Các món ăn bài thuốc từ đu đủ giúp bổ tỳ nhuận phổi

TPO - Quả đu đủ xanh hay chín đều có thể chế biến được nhiều món ăn ngon và bổ.

Đu đủ có xuất xứ từ miền Đông của Bắc châu Mỹ, khi chín, đu đủ chứa nhiều vitamin A, B, C và E. Thành phần vitamin A của đu đủ dồi dào hơn so với cà rốt, nhiều vitamin C hơn trái cam và nhiều vitamin E, chất chống lão hóa. Trong 100g thịt đu đủ có chứa 80 calori, 12g protein, 18.8g carbohydrate, 2.8g chất xơ ăn kiêng, 87 IU viatmin A, 18.3mg vitamin C, 0.01mg vitamin B1, 0.09mg vitamin B2. Theo "Trung dược đại từ điển", đu đủ chứa một loại kiềm có tác dụng phòng chống ung thư và sát trùng, diệt khuẩn.

Canh đu đủ nấu tôm

Tiết trời cuối thu se lạnh thích hợp với một bát canh đu đủ nóng sốt mà không ngấy. Người làm bếp chỉ cần chọn quả đu đủ già, ruột đã ngả sang màu vàng, chớm ngọt rồi đem xắt miếng vừa ăn. Tôm rảo bóc vỏ, ướp chút hạt tiêu, nước mắm chừng 30 phút. Phi thơm gốc hành hoa, cho tôm vào đảo nhỏ lửa để tôm săn lại, dậy mùi thơm rồi đổ nước vào đun sôi, cho đủ đủ vào hầm chín tới, nêm nếm lại gia vị vừa ăn cùng chút hành hoa, rau mùi tàu là ăn được. Món canh đu đủ ngọt ngào vi tôm, mềm, thanh, thích hợp cho mọi lứa tuổi.

Món đu đủ hầm đường phèn

Đây là món ăn có xuất xứ từ vùng Quảng Đông (Trung Quốc). Đu đủ chọn để hầm cần chín kỹ và không bị sương sa, không sần, đem gọt vỏ và xắt miếng vuông, đựng vào bát to hoặc âu có nắp, tra đường phèn rồi hầm cách thủy. Món ăn mang hương vị rất đặc trưng, già trẻ ăn quanh năm đều được. Việc ăn nó thường xuyên trong mùa xuân, hè có tác dụng thanh tâm, nhuận phế, giải nhiệt, giải độc. Ăn vào mùa thu, đông có tác dụng nhuận táo, ấm dạ dày, bổ tỳ vị, dưỡng gan, giảm ho, nhuận phổi, tan đờm.

Bài thuốc chữa bệnh bằng đu đủ:

Viêm dạ dày: Đu đủ 30 gam, táo tây 30 gam, mía 30 gam, sắc uống.

Tỳ vị hư nhược: Đu đủ 30 gam, củ mài 15 gam, sơn tra 6 gam, gạo nếp 100 gam, nấu cháo ăn ngày 2 lần (sáng - chiều).

Ho do phế hư: Đu đủ 100 gam, đường phèn 20-30 gam, hầm ăn.