Khi đại gia làm nông dân - Kỳ cuối:

Cần cú hích, nhưng không tách rời nông dân

TP - Trao đổi với Tiền Phong, ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng, khi nhảy vào nông nghiệp, gắn bó mật thiết với nông dân, các đại gia nhất định sẽ tạo ra cú hích, chuyển động lớn, tăng sức cạnh tranh trong lĩnh vực này ở Việt Nam.
Cty CP Bảo vệ Thực vật An Giang tham gia chuỗi giá trị trong sản xuất lúa gạo qua “cánh đồng mẫu lớn”. Ảnh: Nguyên Ninh.

Thưa ông, lâu nay, nông nghiệp (NN) vốn là ngành nhiều rủi ro, doanh nghiệp (DN) e ngại đầu tư. Ông đánh giá thế nào việc gần đây nhiều đại gia trong nước đầu tư vào lĩnh vực này?

Việt Nam trải qua một thời gian dài, dù đã có định hướng, nhưng NN vẫn sản xuất nhỏ, manh mún. Cũng vì sản xuất manh mún, chậm áp dụng khoa học công nghệ, nên năng suất, chất lượng sản phẩm NN chưa cao. Muốn cất cánh, không có cách nào khác là cần có sự đầu tư, vào cuộc của doanh nghiệp có tiềm lực. Kinh nghiệm của thế giới cho thấy, sản xuất hàng hóa lớn, DN vẫn là cốt lõi, chứ không thể hộ gia đình, gia trại được.

Thực tế, dư địa trong NN của nước ta còn rất lớn, cả trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, cây công nghiệp ngắn, dài ngày. Với các đại gia, họ là những ông chủ lớn, năng động, có tầm nhìn trên thương trường và theo tôi, đầu tư vào NN là lựa chọn đúng đắn.

Làn sóng đại gia đầu tư vào NN này có tạo ra cú hích đổi mới cho NN Việt Nam?

Các đại gia họ có kinh nghiệm tổ chức thị trường, đủ tiềm lực đưa công nghệ cao vào NN và có khả năng chịu được những thách thức mới. Do đó, khi họ vào, nhất định sẽ tạo ra cú hích, chuyển động lớn, tạo năng lực cạnh tranh tốt cho NN nước ta ở những lĩnh vực họ lựa chọn. Thứ nữa, nếu biết cách tổ chức và định hướng tốt, họ sẽ tạo ra xu hướng tích cực, tái cơ cấu sản phẩm, sử dụng đất đai, lao động trên phạm vi lớn. Đặc biệt, một số dự án đầu tư lớn có thể tác động cả khu vực, chẳng hạn như việc Hoàng Anh Gia Lai liên kết với Vissan để nuôi bò thịt, trồng cao su…

Khi các đại gia nhảy vào, cũng sẽ làm thay đổi nhận thức về ngành NN của chính quyền các cấp. Phải tự nhìn nhận cái chưa hợp lý trong phân bổ quy hoạch ngành NN, để xem xét lại. Với các dự án lớn, sẽ kéo theo một lực lượng đông đảo các nhà khoa học, nhà chuyên môn giỏi trong và ngoài nước tham gia. Từ đó, sẽ tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu trong nước, xuất khẩu. Hiện, một số đại gia định hướng thị trường nội địa khá rõ, như sản xuất sữa, bò thịt, heo thịt.

Ông Hồ Xuân Hùng.

Tuy nhiên, với phạm vi ảnh hưởng lớn như vậy, dự án của các đại gia có gây xáo trộn cho địa phương?

Đúng là nếu không định hướng rõ quy hoạch phát triển địa phương, vùng, cũng như cả nước, khi các DN lớn nhảy vào, có thể tạo ra sự rối loạn. Thực tế, ở nước ta, chuyện nay trồng, mai chặt đã diễn ra. Nếu tổ chức không khéo, nhà quy hoạch sẽ phải chạy theo các DN, hậu quả thế nào cũng khó lường. Tuy nhiên, tôi tin nó sẽ chuyển biến tích cực khi thực hiện tái cơ cấu NN hiện nay lại không như cam kết.

“Các doanh nhân ngoài phát triển kinh tế, họ cũng muốn có vị trí chính trị, xã hội. Đôi khi người ta làm giàu, không chỉ cho riêng họ, mà còn làm giàu cho xã hội để khẳng định vị trí của mình”- 

Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam.

Mặt khác, điều có thể lường trước là các DN có thể gặp những vướng mắc về đất đai, vì họ cần sử dụng một quỹ đất rất lớn. Họ có thể tạo ra một tình thế mới trong quá trình thực hiện; hoặc không khéo, sẽ vỡ bung ra một số việc trong quá trình sử dụng đất đai. Ngoài ra, cũng cần lưu ý về vấn đề môi trường (chất đất, nước ngầm, dòng chảy sông…). Không ít DN cam kết với địa phương trên giấy tờ rất tốt, nhưng khi thực hiện lại không như cam kết.

Theo ông, cần tháo gỡ những nút thắt nào để tăng thu hút đầu tư vào NN, đặc biệt là từ khối DN tư nhân?

Khi đầu tư, các đại gia cần quỹ đất rất lớn. Nên họ cần được hỗ trợ, tháo gỡ. Về vốn, các DN lớn tiếp cận vốn ngân hàng không khó, nhưng đó là với quy mô hiện tại. Còn khi quy mô lớn hơn nữa và với lãi suất như hiện nay thì sao? Nhìn ra thế giới, không đâu lãi suất cao như ta cả.

Vấn đề quan trọng nữa là, cam kết của chính quyền địa phương với các DN, đặc biệt về quy hoạch. Thật buồn, không ít chuyện “tân quan, tân chính sách”, quy hoạch sau phá vỡ quy hoạch trước. Cái này phương hại đến lợi ích DN, nên phải hết sức quan tâm. Mặt khác, cần triển khai, phát triển bảo hiểm NN, để tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư.