Hội thảo quốc tế biển Đông lần 6

Cá, dầu khí và chủ quyền biển đảo

TP - Đó là 3 nội dung nổi bật trong các tham luận, trao đổi của các chuyên gia, học giả quốc tế và trong nước tại Hội thảo quốc tế Biển Đông vừa được khai mạc hôm qua (17/11) tại Đà Nẵng.
Tàu chấp pháp cải trang làm tàu cá của Trung Quốc rượt đuổi ngư dân Việt Nam ngay trên vùng biển Việt Nam. Ảnh: Nam Cường.

Hội thảo do Học viện Ngoại giao, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu biển Đông và Hội Luật gia Việt Nam phối hợp tổ chức với sự tham gia của hơn 200 học giả, chuyên gia.

Theo ông Đặng Đình Quý - Giám đốc Học viện Ngoại giao, năm 2014 là một trong những năm tình hình biển Đông diễn biến phức tạp nhất trong nhiều thập kỷ qua, vì thế, chúng ta càng cần nỗ lực lớn hơn, sáng tạo hơn để công chúng quan tâm hơn tới biển Đông; thiết lập các cơ chế kiểm soát hiệu quả tranh chấp, ngăn ngừa xung đột tại đây.

Tuyến giao thương 5,3 ngàn tỷ đô la mỗi năm sẽ nguy cấp

Cá, dầu khí là hai nguồn tài nguyên dường như vô tận ở biển Đông, điều này khiến các nước trong và ngoài khu vực đều muốn sở hữu một hoặc nhiều phần trên biển Đông. Tuy nhiên, các học giả cho rằng, cách sở hữu của Trung Quốc là cực kỳ phi lý và trái với Công ước LHQ về Luật Biển 1982 cũng như Tuyên bố ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC). Sự phi lý của Trung Quốc được thể hiện qua việc ngang nhiên vẽ đường lưỡi bò 9 đoạn (nay là 10 đoạn) độc chiếm biển Đông và dùng vũ lực để giải quyết.

“Không thể xâm chiếm biển Đông bằng vũ lực” - đó là khẳng định của cựu phó Đô đốc Anup Singh, nguyên tư lệnh Hạm đội Hải quân miền Đông Ấn Độ. Ông Anup Singh không hiểu Trung Quốc dựa vào cái gì, điều kiện nào để vẽ nên đường lưỡi bò 9 đoạn, độc chiếm vùng biển được xem là giàu có, huyết mạch giao thương của cả thế giới: “Tôi đang tự hỏi cái mực vẽ nên đường lưỡi bò bằng hóa chất gì để có thể in hằn lên biển Đông mà không bị bay mất”. Cựu phó Đô đốc này cho rằng, xung quanh biển Đông, nơi những đất nước có nền kinh tế đang phát triển mạnh trong vài thập kỷ qua, nơi đón ánh mặt trời đầu tiên trên thế giới cần phải được bảo vệ.

“Một nơi giao thương huyết mạch, chuyên chở 5,3 ngàn tỷ đô la mỗi năm sẽ nguy cấp nếu chúng ta tiếp tục để tình trạng này xảy ra. Tiền đứng đằng sau mọi cuộc chiến tranh. Tôi nghĩ, Hoa Kỳ cần nhanh chóng thể hiện hơn nữa vai trò của mình bằng việc thông qua Công ước LHQ về Luật Biển, sau đó đưa ra trọng tài quốc tế, giải quyết tranh chấp bằng hòa bình” - ông Anup Singh khẳng định.

“Khi lòng tin bị xói mòn, yếu tố cơ bản gắn kết các dân tộc bị suy giảm thì xung đột là điều khó tránh khỏi. Sự gia tăng căng thẳng ở biển Đông trong thời gian gần đây đã làm xói mòn lòng tin giữa các nước trong khu vực”.

Ông Văn Hữu Chiến - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng

Dẫn chứng cho sự trù phú ở biển Đông, ông Dylan Mair - Giám đốc Bộ phận phân tích năng lượng châu Á - Thái Bình Dương (IHS, Singapore) cho rằng, khu vực này đã có 57 tỷ thùng dầu đã khai thác, 40 tỷ đang khai thác và theo khảo sát mới thì có ít nhất hàng chục tỷ thùng nữa chờ được khai thác. Đó là món lợi không thể bỏ qua của nhiều nước lớn. Tuy nhiên, không ai tranh chấp theo cách của Trung Quốc. Điều này cũng giải thích tại sao, những dự đoán về trữ lượng dầu ở biển Đông của Trung Quốc luôn nhiều hơn Mỹ gấp nhiều lần.

Học giả Đài Loan, TS Vương Quán Hùng (Viện Khoa học chính trị, ĐHQG Đài Loan) dẫn chứng, hàng năm sản lượng đánh bắt cá ở biển Đông chiếm 10% sản lượng cá toàn cầu. “Điều nguy hiểm là một số nước đánh bắt nhiều hơn so với nhu cầu, dẫn đến nguồn cá đang ngày càng cạn kiệt” - ông Vương Quán Hùng nhận định. Theo nghiên cứu của TS James Kraska (ĐH Hải chiến Mỹ), Trung Quốc hiện có hạm đội thương lái biển lớn thứ 3 trên thế giới với gần 300 ngàn tàu cá và 8 triệu ngư dân. Với sản lượng 17 triệu tấn vào năm 2007, Trung Quốc vượt xa Mỹ, Nhật và các cường quốc xa bờ khác ở Thái Bình Dương.

“Bẫy nguy hiểm” ở biển Đông

Đó là từ dùng của GS. Chu Phong, một học giả người Trung Quốc nhưng có quan điểm khá thẳng thắn, thậm chí phê phán những hành động gây hấn, độc chiếm biển Đông của nước này trong thời gian gần đây, đặc biệt đường 9 đoạn và vụ Hải Dương 981.

Theo GS. Chu Phong, một trong 3 nguyên nhân lớn khiến tình hình ở biển Đông leo thang giai đoạn 2013 - 2014 là chính sách biển Đông của Trung Quốc. Giới lãnh đạo Trung Quốc không ngần ngại sử dụng các hoạt động chấp pháp để củng cố yêu cầu chủ quyền của nước này và đáp trả trực tiếp các động thái, chính sách của nước khác. “Khu vực này đang rơi vào bẫy nguy hiểm của một cuộc chiến tranh mà nếu tình hình không xoay chuyển, sẽ dẫn đến kết cục không hề có lợi cho bất kỳ bên nào” – GS. Chu Phong nói.

Để kiểm soát cũng như giải quyết tốt các tranh chấp bằng hòa bình, các học giả cho rằng, các nước ASEAN cần đoàn kết, tăng cường sức mạnh lẫn nhau trong việc củng cố độc lập, chủ quyền. Sớm thống nhất đưa vấn đề tranh chấp ra tòa án quốc tế. Ngoài ra, sự ủng hộ của cộng đồng châu Âu và Mỹ cũng là những yếu tố có lợi cho ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng.