Chuyện không dứt về một làng quê

TP - Gặp nhau, người ta có thể chìa ra cái danh thiếp, để tự giới thiệu. Nhà văn có lẽ chỉ nên chìa ra một tác phẩm của mình, để tự giới thiệu. Danh thiếp của nhà văn chính là một tác phẩm tiêu biểu của nhà văn. Cái danh thiếp ấy của Trần Thanh Cảnh là truyện Kỳ nhân làng Ngọc.

Anh đã chìa cái truyện này ra để giới thiệu với tôi. Tôi đọc truyện này như xem cái danh thiếp của một tác giả mà tôi chưa biết. Vừa đọc vừa biên tập. Gạch bỏ những đoạn thừa, đã nói rồi lại còn nói đi nói lại, thừa chứ không phải cố tình lặp lại theo dụng ý. Chỉnh sửa một số câu, bỏ đi dăm ba chữ, thay thế đôi ba chữ, cả câu văn lập tức sáng sủa lấp lánh lên ngay. Chỉnh sửa xong, đọc lại lần nữa, thì đấy, một món đồ mỹ nghệ nằm lẫn trong ngăn kéo đồ tầm tầm đã được thổi hết bụi, giờ mới sáng.

Kỳ nhân làng Ngọc, tập truyện của Trần Thanh Cảnh, NXB Trẻ 2015.

Kỳ nhân làng Ngọc thực ra cũng chẳng có gì kỳ lạ lắm. Cuộc đời một con người như thế dễ thấy trên cả đất nước hàng chục năm chinh chiến này. Vừa vào truyện, tác giả đã để cho nhân vật can tội hiếp dâm, rồi bị kỷ luật đi lao động công trường trên miền cao, rồi mãn hạn thì xung phong đi bộ đội, rồi thành người lính đánh giặc dũng cảm, rồi trở về hậu phương, chẳng biết đi đâu đành về lại cái làng quê mà mình đã tưởng chỉ nên từ bỏ. Đường tình duyên thì có mấy người đàn bà, từ cô gái hồn nhiên mới lớn, từ những người bán phấn buôn hương ở Khâm Thiên, từ người đàn bà quá lứa lỡ thì làm vợ đầu tiên, đến người vợ hai là tấm gương lao động tập thể hợp tác xã, đến bà già ngẩn ngơ ở bến sông quê.

Thông qua số phận một con người, tác giả cho thấy những thời đoạn lịch sử của đất nước: Sau thời kỳ cải cách ruộng đất, sang thời hòa bình kiến thiết, thời chiến tranh chống ngoại xâm, đến thời kỳ thống nhất đất nước và xây dựng lại. Lịch sử hiện lên thông qua sự lồng ghép vào số phận nhân vật, lịch sử gây hứng thú hơn cho người đọc, và câu chuyện cũng vượt lên so với một chuyện tình éo le thông thường.

Làng Ngọc của Trần Thanh Cảnh vừa giống lại vừa khác làng quê của người đọc. Sự giống mà khác ấy có thể sẽ có sức lôi cuốn người ta.

Sau khi tôi gửi giúp truyện này đăng báo, Trần Thanh Cảnh mới tiết lộ: Anh từng in một tập truyện ngắn, nhưng tự thấy chưa hài lòng, không muốn đem ra giới thiệu với tôi. Vậy là anh khéo đấy, anh chọn cái Kỳ nhân làng Ngọc làm danh thiếp thật phù hợp, một cái danh thiếp khác có lẽ khó được quan tâm.

Bây giờ tôi lại muốn độc giả hãy đọc Kỳ nhân làng Ngọc trước hết, coi như sự ra mắt của Trần Thanh Cảnh. Có hai truyện nữa có thể gắn với Kỳ nhân làng Ngọc mà thành một bộ ba truyện vừa: Hoa gạo tháng ba là lịch sử hiện lên thông qua một mối tình éo le của hai anh em trai với một cô gái. Còn Giỗ hậu là chuyện cô gái với ám ảnh chết người, gây ra số phận bi thảm cho mấy đời chồng, cả ta lẫn Tây. Tác giả có xu hướng nệ vào những câu chuyện có thật để viết, cho nên truyện ban đầu thường dữ dội mà kết cục có khi lại nhẹ, hẫng hẳn đi. Giỗ hậu ban đầu cũng hẫng đi ở cái kết, về sau tôi gợi ý thay đổi, tác giả phải thoát khỏi câu chuyện có thật mà tưởng tượng bay bổng lên, thì mới ra một kết cục tương xứng với những gì đã triển khai ban đầu.

Tôi chưa gặp tác giả. Cũng chưa biết khi nào mới gặp. Nhiều khi không gặp cũng có ý nghĩa nhất định. Một bạn viết được tôi giới thiệu cho báo chí và nhà xuất bản, có nhắn khi nào tôi vào Sài Gòn thì cho biết để anh đến. Tôi nghĩ, nhà văn biết nhau qua tác phẩm có khi đã là đủ. Thành ra bao nhiêu năm rồi chúng tôi vẫn chưa gặp mặt. Với Trần Thanh Cảnh, có lẽ cũng vậy.

Và cũng giống như bao nhiêu cây bút quen biết qua thư điện tử, giúp nhau qua thư điện tử, Trần Thanh Cảnh trò chuyện rất cởi mở. Anh kể anh là dược sĩ, chủ một chuỗi cửa hàng thuốc, làm ăn vui ra sao vất ra sao, đi sớm về muộn ra sao, cuối năm phải bơm vá bôi trơn các vị chức năng ra sao. Anh kể chuyện đời mấy người bạn, li kỳ cái chuyện làm ăn thời kinh tế thị trường, bằng cái truyện Sếp tổng gửi tôi biên tập. Tôi chữa ngay tên nhân vật trùng với tên tôi, lý do: Gửi giúp anh để in báo, biết đâu người ta tưởng tôi cố nhét tên mình vào, thêm một lần được “để đời”. Thế là Trần Thanh Cảnh kêu lên: May quá, tôi phang luôn tên hai đứa bạn thân ngoài đời vào đấy, anh đã chữa giúp một, nhờ anh thay giúp tên thằng kia, chứ để thế mà in ra, hai đứa ấy nó chửi tôi bằng chết.

Thỉnh thoảng lên một cơn bức xúc, nhớ ra chuyện bạn bè trong ngành giáo dục chẳng hạn, viết. Đấy là truyện Ngôi biệt thự bỏ hoang. Nhớ đến chuyện một nhà có mấy anh chị em đều theo nhau chết ai oán qua các thời kỳ biến loạn của đất nước, viết. Đấy là truyện Hoa núi. Thường viết truyện hiện thực, nhiều phần là thật, nhưng cũng đôi khi anh pha thêm vào đấy chút màu sắc bí ẩn huyền hoặc như truyện Sương đêm cuối ngõ. Nhân vật dù ở truyện này truyện khác, đều có một làng quê chung, Trần Thanh Cảnh cho làng quê ấy cái tên là làng Ngọc.

Cũng là có lý do. Lần đầu đọc một truyện ngắn của Trần Thanh Cảnh, lại nghe anh dọa sẽ viết một tập tương tự, tôi bèn đề xuất: Hãy viết một tập truyện, các nhân vật có thể lưu lạc bốn phương nhưng đều có dính dáng đến cái làng Ngọc. Làng Ngọc có thể mang bóng dáng làng quê của anh, nhưng cũng nên hư cấu, cần sông anh cho thêm sông, cần núi anh cho thêm núi, làm sao cho đa dạng, đa diện, đa sắc, đa thanh, nhân vật có thể vẫy vùng tự do trong ấy. Người viết cũng vì thế mà phóng bút tự do trong ấy.

Trần Thanh Cảnh bảo gợi ý của tôi trùng với chủ ý của anh. Và anh đã viết tiếp truyện lấy khung cảnh cái làng Ngọc vừa thật vừa hư cấu ấy.