Cách nào kéo người trẻ khỏi bẫy gây 'nghiện' của thuốc lá điện tử?

TPO - Ngày 31/5, tại Hà Nội, T.Ư Đoàn phối hợp với Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), Tổ chức Y tế Cộng đồng toàn cầu Vital Strategies tổ chức Tọa đàm “Tác hại của thuốc lá điện tử trong học đường” để bàn sâu thêm về thực trạng và khuyến nghị các giải pháp giảm thiểu vấn nạn sử dụng thuốc lá điện tử trong học đường hiện nay.

Dự và làm diễn giả tại buổi tọa đàm, có anh Nguyễn Quốc Huy, Chánh Văn phòng T.Ư Đoàn; Th.S Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế); Th.S, BS. Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia phòng chống các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm, Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam; ông Đỗ Minh Hiền, Phòng Công tác Sinh viên, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội… cùng 600 đoàn viên, thanh niên tham gia.

Trao đổi tại tọa đàm, các chuyên gia nhận định, hiện nay, học sinh, sinh viên dễ dàng sở hữu thuốc lá điện tử với đủ hình dạng, kích thước có thể mang vào trường, lớp mà không bị phát hiện. Sự “mới lạ” của thuốc lá điện tử đã đánh trúng vào tâm lý của một bộ phận học sinh, sinh viên và nhanh chóng xâm nhập vào trường học, gây ra những hậu quả, ảnh hưởng lớn đến thế hệ trẻ.

Tọa đàm Tác hại của thuốc lá điện tử trong học đường thu hút hơn 600 đoàn viên, thanh niên tham gia.

Sinh viên trường Đại học Công nghiệp sôi nổi đưa ra câu hỏi tại tọa đàm.
Ảnh: Châu Linh

Để sinh viên có thể hiểu rõ hơn về mức độ nguy hiểm, từ đó nhận thức đúng đắn về thói “nghiện” thuốc lá điện tử, Th.S Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) nhấn mạnh vào những tác hại như: Thuốc lá điện tử chứa nicotin với hàm lượng cao hơn cả thuốc lá. Nicotin là chất độc nặng, có trong thành phần thuốc trừ sâu, khi sử dụng có ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe thần kinh. Bên cạnh đó nicotin gây nghiện, nhiều người hút thuốc lá điện tử cũng dễ nghiện thuốc lá thông thường. Hơn nữa, thuốc lá điện tử chứa rất nhiều chất phụ gia như tạo màu, tạo mùi… kích thích thị hiếu, dẫn dụ nhiều người trẻ.

Theo nữ chuyên gia, thuốc lá điện tử cũng có thể chứa ma túy. Trong thực tế, nhiều bạn trẻ đến viện trong tình trạng co giật cơ tim, chết não… Theo xác minh, nghiên cứu, cũng đã phát hiện nhiều loại ma túy mới, chất gây nghiện, ma túy tổng hợp mới xuất hiện trong thuốc lá điện tử.

Th.S Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) chia sẻ tại tọa đàm.

Lý giải cho tình trạng ngày càng nhiều có sinh viên nói chung sử dụng thuốc lá điện tử, ông Đỗ Minh Hiền, Phòng Công tác Sinh viên, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho rằng, tâm lý lứa tuổi sinh viên rất phức tạp, nửa trưởng thành, nửa chưa trưởng thành. Không ít sinh viên sử dụng và viện cớ với lý do giải tỏa căng thẳng, bất mãn với bố mẹ, thầy cô hoặc muốn thể hiện bản thân... hay đua đòi theo nhóm bạn cùng chơi.

Vì vậy, nếu bạn trẻ mới bắt đầu hút thuốc hoặc có người đã hút thuốc nhiều năm, Th.S Thu Hương khuyên hãy cố gắng nghĩ đến việc bỏ thuốc lá để có thể cải thiện sức khỏe bởi không có thời điểm nào được gọi là “lý tưởng” để cai thuốc lá. Trước ngày bắt đầu cai thuốc lá, hãy giặt sạch quần áo và làm hết mùi thuốc lá trong phòng ngủ, phòng làm việc, xe hơi; Vứt bỏ toàn bộ các vật dụng có liên quan đến thuốc lá như hộp quẹt, gạt tàn thuốc, hộp đựng thuốc; Không hút thuốc lá trong suốt ngày được chọn bắt đầu ngưng hút và những ngày sau đó; Không đến những nơi có thể làm hút thuốc lá trở lại, tìm cách không đi ngang quầy thuốc lá vẫn thường mua…

Anh Nguyễn Quốc Huy, Ủy viên BTV, Chánh Văn phòng T.Ư Đoàn chia sẻ tại tọa đàm.

Về vai trò của tổ chức Đoàn trong việc giảm thiểu tình trạng hút thuốc lá điện tử trong giới trẻ, anh Nguyễn Quốc Huy, Chánh Văn phòng T.Ư Đoàn cho biết, các cấp bộ đoàn đã thực hiện nhiều nội dung, giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá tới mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên như: các giải thể thao nói không với thuốc lá; các cuộc thi sân khấu hóa, thi thiết kế video clip, ấn phẩm tuyên truyền về tác hại của thuốc lá; tập huấn cho cán bộ Đoàn chủ chốt về công tác phòng chống tác hại của thuốc lá; ký giao ước thi đua vận động đoàn viên, thanh niên không hút thuốc lá; xây dựng các sản phẩm truyền thông trên internet, mạng xã hội.

Thông qua các hoạt động, nhiều ý tưởng, sáng kiến phòng chống tác hại thuốc lá trong thanh thiếu niên được áp dụng vào thực tiễn, mang lại hiệu quả tích cực như: mô hình Cơ quan không khói thuốc lá; Chi đoàn không khói thuốc lá”; Trường học không khói thuốc lá… Đặc biệt, các mô hình, hoạt động đã góp phần giảm tỷ lệ hút thuốc lá trong giới trẻ. Đây là kết quả bước đầu, tạo động lực để các cấp bộ Đoàn, cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên tiếp tục xung kích, tham gia tích cực, trách nhiệm hơn nữa vào công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.