Các GS Nobel Vật lý: Phải nuôi dưỡng đam mê

TP - Trong buổi giao lưu với các học sinh giỏi Việt Nam có thành tích qua các kỳ thi Olympic quốc tế, các Giáo sư đoạt giải Nobel đều có nhận xét rất ấn tượng khi biết học sinh Việt Nam có hoàn cảnh nghèo nhưng đam mê học hỏi, nghiên cứu.

> Cầu nối tri thức đỉnh cao
> Bốn nhà Vật lý đoạt giải Nobel đến Quy Nhơn

GS. Glashow (Nobel vật lý 1979) chia sẻ: “Tôi đã nghe về thành tích học tập của học sinh Việt Nam tại các kỳ Olympic quốc tế, rất ấn tượng. Lời khuyên tới các nhà khoa học tương lai của tôi là trước tiên phải nuôi dưỡng đam mê cho nghiên cứu khoa học và tạo điều kiện lâu dài cho niềm đam mê nghiên cứu đó”.

Những cuộc gặp gỡ như thế này sẽ thắp lên hy vọng, sẽ có những nhà khoa học trẻ của Việt Nam trong tương lai được bắt nguồn từ những sự gắn kết mô hình kiến thức toàn cầu mà điểm hẹn là các cuộc “Gặp gỡ Việt Nam”.

Cuối chiều qua, Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam và báo Tuổi trẻ đã tổ chức giao lưu trực tuyến với các nhà khoa học quốc tế với chủ đề “Nuôi dưỡng tình yêu khoa học”. Đây là một hoạt động trong khuôn khổ hội nghị “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 9.

Trước băn khoăn của các trẻ, các nhà khoa học đều cùng quan điểm là nên lắng nghe sự mách bảo của tiếng nói nội tâm để từ đó có sự lựa chọn thông minh nhất.

Lý giải việc vì sao mình đoạt giải Nobel, GS George Smoot nói: “Tôi phải làm việc 16 tiếng/ngày. Có những lựa chọn thông minh và theo đuổi nó đến cùng. Có nhiều người thành công là do thông minh, xuất sắc, còn tôi chọn sự chăm chỉ.

Có người đoạt giải Nobel nhưng có thể làm việc ít hơn tôi, nhưng họ thông minh và có sự lựa chọn đúng chủ đề và đúng thời điểm, họ không phải hy sinh nhiều. Nhưng tất cả họ đều dám suy nghĩ và thực hiện những ước mơ lớn”. Với một bạn trẻ khác, GS Smoot khuyên: “Điều quan trọng là phải chuẩn bị đầy đủ kiến thức trước khi cơ hội đến”.

Theo Báo giấy