Công Phượng. Ảnh: Thanh Niên.
Tưởng như nghi vấn về tuổi thực của Công Phượng- tiền đạo tài năng của đội tuyển U19 quốc gia làm nức lòng người hâm mộ - đã rõ ràng sau khi VFF chính thức kết luận tuyển thủ này sinh năm 1995.
Nào ngờ Chương trình Chuyển động 24h của Đài truyền hình Việt Nam (VTV) lại tiếp tục đưa ra một loạt các nghi vấn liên quan tới học bạ, giấy khai sinh và nhiều giấy tờ liên quan khác của Công Phượng.
Ngoài việc bút phê trong sổ học bạ của Công Phượng suốt từ lớp 1 đến lớp 5 đều cùng một màu mực và chữ viết, cán bộ tư pháp xã cho phóng viên VTV biết các cuốn Sổ đăng ký khai sinh của xã từ năm 1999 về trước đều đã bị mất, đáng chú ý trong bản khai nhân khẩu của gia đình Công Phượng còn lưu tại CA huyện vẫn ghi rõ Công Phượng sinh ngày 21/1/1993.
Xem phóng sự nêu trên, phải nói rằng các đồng nghiệp VTV đã cất công điều tra tới nơi tới chốn, quyết tâm đi tìm tuổi thật của Công Phượng. Công bằng mà nói, những nghi vấn mà VTV đưa ra hẳn sẽ khiến dư luận một lần nữa phải đặt câu hỏi lớn: Đâu là tuổi thật của cầu thủ này?
Tuy nhiên, dù kết cục thế nào thì tài năng bóng đá vừa chớm nở này cũng chỉ là “nạn nhân” của những toan tính hoặc lỗi lầm của người lớn. Công Phượng đang phải chịu một sức ép, một sự phiền toái từ giới truyền thông không hề nhỏ. Chắc chắn rằng các đồng nghiệp VTV và báo chí đều không mong muốn điều này. Điều công luận mong muốn là sự trung thực trong thể thao, sự thật và công bằng trong xã hội phải được tôn trọng. Đó là thiên chức và trách nhiệm của những người làm báo chân chính.
Công Phượng đang có một tình yêu lớn của người hâm mộ dành cho em. Sai hay đúng tình yêu đó chắc chắn vẫn không hề thay đổi, chỉ có những ai đó tiếp tay cho sự thiếu trung thực mới đáng bị lên án mà thôi.
Ước gì không chỉ cầu thủ, mà những nghi vấn về tuổi tác hay bằng cấp của một số vị cán bộ, quan chức đã từng xảy ra ở nơi này nơi khác cũng được rốt ráo vào cuộc như vụ năm sinh của Công Phượng, khi đó sự trung thực sẽ dần lên ngôi không chỉ trong thể thao mà ở nhiều lĩnh vực khác trong xã hội.