Lựa chọn cách thức để vượt qua
Nguyễn Anh Hào (SN 2004, học sinh Trường THPT Nguyễn Viết Xuân, huyện Di Linh, Lâm Đồng) sinh ra đã mắc bệnh loạn sản sụn khiến hai chân bị dị tật.
Những ngày đầu tiên đi học, giờ ra chơi các bạn ùa ra sân chạy nhảy, vui đùa, còn Hào lặng lẽ một góc lớp. “Lúc đó em đã bắt đầu biết buồn về bản thân mình và có chút mặc cảm. Có lần mẹ đến muốn bế em ra sân ngồi ở ghế đá chơi nhưng em đã bám chặt lấy bàn không cho mẹ đưa ra”.
Điều mang lại niềm vui và sự hào hứng nhất với Hào là những bài giảng của thầy cô giáo. Cậu hứng thú với những trang văn, phép tính toán và ngoại ngữ. Cậu giấu sự mặc cảm vào những bài tập khó. Hai môn Toán, tiếng Anh khiến cậu bị cuốn hút hơn cả, luôn tìm tòi lời giải cho những bài tập khó. Giải những bài toán hóc búa, nhiều lần cậu khiến thầy cô, bạn bè ngỡ ngàng trước những đáp án thông minh.
Bước sang bậc THCS, Hào có thêm niềm đam mê môn tin học, công nghệ, kỹ thuật. Với ý tưởng “mái che thông minh”, dùng cảm biến tự động điều khiển bằng điện thoại thông minh, Hào phối hợp với bạn hiện thực hóa ý tưởng và đã đoạt giải ba cấp tỉnh, giải tư cấp quốc gia trong Cuộc thi về khoa học kỹ thuật năm học 2017-2018.
Hào chia sẻ: “Hằng ngày, em đang phải chiến đấu với bệnh tật và những khó khăn trong cuộc sống, nỗ lực hết sức để học tập tốt. Em muốn tự lập trong tương lai và làm được nhiều điều, cũng như có thể giúp đỡ được nhiều người cùng cảnh ngộ. Em rất thích câu nói, rằng những khó khăn trong cuộc sống là điều khó tránh khỏi, việc cần làm là lựa chọn cách thức để vượt qua”.
Không đầu hàng
Nguyễn Đức Nghị (SN 2000, ở Bắc Ninh) mắc bệnh Glocom bẩm sinh khiến mắt mất dần thị lực. Cậu lớn lên với hành trình chữa trị và trải qua nhiều cuộc phẫu thuật. Nhưng đến năm học lớp 8, đôi mắt của cậu chìm trong bóng tối. “Một thanh niên mới lớn với nhiều hoài bão phía trước, đối diện việc không nhìn thấy gì giống như một cú sốc, không thể vực dậy”, Nghị nói.
“Tôi đang cố gắng từng ngày để vượt qua chính mình, vượt qua những mặc cảm và sự đau đớn của bản thân để vươn tới những điều tốt đẹp hơn. Tôi rất biết ơn gia đình, thầy cô và bạn bè đã luôn động viên, giúp đỡ để tôi có được niềm vui, niềm hy vọng trong cuộc sống”.
Bạn Nguyễn Anh Hào, học sinh Trường THPT Nguyễn Viết Xuân, huyện Di Linh (Lâm Đồng)
Cậu phải học lại mọi thứ, từ phân biệt quần áo bằng xúc giác, xác định phương hướng, di chuyển trong nhà rồi ra ngõ… Hành trình đi tìm con chữ của cậu cũng thêm gập ghềnh.
Tốt nghiệp cấp hai, Nghị nộp hồ sơ vào nhiều trường THPT, nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Sau khi tham gia Hội Người mù thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh), Nghị được giới thiệu đi học máy tính, học văn hóa ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố (Hà Nội).
Nghị được làm quen với chữ nổi, sử dụng dùi, bảng, ghi nhớ thứ tự của các chấm để thành chữ cái. Cậu vẫn nhớ “sờ đến mòn cả chữ, sờ cổ tay mỏi nhừ mà những con chữ như chạy trốn”. Kiên trì, không đầu hàng, Nghị cuối cùng cũng sử dụng được chữ nổi để thắp lên ước mơ cuộc đời. Rồi cậu còn học cả vi tính, lớp nghề xoa bóp cổ truyền.
Hiện Nghị là sinh viên ngành Quan hệ Công chúng, Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam. Để vượt qua những mặc cảm, cậu tham gia nhiều cuộc thi giành giải thưởng như: Hành trình Bước qua bóng tối, Ý tưởng Thanh niên với an toàn giao thông, Công dân toàn cầu, Đại sứ văn hóa đọc… Nghị đang làm cộng tác viên cho nhiều tạp chí. Cậu ước mơ trở thành phóng viên của một tờ báo dành cho người khuyết tật trong tương lai.
Với nỗ lực phấn đấu vượt lên hoàn cảnh tật nguyền, Nguyễn Anh Hào và Nguyễn Đức Nghị được tuyên dương trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2021 do T.Ư Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam tổ chức.