Chuyện một gia thế xứ Nghệ - Kỳ II: Người Xứ Nghệ viết hoa

TP - Cụ Nguyễn Đức Công có bốn con trai. Nguyễn Đức Vân là con thứ hai sinh năm 1900. Thuở nhỏ, Nguyễn Đức Vân học chữ Hán và trường tiểu học. Nhưng lâm vào gia cảnh, cha đi cứu nước và bị bắn, mẹ bị bắt giam, gia sản bị tịch thu lần này lượt khác, nên phải nghỉ học, ở nhà làm ruộng, nhường phần học cho em út.

Làm ruộng và tự học Hán văn, Pháp văn. Riêng Pháp văn, Nguyễn Đức Vân có biệt tài đã thuộc trầm (thuộc lòng) Từ điển Pháp - Việt của Trương Vĩnh Ký và về sau đã có lúc viết báo tiếng Pháp.

Tuyển Thơ Văn Lý Trần

Năm 1937, cùng hai em trai là Nguyễn Đức Tịnh (từng là Bí thư Tỉnh ủy Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội của Thừa Thiên - Huế (1926) sau 7 năm đi tù về) và em út là Nguyễn Đức Bính (tham gia Tân Việt Cách mạng Đảng) ra Hà Nội làm báo Thời vụ cùng Ngô Tất Tố. Năm 1944, cả hai anh em Vân, Tịnh đều tham gia phong trào Việt Minh.

Cách mạng tháng Tám 1945, em là Tỉnh ủy viên kiêm ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh, còn Nguyễn Đức Vân là Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phúc Lộc (bấy giờ bao gồm 4 xã Nghi Trung, Nghi Liên, Nghi Diên, Nghi Vạn) huyện Nghi Lộc hiện nay.

Cuối năm 1959, ông chuyển ra công tác tại bộ phận Hán Nôm của Ban Cổ Cận thuộc Viện Văn học khi ấy mới được thành lập. Năm 1965, nghỉ hưu.

Vài dòng trích ngang lý lịch về người con trưởng của chí sĩ - liệt sĩ cách mạng Nguyễn Đức Công - Hoàng Trọng Mậu chỉ vậy.

Nhưng có lẽ phải rất nhiều dòng nếu biên đủ về thân thế cùng sự nghiệp của nhà Hán học nổi tiếng này.

Người Xứ Nghệ viết hoa là tên một hồi ức của GS, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đình Chú nói về nhạc phụ của mình.

Ở tuổi 90, GS Nguyễn Đình Chú vẫn rành rẽ cùng mẫn tiệp.

Được phép của GS, xin trích ra đây ít dòng.

“…Mong được bạn đọc không cho là cha hát con khen, mặc dù tôi vẫn nghĩ: con không khen cha thì khen ai. Dĩ nhiên phải là cha ra cha. Tại tổ Hán Nôm của Viện Văn học, bên cạnh những vị đại khoa, cụ Nghè Triển, các vị Phó bảng: Phan Võ, Hà Văn Mạo và các học giả là những nhà văn hóa như Cao Xuân Huy, Đặng Thai Mai, nhạc phụ tôi luôn tự nhận là người thiểu học, khiếm học. Bấy giờ, nhóm dịch thuật Hồng lâu mộng do cụ phó bảng Bùi Kỷ làm trưởng nhóm. Vừa khởi công chút ít thì cụ Bùi Kỷ qua đời. Công việc do đó gặp khó khăn bởi các vị khoa bảng tham gia dịch thuật tuy là bậc thầy về kinh truyện, nhưng lại không mấy thông thạo ngoại thư (thể loại văn chương ngoài kinh điển Nho gia như văn tiểu thuyết, văn báo chí) nhất là với ngôn ngữ của bộ tiểu thuyết đồ sộ Hồng lâu mộng. Cụ Vân đã hầu đỡ các cụ trong việc khắc phục khó khăn ngoài phần dịch riêng của mình. Khi đem in, nhà xuất bản có ý định ghi tên cụ Vân là người hiệu đính. Nhưng cụ nhất định từ chối với lời lẽ: tôi chỉ là phận học trò các cụ, đâu dám, làm thế là hỗn.

Cụ Vân đã cùng cụ Nguyễn Khắc Hạnh dịch Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, cùng ông Kiều Thu Hoạch dịch Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Gia Văn phái. Ngoài ra, cụ đã dịch Tùy Viên thi thoại của Viên Mai, Dân ca Trung Quốc, Trung Quốc tư tưởng sử của Dương Vinh Quốc, Vân Nang tiểu sử của Phạm Đình Dục, Quốc triều đình đối sách, Cấn Trai thi tập của Trịnh Hoài Đức, Thơ văn Nguyễn Trung Ngạn, Thơ văn Tự Đức, Thơ văn Nguyễn Xuân Ôn... Hiện giờ vẫn còn nhiều dịch phẩm của cụ chưa có điều kiện in ấn.

Nhà Hán học dịch giả Nguyễn Đức Vân

Cùng cụ Nguyễn Sĩ Lâm và ông Nguyễn Văn Hoàn chú giải Truyện Kiều.

GS Phương Lựu (tức GS. TSKH Bùi Văn Ba) trong sách Về quan niệm văn chương cổ Việt Nam đã khẳng định vai trò của cụ Vân là người “dẫn đầu” việc sưu tầm, dịch thuật, giới thiệu quan niệm văn chương của nhiều nhà thơ cổ điển. Nhưng nổi trội nhất vẫn là những đóng góp những dịch thuật cho bộ Thơ văn Lý Trần!

Ngày cụ nghỉ hưu, năm 1974, tôi có hỏi thì cụ cho biết, với công trình Thơ văn Lý Trần, phần cụ làm được là khoảng 600 đơn vị văn bản, phần bác Đào Phương Bình là khoảng 100 đơn vị văn bản. Cả hai con số này cộng lại quả là khủng về công trình dịch thuật.

Bộ sách Thơ văn Lý Trần do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội in ấn, phát hành hiện đã có ba tập với khổ trang lớn. Tập I dày 631 trang trong đó có 136 đơn vị văn bản được sưu tầm dịch thuật. Tập II (Quyển thượng) dày 968 trang, trong đó có 363 đơn vị văn bản được sưu tầm, dịch thuật. Tập III dày 822 trang trong đó có 415 đơn vị tác phẩm được sưu tầm, dịch thuật.

Vậy mà trong bộ sách đồ sộ 3 tập, dày 2421 trang in khổ lớn, bao gồm 914 đơn vị văn bản này, phần cụ Vân chỉ là 34 đơn vị rưỡi, trong đó tập I là 9 rưỡi trên 136, tập II (Quyển thượng) là 6 trên 363, tập III là 19 trên 415. Trong 3 tập, hai tập I và III in trước thì còn có tên cụ Vân trong nhóm biên soạn. Nhưng đến tập II (Quyển thượng) in sau vào năm 1989 (lúc này cụ Vân đã qua đời 15 năm) thì không còn tên trong nhóm biên soạn nữa”...

(Hết trích)

Hơi bị ngạc nhiên là trước những khuất tất, bất công đó đối với một nhà Hán học và dịch thuật, những người thân, những thành viên của một đại gia đình trí thức ấy (những con trai trưởng cụ Vân là nhà văn Nguyễn Đức Đàn (nay đã quá cố), từng là Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật, Hiệu trưởng Trường Viết văn Nguyễn Du nhà nghiên cứu văn học Việt Nam và thế giới “một nhà văn hóa xuất sắc” (lời của nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Nguyễn Khoa Điềm ghi trong sổ tang), những con trai út là nhà thơ nhà báo Anh Ngọc ở Văn Nghệ Quân đội…) đã chọn và giữ thái độ im lặng!

Chẳng phải họ không biết chuyện cụ Vân bị đạo văn quanh công trình Thơ văn Lý Trần. Nhưng nói như GS Nguyễn Đình Chú, chúng tôi nghĩ đến ông cụ là người hiền lành, độ lượng đến mức suốt đời chưa biết nhăn trán là gì, chưa nói nặng với ai, kể cả với con cháu trong nhà, nên chúng tôi đành chỉ im lặng.(Còn nữa)

Ám ảnh mãi là chất giọng ngậm ngùi của một học giả cao niên tuổi đã 94.

Nhạc phụ tôi chẳng có chức danh gì. Chỉ là một cán sự bậc ba nghỉ hưu. Còn phải mấy chục năm nữa mới qua bậc 4, bậc 5, bậc 6, chuyên viên 1, 2, 3... Tuy thế, đương thời, khi cụ tôi còn là cán bộ của Viện Văn học thì chính Viện trưởng - học giả Đặng Thai Mai, sư phụ của tôi, đã nói với tôi: “Ông Vân của chú là người trung hậu, làm việc nghiêm túc và giỏi”. Còn học giả Cao Xuân Huy (hồi ở cùng nhà với tôi) thì cũng hai lần nói với tôi: “Anh có một nhạc phụ tuyệt vời. Chẳng bằng cấp gì cả mà xem ra cử, tú cũng khó bằng”.

Những lời ấy như ứng, xứng thêm với một Người Nghệ viết hoa vậy!