Chuyện đời se sắt - Bài cuối: Bí mật chôn vùi

TP - Một câu chuyện khác. Trước lúc nhắm mắt xuôi tay, người mẹ gọi con đến bên cạnh, trao cho con một mảnh giấy nhàu nát. Đứa con gái đọc xong mảnh giấy hết sức bàng hoàng. Chị run rẩy ngã khuỵu xuống bên giường.
Ảnh: minh họa

Dĩ vãng

Tình cờ trong một chuyến về phía đèo Ngang (Kỳ Anh- Hà Tĩnh), Thế Sơn gặp một nữ doanh nhân. “Cô ấy là một doanh nhân khá thành đạt. Vẻ ngoài chẳng có gì nổi bật, nhưng điều khiến tôi để ý ở cô gái ấy là đôi mắt. Một đôi mắt thăm thẳm, chứa nhiều uẩn ức!”, anh Sơn kể. Từ cuộc tiếp xúc đầu tiên, họ trở thành bạn bè. Người nào việc nấy, thỉnh thoảng nhắn tin gọi điện hỏi han về sức khỏe, công việc. “Cái nhìn ám ảnh cứ bám riết lấy tôi, thôi thúc tôi phải giải mã, tìm câu trả lời”, anh kể.

“Gia đình có 5 anh em, em là con gái út. Cuộc sống của em ở thôn quê tương đối bình lặng. Em có cảm giác là bao nhiêu tình thương trong nhà đều dồn về nơi em, dành hết cho em!”, Thế Sơn thuật lại lời cô bạn tên Thương. Năm 2014 bà mẹ mắc bệnh hiểm nghèo. Cô gái suốt ngày quấn quýt bên mẹ, lớn lên trong vòng tay của mẹ, và chứng kiến giông tố ập đến. Một nửa cuộc đời đã sắp từ giã, buông tay, khiến cô thắt lòng không có cách gì cầm níu lại được. Trước lúc lâm chung bà mẹ gọi con đến bên giường, trao cho con một mảnh giấy, bà trút từng tiếng nặng nhọc: “Bao năm qua cha mẹ đã cố tình giấu con, không cho con biết vì sợ con đau. Nay mẹ đã gần đất xa trời, sự thật này mẹ không thể mang đi, mẹ đành phải nói ra với con. Xin con hãy bình tĩnh đón nhận nó và tha thứ cho mẹ:

 “Con ơi! Dù đau nhưng mẹ cần nói ra sự thật là con không phải là con gái ruột của cha mẹ. Năm 1980, mẹ con bỏ rơi con ở bệnh viện khi con vừa sinh ra. Giấy khai sinh ghi không đúng ngày tháng con sinh, vì con ra đời trước đó 2 ngày. Mẹ đã chờ đợi cái ngày con được đoàn tụ dù biết ngày đó mẹ có thể mất con, nhưng mẹ đã không được toại nguyện. Con cứ đi tìm mẹ của con đi, mẹ tin con sẽ tìm được!”.

Mảnh giấy nhàu nát nguệch ngoạc ghi lại những dòng trăng trối, hé lộ tận cùng một sự thật đắng cay. Cô gái run rẩy đón nhận, run rẩy sấp mặt xuống bên giường. Nước mắt cô đầm đìa trộn lẫn giữa tiếng nấc nghẹn lòng.

Bí mật chôn vùi

Đành đoạn nghĩ thôi, sa mạc đời mênh mông cứ kệ, cứ an yên với những cái mình hiện có. Tán lá rộng lớn này cũng đã che chở cho mình bấy nhiêu tháng ngày dài rộng, cứ ở lại với tiếng mẹ quen thuộc, tìm chi một mẫu tự tình thâm đã hóa bạc lòng. “Mẹ nuôi em đã trăng trối mà mình không đi thì lòng cứ day dứt”, Thương nói. Hơn 2 năm cất công đi tìm mẹ với manh mối duy nhất là mảnh giấy cũ nát không địa chỉ, cô  nhờ vả khắp nơi nhưng tin tức về mẹ đẻ của cô vẫn biệt vô âm tín. “Anh có cách gì giúp em tìm lại mẹ được không?”, Thương hỏi Thế Sơn. Anh gật đầu. Cái gật đầu đóng đinh lời hứa hẹn.

Anh phóng xe vào Hà Tĩnh mang theo một kế hoạch mơ hồ, nơi khởi nguồn của câu chuyện nhưng khi anh vào đó thì lớp y tá, bác sỹ những năm 80 thế kỷ trước không còn ai ở lại cơ quan. Gặp ông Tuấn nguyên cán bộ bệnh viện, ông Tuấn cho biết phụ trách khoa sản thời đó chỉ có mỗi bà Vinh. Bà Vinh nghỉ hưu cách đây mấy chục năm, hiện đang sống ở một xã ven biển miền Trung. Thế Sơn tìm đến nhà bà Vinh hai lần. Lần thứ nhất không gặp được vì bà vào Đắk Lắk thăm con. Lần thứ 2 gặp tại nhà riêng, bà Vinh nói bà nhớ rất rõ trường hợp đứa bé vừa sinh bị bỏ rơi năm 1980. “Dịp đó chuẩn bị khai giảng năm học mới, có một thai phụ được bạn gái đưa đến khoa sản sinh nở. Ca đẻ diễn ra lúc 2h sáng, sau ca trực tôi về nhà nghỉ, buổi chiều đến thì không thấy mẹ của bé đâu nữa, chỉ thấy mảnh giấy ghi vội mấy dòng. Chị ấy bỏ đi chẳng lưu lại vết tích nào vì lúc nhập viện bị vỡ ối cấp cứu, chưa làm thủ tục, cũng chẳng có giấy tờ tùy thân”, bà Vinh kể.

Lần thứ ba, anh trở lại gặp bà Vinh. “À, tôi nhớ ra rồi, người đi cùng hình như là một dược sỹ. Chú để lại điện thoại, nhớ được tên tôi sẽ điện cho chú!”, bà Vinh hẹn. Khoảng một tháng sau Thế Sơn bỗng nhận được cuộc gọi. “Người đó tên Lan, nhà ở gần chợ, chú vô đó sẽ tìm được”.

Cửa hàng bán thuốc tây nằm bên quốc lộ, chủ nhân là một phụ nữ trạc 60 tuổi, trầm tĩnh, kín đáo. Thế Sơn thuê nhà trọ nằm lại thị trấn hơn 3 ngày, nhưng mọi cố gắng của anh đều thất bại. “Đây là một câu chuyện có thật, một bí mật không thể tiết lộ vì ngày đó tôi đã trót hứa với bạn mình sẽ không kể ra với bất cứ ai. Anh về đi!”, bà Lan từ chối. Sơn năn nỉ: “Cô bé ngày xưa đang đi tìm mẹ. Đây là một việc thiện, xin bác hãy mở lòng”.

Anh trở về Vinh, phấp phỏng chờ đợi. Chừng 10 ngày sau bà Lan gọi cho anh, giọng nặng nhọc: “Bạn tôi vốn là một nữ văn công, hiện sống ở Yên Thành, Nghệ An. Tôi cảm kích trước tấm lòng của anh và nghĩ thương đứa con đang đi tìm mẹ, nhưng vì danh dự trước bạn mình, chỉ dám tiết lộ với anh thế thôi!”. Ghép nối đúng mảnh vỡ đã lưu lạc hơn 30 năm về trước; xác định tọa độ một địa chỉ không rõ ràng giữa vùng đất Yên Thành- Nghệ An chẳng khác gì mò kim đáy biển. Đây quả là cuộc rượt đuổi bí hiểm.

Quyết không buông bỏ, chàng trai xứ Nghệ lại lên đường lần tìm manh mối. Anh đến các đơn vị quốc doanh có đội văn nghệ từng đóng tại Vinh, gặp hàng chục người, dò hỏi, ghi chép tỉ mỉ. “Tìm mãi, cuối cùng tôi gặp được một người. Những năm 80 thế kỷ trước bà cũng hay văn nghệ, hát hò”, anh Sơn bảo. Sau khi nghe anh tường trình đầu đuôi câu chuyện, người đàn bà thốt lên: “Hồi đó, cơ quan tôi có một nữ xinh đẹp, nhưng đa tình. Nhưng để rõ hơn anh phải gặp thêm một người nữa. Phải gặp bà Xuyên, quê ở xã Thanh Tường, huyện Thanh Chương”.

Lại đánh đường lên vùng đồi núi Thanh Chương. Bà Xuyên không giấu giếm bảo: “Phượng đấy! Cơ quan tôi hồi đó có đội văn nghệ, Phượng là đứa xinh đẹp nhất đám, quan hệ trai gái dẫn đến có thai. Tôi nhớ dạo ấy Phượng có xin nghỉ phép một thời gian, đi đâu không rõ. Sau đó nghe nói Phượng về quê lấy chồng”. Bà Xuyên lấy giấy ghi địa chỉ. “Anh ra chỗ này, chỗ này, sẽ gặp được”. Tin này hé lộ trong một ngày chớm Đông, tháng 10, năm 2016.

Khi người đàn bà quay mặt khóc

“Đó là một căn nhà nhỏ êm đềm nép mình giữa bốn bề đồng lúa. Ngôi nhà cách huyện lộ một quãng đường. Trước khi “đột nhập”, tôi đi lòng vòng quanh xóm lân la tìm hiểu về gia chủ thì được biết nhà có 2 vợ chồng già và 3 cô con gái, các con của bà Phượng đã lập gia đình và hiện có một người ở rể”, Thế Sơn kể. Chồng đi vắng. Người phụ nữ mở cửa đón khách, trò chuyện với thái độ dè chừng. Anh chợt để ý đến đôi mắt. Y hệt đôi mắt, ánh nhìn của Thương, không lẫn vào đâu được.

“Lâu rồi cô có vào... đèo Ngang không ạ?”, anh hỏi nhỏ nhẹ, đưa mắt quan sát thái độ của người đối diện. Vừa nghe hai từ đèo Ngang, chủ nhà giật thót mình, vặn hỏi: “Anh từ Hà Tĩnh đến?”. “Không! Cháu từ Vinh ra. Cháu ra đây gặp cô là vì câu chuyện ở bệnh viện, hơn 30 năm trước”. Bối rối hiện rõ trên gương mặt, cử chỉ của người đối diện. Bà run rẩy đẩy bát nước chè xanh về phía anh. “Cô ạ, đứa con gái sinh năm 1980 của cô tha thiết được gặp mẹ!”, anh nói chậm rãi, rõ từng tiếng một.

Im lặng. Không gian như đặc quánh, vón cục lại. Người đàn bà cắn chặt môi, quay mặt, nước mắt rịn ra từ khóe mắt. Bà khóc không thành tiếng. Khoảnh khắc nặng nề trôi qua, bà chợt đứng dậy quả quyết: “Không! Tôi chẳng có đứa con gái nào rơi rớt trong đó cả!”. Rồi người đàn bà buông từng câu, như độc thoại: “Tôi đã có một gia đình yên ấm cùng chồng và 3 đứa con. Tôi chẳng có đứa con gái nào sinh ra ở Hà Tĩnh. Chú về đi! Chú nhầm rồi!”.

Người đàn bà đưa hai tay ôm mặt. Bà đi như trốn chạy vào gian nhà trong...

____________________

(Tên nhân vật, địa danh trong bài đã có thay đổi)

Hồ sơ, tung tích về người mẹ giấu mặt chỉ có thế, mông lung, mờ mịt. “Hơn 30 năm đã qua, bóng dáng người mẹ mất hút, tôi băn khoăn không biết phải bắt đầu lại từ đâu thì chợt nhớ lời bà Vinh nói khi nhập viện sản phụ có một người bạn đi cùng. Phải tìm bằng được người bạn đó!”, Thế Sơn bảo.

“Trước khi ra về, tôi để lại số điện thoại, nói một ngày nào đó cô cần liên hệ thì gọi lại cho cháu. Tôi đành nhắn tin lại cho Thương là đang đi tìm. Tôi cũng chưa dám tiết lộ đoạn cuối hành trình với em, vì nói ra sợ một cơn đau vỡ. Mà biết đâu, tôi đã nhầm!?”.