Vui, buồn cùng nhà sáng chế Hai Lúa- Bài cuối:

Cả đời làm thuê, giờ muốn làm chủ mà...khó quá

TP - Ngồi trong nhà, ông Liêm chỉ mấy cái máy hàn, tiện cũ kỹ, nói: “Tôi đi nhiều nước, đến đâu cũng được tiếp đón nồng nhiệt, nhưng ở quê nhà nơi tôi lớn lên và gây dựng nghề, muốn phát triển lại gặp nhiều trắc trở, bế tắc”.  
Ông Liêm bên cạnh những chiếc máy đã làm xong nhưng chưa giao.

Từ nhu cầu của nông dân

Ông Liêm là con trai lớn trong gia đình nghèo 6 anh em. Cuộc sống khó khăn nên ông học giữa lớp 6 thì nghỉ đi làm thuê. Ông đi nhiều nơi kiếm sống, trải qua nhiều nghề hàn, tiện, làm đồng, sửa máy, sửa xe tải… Sau đó, ông về nhà mở cơ sở làm cửa sắt, đóng thùng tuốt lúa phục vụ nông dân.

Nói về máy sạ hàng kết hợp phun thuốc, ông Liêm kể, năm 2004 bắt đầu có máy gặt đập liên hợp của Trung Quốc xuất hiện trên đồng. Chiều tối, anh em hàng xóm đến nhà uống trà và gợi ý ông làm cái gì đó giúp nông dân chứ máy Trung Quốc mau hư, tốn phí sửa chữa. Từ đó, ông nảy ra ý tưởng làm máy sạ hàng kết hợp phun thuốc.

“Lúc tôi chế tạo thành công máy sạ hàng là gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn vì vốn liếng đổ vào đầu tư, chưa lấy lại được đồng nào. Nợ ngân hàng hơn 2 tỷ đồng, trong khi cứ 3 tháng đóng lãi gần 70 triệu đồng, chưa kể nợ bên ngoài. Tôi vác hồ sơ đi gõ cửa các cơ quan nhà nước xin hỗ trợ vốn để nghiên cứu, suốt mấy năm trời không ai giúp”.

Ông Phạm Thanh Liêm

Từ cái máy xới tay ban đầu, ông Liêm thay giàn xới bằng ống sạ, chế ra hệ thống truyền động nối hộp số máy xới với ống sạ. Khi máy di chuyển thì hộp sạ sẽ tự động quay tròn, lúa giống trong hộp rớt xuống ruộng qua các lỗ quanh ống sạ. Nhờ ống sạ dùi lỗ khoảng cách đều nhau, lúa sạ theo hàng thẳng băng và đều. Tuy nhiên, máy chạy trên ruộng có nhược điểm là bánh xe cao su giẫm nát rãnh thoát nước. Sau đó ông mất nhiều thời gian để nghiên cứu, thay bánh lồng bằng bánh sắt nhưng vẫn không hiệu quả. Sau đó ông đi hỏi nông dân từ vùng này đến vùng khác, cuối cùng cũng đã khắc chế được nhược điểm đó để máy chạy ngon lành.

  

Năm 2008, ông sản xuất thành công máy sạ hàng kết hợp phun thuốc sâu sau hơn 4 năm vất vả. Máy sạ hàng của ông năng suất cao, dễ sử dụng. Máy chỉ cần 1 người điều khiển, năng suất 10 ha/ngày, hoạt động được ở mọi địa hình, tốn 4 lít dầu/12 ha. Nông dân có thể điều khiển sạ thưa hay dày, thẳng hàng theo ý muốn.

“Ban ngày làm cửa sắt cùng thợ, ban đêm tôi mày mò nghiên cứu. Không ít lần thất bại, hư hỏng bỏ hàng tấn sắt. Nhiều lúc đã tính bỏ cuộc vì vay hơn  2 tỷ đồng, không biết thu lại bằng cách nào?”, ông nhớ lại.

Trắc trở ở quê

“Tôi đã làm xong 15 máy sạ hàng kết hợp phun thuốc, giờ chỉ còn ráp lại là ký hợp đồng giao cho Trung tâm khuyến nông tỉnh Kiên Giang, nhưng tôi không ký. Vì nếu ký hợp đồng rồi mua đồ làm lại cái mới là lỗ ngay”, ông Liêm chỉ dãy máy xếp trước nhà đã sơn bóng loáng. Ông giải thích, trước đây bán một máy giá 60 triệu đồng thì đóng thuế 320.000 đồng. 

Khi xuất hóa đơn đỏ những sản phẩm cơ sở không làm được như ống nhựa, hộp số, đầu máy… được trừ ra. Còn giờ, theo chính sách thuế mới phải đóng tất tần tật. “Trước đây, mỗi máy lời khoảng 3 triệu đồng. Hiện nay lời còn vài trăm ngàn. Trường hợp thợ làm hư món gì trong đó thì lỗ chắc”, ông Liêm than thở.

Ông Liêm kể, năm 2008, ông đem hồ sơ đến Sở KH&CN gặp cán bộ nhờ hướng dẫn làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Tại đây, cán bộ giới thiệu lên TPHCM gặp ông Trí (ở Cty Á Đông) để nhờ hỗ trợ vì Sở không có khả năng viết hồ sơ đăng ký (?). “Vợ chồng tôi chạy xe gắn máy lên TPHCM nhờ ông Trí mấy tháng trời.

 Ông Trí thấy hoàn cảnh nhà tôi khó khăn nên giúp viết dự án miễn phí, tôi chỉ đóng tiền đăng ký. Lúc đó, cán bộ Sở KH&CN hứa, nếu đăng ký được về tỉnh sẽ hỗ trợ 50% chi phí. Tuy nhiên, đến nay tôi có đủ bằng sáng chế độc quyền nhưng chẳng có ai dòm ngó tới, chứ nói chi đến hỗ trợ”, ông Liêm nói.

Ông Liêm đứng trước cơ sở làm máy kiêm nhà ở. Ảnh: Hòa Hội

Cơ sở sản xuất của ông Liêm cách trung tâm tỉnh gần 40 km, đường vắng hoe. Đây chính là căn nhà cấp 4 cũ kỹ, mái lợp tôn, rộng hơn 150m2, được ngăn làm hai, nửa để ở,  nửa làm nhà xưởng. 

Ông Liêm kể: “Tôi đầu tắt mặt tối nghiên cứu ra sản phẩm phục vụ cho nông dân cũng mong mở mang cơ sở cho khang trang nhưng dự án phát triển đã viết cách nay 7 năm, theo lời cán bộ tỉnh hô hào hỗ trợ nhưng đến giờ vẫn nằm im”. 

Hơn thế, năm 2008, ông mang hồ sơ đến gặp lãnh đạo Sở NN&PTNT để xin hỗ trợ vay 700 triệu đồng mua thiết bị, mở rộng sản xuất, được hứa hỗ trợ vay một tỷ đồng, chỉ đạo cấp dưới viết dự án, làm hồ sơ trình UBND tỉnh xem xét. Tuy nhiên, dự án chỉnh sửa nhiều lần, trình duyệt đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Ông Liêm còn kể rằng, có nhiều chuyên gia và doanh nghiệp mời ông đến nơi khác đầu tư phát triển sản xuất. Cụ thể, PGS.TS Phạm Khắc Tuấn, Phó hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa TPHCM, kêu lên Long An sẽ đầu tư. Còn ông Vĩnh là cố vấn Tập đoàn Thành Thành Công kêu lên Tây Ninh sẽ đầu tư 3.000 m2 nhà  xưởng. Đồng thời, làm xong đặt 100 máy gặt đập liên hợp kết hợp cuộn rơm phía sau.

Ông Liêm tâm sự: “Tôi muốn doanh nghiệp đầu tư tại nhà, vì quê hương của tôi, nhưng các nhà đầu tư đều lắc đầu. Năm rồi tôi lên TPHCM, gặp một chuyên gia kinh tế, được bảo, không dám về Đồng Tháp đầu tư vì hạ tầng kỹ thuật kém. Hơn nữa, doanh nghiệp vào sẽ bị “cá lòng tong” rỉa hết thì lấy đâu mà thu hồi vốn”.

PV Tiền Phong đem bức xúc của ông Liêm đến với lãnh đạo Sở NN&PTNT và Sở KH&CN. Tại Sở NN&PTNT, ông GĐ Nguyễn Văn Công cho biết, ông về nhận nhiệm vụ cuối năm 2013 nên việc người tiền nhiệm hứa hỗ trợ cho ông Liêm thì ông không biết. “Nghe ông Liêm nói, doanh nghiệp muốn đầu tư vào tỉnh nhà, phải chi 5% hoa hồng phí bôi trơn, ông thấy có không?”, PV Tiền Phong hỏi. 

Ông Công nói không có chuyện đó tại Sở của ông. “Bản thân tôi mong muốn phục vụ và tạo điều kiện tốt nhất cho cá nhân hay doanh nghiệp đầu tư vào Đồng Tháp để phát triển. Ngoài ra, có thể do anh em doanh nghiệp e ngại hay phải nhờ qua trung gian thì mới tốn khoản phí đó”, ông Công nói.

Còn PGĐ Sở KH&CN Đồng Tháp, bà Lê Thị Bích Thủy nói: “Sở biết ông Liêm có bằng sáng chế, nhưng ông ấy không đến đây gửi hồ sơ hay làm thủ tục gì hết thì chúng tôi không hỗ trợ được”. Theo bà Thủy, hiện nay ông Liêm vẫn có quyền làm các thủ tục gửi lên Sở KH&CN để nhận hỗ trợ 50% chi phí dự án, tối đa là 5 triệu đồng.

Nước ngoài mời chào

Ông Liêm (thứ 2, phải sang) ở  Campuchia.
Ông Liêm luôn nói, ông có được thành công như hôm nay là nhờ sự giúp đỡ của GS.TS Võ Tòng Xuân. Ông Liêm kể: “Lúc tôi chế tạo thành công máy sạ hàng là gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn vì vốn liếng đổ vào đầu tư, chưa lấy lại được đồng nào, nợ ngân hàng hơn 2 tỷ đồng, trong khi cứ 3 tháng đóng lãi gần 70 triệu đồng, chưa kể nợ bên ngoài. 

Tôi vác hồ sơ đi gõ cửa các cơ quan nhà nước xin hỗ trợ vốn để nghiên cứu, suốt mấy năm trời không ai giúp”. Ông đang định bán gần 2 ha đất để trả nợ thì may mắn được GS.TS Xuân giúp đỡ rồi dẫn sang châu Phi làm chuyên gia và tương lai mở ra. GS.TS Xuân tiếp tục giới thiệu ông Liêm sang Campuchia, Lào tìm đối tác và bán máy nông nghiệp.

Trong lúc, các cơ quan trong nước nói rất hay nhưng không hề chìa bàn tay giúp đỡ ông Liêm, thì có nhiều đối tác nước ngoài đã và đang đến nhà tìm mua máy và mời ông hợp tác. Từ năm 2010 đến 2013, trung bình mỗi năm có gần chục đoàn khách nước ngoài đến nhà.

Đầu năm 2014, một đoàn khách của chính phủ Nigeria, gồm đại diện thanh tra chính phủ và quan chức nông nghiệp đến cơ sở của ông xem sản phẩm và đặt hàng. Tháng 5/2014, ông Liêm được một doanh nghiệp mời sang Thái Lan tham quan và khảo sát địa hình nông nghiệp. 

Tại đó, tập đoàn sản xuất máy nông nghiệp của Thái Lan đề xuất mua bằng sáng chế độc quyền máy sạ hàng kết hợp phun thuốc của ông với giá 2 triệu USD; đồng thời, mời ông sang làm chuyên gia cơ khí với mức lương cao nhưng ông từ chối.

“Tại sao ông từ chối lời đề nghị hấp dẫn như thế?”, PV Tiền Phong hỏi. Ông Liêm trầm ngâm một lúc, nói: “Cả đời tôi làm thuê làm mướn rồi, nay mới có cơ hội làm chủ và được nhiều người biết tới mình. Nếu bán đi thì tôi lại làm công cho người ta, nên bao nhiêu tiền tôi cũng không bán”. Ông Liêm cho biết thêm, qua GS.TS Xuân, trong tháng 9 vừa rồi, ông đón đoàn khách từ Brunây sang tham quan và ông chạy trình diễn máy nông nghiệp cho họ xem.