bà Thái Thị Liệu, 60 tuổi, lựa gắp cho chồng những miếng thịt mềm, ngon nhất. Già lại đau bệnh không ăn được nhiều nên cứ phải thúc giục, năn nỉ. Hai ông bà sống trong xóm chạy thận cũng ngót 4 năm nên cũng quen. “Ở đây mọi người ai cũng yêu thương, chia sẻ với nhau để sống. Từ chút dầu, muối mắm đến những câu chuyện vui. Sống nay thác mai không biết được nên ai cũng cố gắng chống chọi bệnh tật và cùng chia sẻ với mọi người” - bà Liệu tâm sự.

Niềm vui của mọi người ở xóm này, là những khi có đoàn từ thiện tới, chuyện trò hay tặng những phần quà an ủi. Hoặc những ngày sát Tết Nguyên đán, mọi người góp tiền lại làm một mâm cúng tất niên, rồi cùng chia sẻ với nhau những phút vui ngắn ngủi.