Cận cảnh loạt công trình trụ sở nhếch nhác, hoang tàn trên 'đất vàng' ven sông Hương

TPO - Sau khi nhiều cơ quan cấp tỉnh tại TT-Huế nằm dọc trục đường Lê Lợi (TP Huế) lần lượt di dời tới nơi làm việc mới, hơn một năm nay, hàng loạt công trình trụ sở cũ trên trục “đất vàng” ven bờ nam sông Hương rơi vào cảnh bỏ hoang, nhếch nhác, gây lãng phí công sản.

Đầu năm 2022, thực hiện đề án của UBND tỉnh TT-Huế về quy hoạch khu thương mại, dịch vụ, khách sạn cao cấp, hàng loạt cơ quan, công sở đóng trụ sở trên trục đường trung tâm TP Huế là Lê Lợi được di dời về nơi làm việc mới thuộc khối nhà hành chính tập trung nằm trên trục đường Võ Nguyên Giáp, phường An Đông, TP Huế.

Cụ thể, vào tháng 4/2022, Sở Y tế tỉnh TT-Huế tiến hành di dời trụ sở làm việc về khu trung tâm hành chính mới của tỉnh đặt tại đường Võ Nguyên Giáp.

Tương tự, các cơ quan, đơn vị ở khu đất kế bên như Phòng khám chuyên khoa Kế hoạch hóa gia đình (28B Lê Lợi), Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (30 Lê Lợi) cũng phải chuyển trụ sở làm việc đến nơi khác.

Đáng chú ý, văn phòng làm việc của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh TT-Huế đóng tại ngôi biệt thự cổ nổi tiếng có từ thời Pháp thuộc (26 Lê Lợi) cũng thuộc diện di dời, nhằm phục vụ thu hút đầu tư dự án thương mại, dịch vụ cao cấp trên khu đất này.

Được biết, ngôi biệt thự khoảng 100 tuổi này là nơi từng diễn ra rất nhiều sự kiện quan trọng của giới văn nghệ Huế trong vài chục năm qua. Công trình nhà biệt thự mới đây đã được cấp có thẩm quyền tại Huế thông qua chủ trương, dự án di dời toàn bộ khối kiến trúc cổ này đến vị trí mới (cũng nằm ven sông Hương) nhằm phục vụ công tác bảo tồn, phát huy giá trị.

Cùng thực hiện chủ trương di dời này, các Sở GD&ĐT, Khoa học & Công nghệ cũng lần lượt rời khu phố “đất vàng” Lê Lợi để chuyển về trụ sở mới đóng trên đường Võ Nguyên Giáp.

Theo đề án của UBND tỉnh TT-Huế, loạt công sở kể trên dời đến nơi làm việc mới nhằm tạo quỹ đất thu hút, kêu gọi đầu tư thực hiện các dự án khu phức hợp khách sạn, thương mại, dịch vụ chất lượng cao xứng tầm với vị trí “đất vàng” đắc địa nhất tỉnh TT-Huế.

Tuy nhiên, sau khoảng một năm lại đây, các khu “đất vàng” từ địa chỉ số 22 đến 30 Lê Lợi, Huế, vẫn chưa có doanh nghiệp đến đấu thầu, đấu giá, thuê đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng các công trình, tổ hợp thương mại, dịch vụ cao cấp theo chủ trương, quy hoạch của tỉnh.

Sau khi hàng loạt cơ quan nhà nước chuyển về trụ sở mới, nhiều khu trụ sở cũ nằm dọc đường Lê Lợi rơi vào cảnh bỏ hoang, nhếch nhác, hư hỏng, xuống cấp.

Lá cây khô mục, cỏ dại, rác thải xâm lấn khu vực sân vườn của các trụ sở cũ.

Tường bao rệu rã, hàng rào sắt mục nát, xiêu vẹo có thể đổ sập bất cứ lúc nào.

Khung cảnh hoang phế tại một khối nhà thuộc trụ sở cũ của Sở GD&ĐT TT-Huế.

Khu nhà của cũ của Phòng khám chuyên khoa Kế hoạch hóa gia đình (28B Lê Lợi) trở nên trống hoác, hệ thống cửa đã bị tháo dỡ.

Ngôi nhà 26 Lê Lợi bị xuống cấp, xung quanh đầy lá khô, cỏ rác.

Cỏ dại xuyến chi xâm lấn lên phần sân, tường nhà thuộc trụ sở cũ của Sở Y tế TT-Huế.

Trụ sở cũ của các sở, ngành cấp tỉnh dọc đường Lê Lợi suốt ngày trong cảnh cửa đóng, then cài, bỏ không gây lãng phí tài sản công.

Theo ông Phan Quý Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế, do vướng cơ chế, quy định về quản lý tài sản công, nhiều trụ sở cũ dọc đường Lê Lợi đang bỏ hoang, gây lãng phí công sản, sau khi các cơ quan hành chính di dời về khu làm việc mới tập trung ở đường Võ Nguyên Giáp.

Ông Phương lý giải, do các công trình kiến trúc tại khu "đất vàng" còn giá trị sử dụng nên phải tổ chức bán đấu giá tài sản công theo quy định. Điều này đồng nghĩa, nhà đầu tư sau khi trúng đấu thầu khu “đất vàng” phải trả thêm khoản tiền đấu giá (khoảng 20 tỷ đồng) để sở hữu các công trình trụ sở cũ dọc đường Lê Lợi, nhưng không sử dụng được mà đập bỏ để giải phóng mặt bằng phục vụ việc xây dựng tổ hợp khu thương mại, khách sạn cao cấp. Thực tế đó đang gây khó khăn về kêu gọi đầu tư, khiến loạt công sở cũ bị bỏ hoang kéo dài và lãng phí.