Chiếu laser vào máy bay trên thế giới bị xử lý ra sao?

TP - Ở các nước phát triển như Anh, Mỹ…, mỗi năm ghi nhận hàng nghìn trường hợp chiếu tia laser vào máy bay, khiến phi công bị lóa mắt, phải đổi hướng bay, thậm chí có người bị hỏng võng mạc. Phần lớn trường hợp chiếu laser chỉ để vui đùa, nhưng vẫn bị xử lý nghiêm.
Laser dân sự không thể làm hỏng máy bay nhưng có thể khiến phi công lóa mắt, thậm chí hỏng võng mạc. Ảnh: Sky News

Hơn 6 năm qua, Anh ghi nhận gần 9.000 trường hợp tia laser chiếu vào máy bay đang bay. Hồi tháng 2/2016, một máy bay thương mại của hãng Virgin Atlantic trên đường tới New York phải quay trở lại London vì sức khỏe một phi công bị ảnh hưởng sau khi tia laser chiếu vào buồng lái.

Cục Hàng không Dân dụng Anh (CAA) ghi nhận xấp xỉ 9.000 trường hợp tia laser chiếu vào máy bay trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến tháng 6/2015 ở nhiều địa phương của Anh, gồm 746 vụ năm 2009, 1.500 vụ năm 2010, 1.912 vụ năm 2011… 

Trong sáu tháng đầu năm ngoái, CAA ghi nhận 414 trường hợp, trong đó có 48 vụ tại sân bay Heathrow ở London, 32 vụ ở sân bay Birmingham, 24 vụ ở sân bay Leeds Bradford, 23 vụ ở sân bay Manchester…

Nguy hiểm cho phi công

Theo Hiệp hội Phi công Hàng không Anh (BALPA), tia laser có thể khiến phi công mất thị lực tạm thời. Tổng thư ký BALPA Jim McAuslan nói: “Máy bay đang bị tấn công bằng tia laser với tần suất đáng báo động và tia laser có độ mạnh ngày càng tăng. Laser hiện đại có khả năng làm mù mắt, và rõ ràng là khiến phi công lóa mắt, mất tập trung trong quá trình bay”. BALPA muốn Anh ra quy định coi laser là vũ khí tấn công để cảnh sát có thêm quyền bắt những người sở hữu, tàng trữ laser mà không có lý do chính đáng.

Võng mạc mắt phải của một phi công phụ của hãng British Airways đã bị hỏng sau khi tia laser mạnh chiếu vào buồng lái khi máy bay đang hạ cánh xuống sân bay Heathrow hồi tháng 11/2015. Kể từ đó, viên phi công này không thể trở lại làm việc.

Một nhà bán lẻ Anh, Megalaser UK, cảnh báo trên website: “Laser không phải đồ chơi. Ánh sáng laser có thể đốt cháy bóng bay, làm chảy nhựa, làm cháy diêm và có thể đi xa tới 160 km”.

Phạt nặng

Năm 2010, Anh thông qua một luật, theo đó sẽ truy tố những ai chiếu ánh sáng vào máy bay đang bay làm phi công lóa mắt hoặc sao lãng. Dù vô tình gây nguy hiểm, người vi phạm có thể vẫn phải ngồi tù nếu gây ra tình trạng sao lãng hoặc chói mắt nghiêm trọng. 

Tháng 2/2016, tòa án thành phố Birmingham tuyên phạt người bán hàng Chris Vowles 7 tháng tù cho hưởng án treo, lao động công ích 250 giờ, bồi thường 100 bảng cho nạn nhân và đóng 300 bảng án phí. 

Tháng 7/2015, thanh niên này cùng bạn bè mở tiệc đêm, hứng chí lấy bút laser chiếu vào một máy bay trực thăng của cảnh sát đang bay giám sát. Hồi tháng 10 năm ngoái, một thanh niên khác ở thành phố Cardiff bị kết án 6 tháng tù giam vì chiếu tia laser vào 3 máy bay chở khách và 1 trực thăng cảnh sát.

Tại Mỹ, từ năm 2005, Cục Quản lý Hàng không Liên bang (FAA) bắt đầu theo dõi các vụ chiếu laser vào máy bay. Năm 2010, FAA ghi nhận hơn 2.800 trường hợp khắp nước Mỹ. 

Tại một cuộc họp báo của FBI mới đây, sĩ quan cảnh sát thành phố St. Louis, ông Doug Reinholz, phát biểu: “Chiếu laser vào máy bay không phải là trò đùa vô hại. Hãy tưởng tượng bạn đang trong tình trạng nguy kịch, máy bay cấp cứu đang tới. 

Nhưng vì bị chiếu tia laser, bị mù tạm thời, phi công phải chuyển hướng bay… Nếu bạn chiếu laser và cản trở hoạt động của máy bay, đó là trọng tội. Tội này có hình phạt cao nhất là 20 năm tù trong nhà tù liên bang và 250.000 USD tiền phạt. 

Ngoài ra, FAA có thể phạt hành chính tới 11.000 USD cho mỗi hành vi vi phạm”.FAA đã thành lập các khu không phận riêng để bảo đảm phi công không bị ảnh hưởng bởi ánh sáng quá mạnh, trong đó có tia laser. Ví dụ, tại khu vực xung quanh và phía trên đường băng, độ sáng phải nhỏ hơn 0,05 microwatt/cm², khu vực 18,5km quanh sân bay, giới hạn cho phép tối đa là 5 microwatt/cm²…  

Ở nhiều nước, việc mua bán thiết bị laser, chủ yếu là bút laser, là hợp pháp. Chúng thường được dùng trong các bài thuyết trình, tại các hộp đêm, chương trình biểu diễn nghệ thuật. Một số ngành công nghiệp sử dụng thiết bị laser để chỉ các khoảng cách cụ thể; còn quân đội dùng để đánh dấu mục tiêu vào ban đêm.

Theo Theo Sky News, FBI, Guardian