Chia thịt hổ

TP - Chúng ta đang làm công tác kê khai, xác định đối tượng, phương án hỗ trợ, bồi thường cho dân sau sự cố môi trường do Formosa gây ra. Công việc này có dễ không? Ngẫm chuyện xưa để ứng xử với chuyện nay.

Sau khi nhà Trần đánh đuổi quân Nguyên Mông, đất nước trở lại thanh bình. Để rèn luyện sức khỏe và lòng dũng cảm, nhiều nơi vẫn tổ chức cho tráng sĩ đấu với hổ. Trong một lần cha - con cùng xem đấu hổ, Trần Nhân Tông hỏi con là Thái tử Trần Thuyên (sau này là vua Trần Anh Tông): “Giết hổ và chia thịt hổ, việc nào khó hơn?”. Thái tử trả lời: “Thưa cha, giết hổ con nghĩ là khó hơn”. Trần Nhân Tông cho con một đáp án khác:“Chia thịt hổ khó hơn”. Giết hổ tưởng khó mà dễ. Bởi, khi biết hổ dữ, mọi người đồng lòng hướng mũi tên, chĩa ngọn giáo về một hướng. Nhưng, khi chia thịt, ai cũng muốn phần hơn, dễ sinh đố kỵ, hiềm khích, thậm chí đánh nhau vì miếng thịt!

Trở lại chuyện của hôm nay. Việc chúng ta vào cuộc đồng bộ, khoa học, quyết liệt, hiệu quả tìm nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường biển, đây là việc khó nhưng rồi chúng ta làm được nhờ sự đồng tâm, nhất trí của lãnh đạo và người dân. Formosa đã phải chấp nhận bồi thường 500 triệu USD, hứa không tái phạm.

Thế nhưng, 500 triệu USD sẽ đến với bà con các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường như thế nào, nghe tưởng dễ hóa ra không đơn giản chút nào. Đây là sự cố môi trường biển lớn nhất từ trước đến nay, chúng ta chưa có tiền lệ, đối tượng bị ảnh hưởng lại lớn, khó phân tách một cách rõ ràng... Ngay cả cách hỗ trợ, bồi thường (bằng tiền hay bằng cách khác, gián tiếp) cũng được tính toán rất kỹ. Các tỉnh đang căng đầu với công tác kê khai, thống kê, lên phương án đề xuất với Chính phủ. Lập ra đủ ban bệ làm công tác thống kê thiệt hại, đối tượng ảnh hưởng và tiến hành đối thoại với dân để tránh sai sót, nhưng Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh thừa nhận là không dễ dàng. Làm sao đảm bảo công bằng, đáp ứng được tất cả nguyện vọng người dân có lẽ là việc tốn nhiều công sức. Các tỉnh đều cho rằng, công khai, minh bạch là chìa khóa của sự công bằng. Cái khó của việc này, như câu chuyện “chia thịt hổ” vốn không chỉ nằm ở việc phân chia sợ xảy ra tị nạnh mà còn phải đối mặt những kẻ núp bóng dân, đục nước béo cò để kích động vì mục đích khác, khiến chuyện này đã khó càng khó hơn, buộc chúng ta phải cực kỳ thận trọng trong triển khai.

Trở lại chuyện xưa của cha - con nhà vua Trần Nhân Tông. Cha đưa ra đáp án “chia thịt hổ khó hơn”. Vậy, cách nào chia thịt hổ mà không xảy ra tranh giành hơn thiệt? Trần Nhân Tông gợi ý cho con lấy “Lục hòa” trong nhà Phật mà giáo hóa nhân tâm. “Lục hòa” là gì? Đó là 6 nguyên tắc sống hòa hợp, đoàn kết trong tình thân thương đầy thánh thiện của cộng đồng. Đó là: Giới hòa đồng tu (hòa đồng trên nguyên tắc kỷ luật);Thân hòa đồng trụ (hòa đồng trên nguyên tắc hành động);Khẩu hòa vô tránh (hòa đồng trên nguyên tắc ngôn luận); Lợi hòa đồng quân (hòa đồng trên nguyên tắc quyền lợi); Ý hòa đồng duyệt (hòa đồng trên nguyên tắc ý chí); Kiến hòa đồng giải (hòa đồng trên nguyên tắc nhận thức).

Bài học “chia thịt hổ” của vị vua, vị phật Trần Nhân Tông còn mang tính thời sự nóng hổi. Hy vọng, lãnh đạo các tỉnh miền Trung tìm ra chìa khóa cho câu chuyện này để khoản bồi thường chẳng những giúp dân bớt khó khăn, ổn định cuộc sống mà còn tạo ra được sự đồng thuận, đoàn kết giữa dân và chính quyền trong lúc khó khăn, hoạn nạn.

Bên cạnh đúng - sai, còn có hòa hợp. Nếu thiếu chữ “hòa”, đúng - sai sẽ mãi còn tranh cãi.