Sáng 19/10, kỳ họp thứ 3 HĐND TPHCM khóa X tiếp tục với phiên thảo luận tại hội trường dưới sự chủ trì của Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ. Tham dự kỳ họp còn có Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã trình bày về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian vừa qua và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.
Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết TPHCM đã ban hành kế hoạch phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế, trong đó có nghiên cứu, tiếp thu các định hướng từ dự thảo hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 của Trung ương.
“Chỉ thị 18 về phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế của UBND TPHCM cũng đã tiếp thu những nội dung cập nhật nhất trong bản dự thảo mà sau này trở thành Nghị quyết 128 của Chính phủ”, ông Mãi nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TPHCM cho biết trên thực tế, tinh thần chung của Nghị quyết 128 đã được vận dụng và cập nhật trong Chỉ thị 18 nên đó chính là lý do hiện nay, thành phố chưa có kế hoạch tổng thể nhằm triển khai Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Theo ông Mãi, UBND TPHCM dự kiến sẽ tổng kết công tác phòng chống, kiểm soát dịch COVID-19 tháng 10/2021.
Về phương hướng – nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết thành phố sẽ tập trung củng cố hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, theo hướng phát triển y tế cộng đồng, y tế điều trị và y tế phục hồi, gắn với hoàn thiện và phát huy mô hình điều trị 3 tầng cũng như tiêu chí an toàn phòng, chống dịch với mục tiêu đảm bảo năng lực phản ứng y tế khi có tình huống dịch bệnh.
TPHCM sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh và tập trung vào 3 nhóm: Vốn lao động; cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Cụ thể, TPHCM tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ chủ lực có giá trị sản xuất, xuất khẩu lớn và các doanh nghiệp nhỏ và vừa bị tổn thất sau đại dịch. Đặc biệt, trong tháng 11 và 12, TPHCM tiến hành đấu giá 3.970 căn nhà và 8 lô đất của khu đô thị mới Thủ Thiêm để thực hiện các kết luận và chỉ đạo của Trung ương.
Về kế hoạch tri ân, ghi nhận sự đóng góp cũng như những hy sinh, mất mát trong đại dịch vừa qua, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh, TPHCM đã nhận sự sẻ chia rất lớn của Trung ương, các địa phương, người dân trong và ngoài nước. TPHCM đã tổ chức các buổi tuyên dương, tri ân và các hình thức khen thưởng, đồng thời cử các đoàn đi cảm ơn Trung ương, các tỉnh, thành đã giúp đỡ TPHCM trong lúc khó khăn.
Ở thời điểm phù hợp, dự kiến vào cuối năm 2021, TPHCM tổ chức buổi tổng kết tri ân, để bày tỏ sự tri ân các lực lượng.
Để ghi nhận sự hy sinh, mất mát, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết, TPHCM đang chuẩn bị, có thể sẽ tổ chức một sự kiện ý nghĩa, phù hợp để tưởng niệm sự hy sinh, mất mát của lực lượng phòng chống dịch và đồng bào thành phố trong thời gian qua. Đồng thời, TPHCM cũng tổ chức các hình thức khác một cách phù hợp.
"Hiện tại, UBND TPHCM đang chỉ đạo các ngành chức năng và nghe thêm ý kiến góp ý để có hình thức tưởng niệm phù hợp nhất, đảm bảo trang trọng, ý nghĩa nhưng thật sự thiết thực, tiết kiệm nhằm ghi nhận sự hy sinh mất mát của lực lượng phòng chống dịch và đồng bào thành phố", ông Mãi chia sẻ.
Báo cáo tại kỳ họp, PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế thừa nhận cả thành phố đã trải qua những ngày khó khăn đỉnh điểm chưa từng có trong lịch sử của dịch bệnh.
Giai đoạn đầu (tháng 5/2021), chỉ số lây nhiễm trong cộng đồng ở cấp độ 1, chỉ dưới 20 ca mắc/100.000 dân/tuần. Tuy nhiên, chỉ sau vài tuần, chỉ số lây nhiễm đã chuyển sang cấp độ 2 (từ 20-50 ca mắc/100.000 dân/tuần). Số ca mắc trong tuần tăng từ 1.674 ca/tuần lên 3.317 ca/tuần. Số tử vong tăng từ 7 ca/tuần lên 20 ca/tuần.
Đến ngày 7/7, chỉ số lây nhiễm trong cộng đồng đã chuyển sang cấp độ 3 (từ 50 đến dưới 150 ca/100.000 dân/tuần). Số ca mắc mới mỗi ngày vượt 3.000 ca. TPHCM thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16 nhưng dịch bệnh vẫn lây lan rất nhanh.
Đến ngày 16/7, dịch bệnh tại TPHCM tiếp tục chuyển sang cấp độ 4 (trên 150 ca/100.000 dân/ngày). Số ca nhập viện tăng từ 3.317 ca/tuần đến 11.069 ca/tuần. Số ca tử vong tăng nhanh mỗi ngày dù TPHCM đã lập 25 bệnh viện dã chiến và chuyển công năng 54 bệnh viện.
"Có thể nói suốt gần 2 tháng, từ 15/7 đến 15/9, cả TPHCM đã trải qua những ngày khó khăn đỉnh điểm của dịch bệnh chưa từng xảy ra trong lịch sử. Ngày cao điểm nhất là 28/8, số ca mắc mới lên đến 17.403 ca”, ông Tăng Chí Thượng cho hay.
Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết sau gần 3 tuần triển khai Chỉ thị 18, đến hôm nay (19/10), tình hình dịch bệnh tại TPHCM đã chuyển biến theo hướng tích cực. Số mắc mới mỗi ngày giảm dần sau ngày 1/10 đến ngày 19/10, chỉ còn 968 ca/ngày.
Tính đến ngày 19/10, tỷ lệ người trên 18 tuổi ở TPHCM tiêm vắc xin 1 mũi là 98,8%, mũi 2 là 76,3%; trong đó, tỷ lệ người trên 50 tuổi tiêm đủ 2 mũi là 76,11%.
Báo cáo tại kỳ họp, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM (LĐTBXH) Lê Minh Tấn cho biết, làn sóng COVID-19 thứ 4 đã gây nhiều hậu quả nặng nề cho TPHCM. Sở đã tham mưu UBND TP.HCM huy động nguồn lực chăm lo, hỗ trợ cho người cao tuổi neo đơn và trẻ mồ côi do COVID-19 với nhiều chính sách cụ thể.