Can thiệp án?

TP - Xưa nay thiên hạ đồn thổi đã nhiều về chuyện lãnh đạo ngoài ngành tòa án can thiệp vào công việc xét xử của ngành tòa án, tòa án cấp trên can thiệp vào công việc xét xử của tòa án cấp dưới, chánh án can thiệp vào công việc xét xử của thẩm phán…

Đồn thổi thôi, đưa chuyện này ra chất vấn công khai người ta sẽ đáp ngay hoàn toàn không có. Cái ông can thiệp sẽ nói “Tôi hoàn toàn không can thiệp, chỉ yêu cầu xét xử nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”. Cái ông bị can thiệp sẽ nói “Không ai chỉ đạo tôi phải xử thế này, phải xử thế kia, mà có chỉ đạo tôi cũng không nghe. Trong khi xét xử tôi chỉ tuân thủ pháp luật mà thôi”.

Thế nên, khi đọc loạt bài “Tuyên án treo cho người nhà lãnh đạo” trên Tiền Phong, tôi bị bất ngờ một cách… rất chi là thú vị. Bởi thấy ông chánh tòa tỉnh nói rất thực với nhà báo rằng xử án treo trái pháp luật là bởi “bị cáo là người nhà của một lãnh đạo tòa án tối cao”, “cấp trên nhờ mình phải giúp”; ông chánh tòa huyện thì “khai” có chỉ đạo của chánh tòa tỉnh mới xử như thế; ông thẩm phán tòa huyện cũng “khai” nốt chánh tòa huyện chỉ đạo áp dụng hình phạt trong vụ án này…

Có lẽ sẽ có người chê mấy ông chánh án, thẩm phán ở tỉnh Hà Tĩnh và thị xã Hồng Lĩnh “thật thà quá”. Việc đã nhỡ nhàng ra thế thì chỉ cần nói với báo chí là cấp phúc thẩm sẽ xem xét, nếu cấp sơ thẩm xử án treo mà sai thì còn có cấp phúc thẩm quyết định lại thành án giam. Ai lại… khai tồng tộc ra thế, không giúp được lãnh đạo tòa tối cao mà hóa ra lại làm hại nhau!

Nói một cách nghiêm túc, trong chuyện này người đầu tiên đáng bị chê trách là ông Phạm Đức Thảo, chính cái ông cầm đầu vụ đánh bạc. Ông này đã bị xử lý hành chính về hành vi đánh bạc, lẽ ra phải biết sợ pháp luật sẽ xử lý hình sự một khi tái phạm mà cạch cái vai “bác thằng Bần” đi. Đến khi nhỡ tái phạm rồi, bị công an bắt quả tang rồi, ông Thảo này nên biết xấu hổ, đừng để chuyện đến tai người nhà đang làm ở tòa án tối cao, chấp nhận đi tù rồi về làm lại cuộc đời cho vợ con được nhờ. Ông ta lại đi nhờ vả để trốn cho được cái án tù ngồi. Giờ chuyện vỡ ra, án tù ngồi khó thoát, lại còn liên lụy bao nhiêu người khác!

Tuy nhiên, nếu đúng như ông Chánh Tòa tỉnh nói người đáng bị chê trách nhất chính là ông cán bộ tòa án tối cao, người nhà của ông Thảo. Ông này có học, có hiểu biết pháp luật, lại giữ quyền cao chức trọng. Khi được ông Thảo nhờ can thiệp cho một suất án treo, lẽ ra ông này nên từ chối thẳng thừng: “Không thể làm thế, bởi như thế là trái luật, là làm khó anh em cấp dưới. Tôi là cấp trên mà chỉ đạo họ như vậy rồi tôi nhìn mặt họ làm sao?”.

Vụ việc này không chỉ là chuyện ông Thảo có đáng bị tù giam hay không. Chuyện đó nhỏ như cái mắt muỗi, thuộc trách nhiệm của hội đồng xét xử cấp tòa phúc thẩm tới đây. Vấn đề quan trọng hơn, đáng bàn hơn, đó là câu chuyện làm thế nào để bảo đảm sự độc lập của thẩm phán trong hoạt động xét xử, đã được quy định trong Hiến pháp và pháp luật. Phải có các biện pháp chặt chẽ và hữu hiệu như thế nào để loại bỏ hoàn toàn chuyện thỉnh thị, báo cáo án, chỉ đạo án, thực chất là can thiệp vào công tác xét xử của thẩm phán và hội thẩm.

Chuyện đã vượt khỏi phạm vi, trách nhiệm của ngành Tòa án. Bên cạnh Viện kiểm sát nhân dân với chức năng kiểm sát hoạt động xét xử, rất cần đến sự vào cuộc các cơ quan của Đảng (Ban Nội chính) và Quốc hội (Ủy ban Tư pháp) mới chữa được tận gốc căn bệnh tạm gọi là “can thiệp án” này.