Bùi Tiến Tuấn: Vẽ mình trong phố

TP - Với Bùi Tiến Tuấn, Phố đêm ngày chảy cơn hoài niệm khó quên. Để rồi 20 năm sau, nặng trĩu tình quê, bất ngờ trình làng một serie tranh chín muồi, thổn thức vo tròn giữa không gian cổ rêu phong, cảnh trí bày biện như màn hình rộng đầy rung cảm.

Triển lãm cá nhân lần thứ 7 của hoạ sĩ Bùi Tiến Tuấn – “Hội An Hoài Niệm” vừa diễn ra từ ngày 1/7 đến 31/7/2016 tại À Gallery 46 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TPHCM. Với 18 bức tranh màu nước khổ lớn, sắc màu tươi rói hòa trên nền giấy dó ảm đạm đem lại cho người xem khoảng lặng trăm năm giữa thành phố náo nhiệt.

Vẽ bằng hoài niệm  

Hội An phố hiển nhiên thành câu chuyện dài, khi cậu bé Bùi Tiến Tuấn qua các hoạ sĩ đến Hội An vẽ, trong anh bắt đầu ảnh hưởng ít nhiều trường phái biểu hiện pha chút trừu tượng. 

Từ khi chính thức học trường Đại học Mỹ thuật, Tuấn vẽ nhiều ký hoạ Hội An bằng màu nước trên giấy dó, một ngày anh vẽ gần 20 bức đủ kiếm tiền để mua màu giấy trang trải cuộc sống. Một phần nhờ nhân duyên tiếp cận nhiều hoạ sĩ tài danh đến đây, những tên tuổi như Bùi Xuân Phái, Lưu Công Nhân, Đỗ Hoàng Tường, Trần Văn Thảo... Hồi đó, Phố Hội vắng tanh hiu quạnh, Tuấn chỉ là đứa trẻ nhỏ, mắt tròn xoe mê hoặc, hay làm kẻ lữ khách tí hon đứng ngắm nghía người ta vẽ Phố. Thuở  đó đã biết mộng mơ, nằm mơ đứng vẽ nơi phố quê, lắm lúc chiêm nghiệm cái hồn phách qua tranh, đã ý thức bố cục vẻ thâm sâu từng lớp màu cô tịch.

Với Bùi Tiến Tuấn là thế, Phố đêm ngày chảy cơn hoài niệm khó quên. Để rồi 20 năm sau, nặng trĩu tình quê, bất ngờ trình làng một serie tranh chín muồi, thổn thức vo tròn giữa không gian cổ rêu phong, cảnh trí bày biện như màn hình rộng đầy rung cảm.

Tranh của Nguyễn Văn Hổ.

Ngạc nhiên, xem ngắm 18 bức phong cảnh phố Hội An của Bùi Tiến Tuấn. Chúng không đơn thuần bày ra phố, ở nơi ấy tranh hiện rõ bút pháp thể hiện từ tốn, nét bút phố rất phong sương, từng góc phố đa dạng. Tranh phong cảnh của Tuấn có cả bầu trời tối dần mờ ảo. Hay giọt nắng vàng lạ yên lặng xuống mái ngói âm dương trong buổi chiều tà, buồi sớm mai hồng sương se lạnh.

Hội An – phố thành huyền thoại đời anh, nhất là trò chơi trốn tìm rong ruổi phố. Mỗi đêm ánh trăng ngà sáng rọi qua từng căn nhà cổ sát vách, lộ con hẻm tối sáng tờ mờ. Đó là chút độc đáo rất riêng Tuấn Hội An, phong cách của anh hiện ra lênh loang vệt màu tung hứng, trên tường vôi chảy thấm ra mọi ý thức, hình dung ra con sông quê xanh thẳm, một bóng ma xa lạ bị cuốn vào trí não đến lạ lùng.

“Tôi nghĩ chất liệu rất quan trọng, tôi chọn giấy dó vì nó giúp biểu đạt mọi cảm xúc. Với quan niệm chất liệu là ngôn ngữ chứ nó không thuần chỉ là phương tiện”.

Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn

Càng soi vào càng thấy cái gì đó của phố riêng anh. Là vùng ký ức, đường nét và bố cục khác biệt so với các hoạ sĩ khác. Là dàn trải, điểm nhìn rộng tựa panorama, tranh anh hàm chứa nhiều mảnh ghép, thời gian tựa sợi dây tâm hồn hoà trộn nhau. Với hình hài tạo tác lạ, cõi xưa lắc luôn thấp thoáng dáng dấp cô gái kỳ ảo với chiếc áo dài đủ màu, nón lá tre xanh trắng ngà nghiêng vai. Hay linh xưa mặc trang phục đứng bên cây cổ thụ, màu nước lại loang lỡ. Vì chính bàn tay Tuấn bị run rẩy khi vẽ, giữa cõi vô hình biến tác qua lối trừu tượng. Thì ra, hình khác biệt của Bùi Tiến Tuấn là gửi tâm hồn mình qua Hội An bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông, không chủ đích vô tình óng ánh hiện hình như Chớm xuân về, Mùa đông ấm áp, Thu hoài niệm, Mưa đầu mùa. Và không thoát khỏi thân xác anh ví dầu vào tranh, giữa nắng mưa vô vàn in dấu chân tri âm chính mình vào đó.

Nhìn chung tranh phố của Tuấn Hội An là phố ký ức, phố hoài niệm, phố ma đêm, phố rêu phong bốn mùa đều tương tác màu rực sáng, sắc độ mạnh mẽ cho thấy miền tâm hương cảm xúc đẹp.

Triển lãm “Hội An Hoài Niệm” của Bùi Tiến Tuấn đã đem cõi gặm thấm từ tờ giấy dó đơn thuần thành tác phẩm bằng khổ tranh lớn rộng tỉ mỉ từ cách bồi giấy, tương tác khung tranh hài hoà đẹp mắt. Tờ giấy dó truyền thống mang sớ sợi đa chiều, xốp, thấm nước trở thành nét đẹp có chủ đích, nền giấy cách điệu tự nhiên, nó vượt qua mọi chất liệu khác hẳn với chất liệu sơn dầu, lụa mà anh đã thực nghiệm nhiều năm qua nay đạt tính hoàn mỹ.

Thời gian không lãng phí

Trong căn nhà nhỏ Sài Gòn xinh xắn, đi qua con hẻm không nắng với bóng cây yên ả giữa tiếng ồn ào ngoài phố. Tôi được anh cho xem hàng loạt các tác phẩm từ thời xưa còn là sinh viên, nào sơn dầu, lụa toàn khổ to cuộn lại. Anh cười nói: “Toàn thứ cõi gặm của tui chỉ khi vẽ thấy thực sự thích thú không thì thả cọ”. Bởi thế con người anh pha lẫn cảnh hai quê đi về, vô ra triền miên yêu Sài Gòn - nhớ lắm Hội An. Từ đó lúc say chàng hoạ sĩ dân Hội An bị ú ớ làm lữ khách xa, đêm ngày cứ mặc khải đi vô định, lơ ngơ phiêu du tìm lại kỷ niệm qua hàng tá tờ phác thảo. Nó là hành trình dài đi tìm biểu tượng cho đề tài để biểu đạt kỹ năng hội hoạ thuần thục.

Bùi Tiến Tuấn là người chịu khó tìm tòi trải nghiệm, anh chia sẻ: “Tôi  mê hoặc cả tiếng thét bằng lối vẽ của Edvard Munch để nghiền ngắm và chiêm nghiệm tìm ra cái giá trị chính mình. Và chỉ khi thắp lửa bằng trí tưởng vẽ vùng ký ức hiện về”.

Giấc mộng vàng - Bùi Tiến Tuấn.

Nhìn lại con đường hội hoạ Bùi Tiến Tuấn khá chông gai, chàng trai học khoa Lụa lại ghiền ngẫm chất liệu sơn dầu dẻo dai miệt mài. Anh có cuộc triển lãm đầu tay mang tên “Những hình nhân trên đường phố” (2007). 20 bức sơn dầu anh vẽ toàn ý tưởng đời thường đô thị Sài Gòn, hiện hữu với các ký hiệu giao thông, cảnh vật ghế bàn, bịch nilon, biển hiệu ám thị sự ồn ào sinh động, xe honda và ba gác, những phế thải bỏ hoang...,  chấp cánh nuôi lớn hình tượng lạ lẫm. Cảnh vật ước lệ bày tỏ tinh thần phản kháng, hiện hữu rõ nét bằng cách tạo hình trong tâm thế người vẽ. Xem loạt tranh sơn dầu hình nhân đó, đủ để phát sinh ra tương tác trụ cột  khởi niệm những ý tưởng về sau này.

Năm 2008, qua thời gian làng lụa Quảng Nam bị mai một. Là người Quảng Nam, sinh ra lớn lên ở Hội An, Tuấn quyết định bỏ sơn dầu trở lại chuyên môn lụa, chọn Lụa Mã Châu cho tranh mình. Và hồi sinh ý niệm “Người đẹp nhờ lụa”. Bùi Tiến Tuấn thể hiện serie tranh “Phù Phiếm” toát lên hình thể nhục dục qua thân xác gợi cảm hoà màu da mịn màng theo sớ lụa, đôi bàn tay ngón ngắn dài xoè ra, thon cong điệu đà, đôi mông tròn trịa ngực nhấp nhô trên những bộ đồ lót lộng lẫy bướm hoa bay lượn. Ở đó mang đượm dáng vóc giai nhân mang tố chất thiếu nữ tranh dân gian, các nàng không yếm đào ao giếng mà là hoa văn phụ nữ tân thời, da mặt trắng pha màu hồng lạt gọi là gái hồng hoa. Để rồi ra đời những triển lãm cá nhân “Lụa” (2009), “Phù Phiếm” (2010), thu hút giới thưởng ngoạn. Vượt xa hơn, anh còn đưa “Phù Phiếm” vào cả chất liệu giấy dó, sơn mài.

Tiếp tục tìm hướng mới

Bùi Tiến Tuấn sinh năm 1971 tại Hội An (Quảng Nam), tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật Khoa Lụa, TPHCM năm 1998. Anh từng tham gia một số triển lãm quốc tế: triển lãm tại gallery Combee Farm (Anh, năm 1999), Art Exhibition for World Peace (Seoul, Hàn Quốc, năm 2000). Triển lãm cá nhân: Lụa (2009), Phù Phiếm (2010), Sợi Chỉ Đỏ (2014), Hội An Hoài Niệm (2016).

 Tranh Bùi Tiến Tuấn ngày đó khác nay rất nhiều. Vì ý tưởng bột phát thường nhật, diễn tiến về mọi mặt giữa xã hội đa chiều, lăng kính con người giữa sự sống sinh tồn. Chính vì lẽ đó Tuấn ngộ và thấm thía mò mẫm chất liệu – thể hiện hình thể chỉn chu trong tranh. Nên câu hỏi anh luôn đặt ra là “khi biết vẽ ta sẽ vẽ cái gì đây”.  Phải có tư tưởng hội họa, chưa nói tới đẹp xấu.

Theo Bùi Tiến Tuấn, xong triển lãm “Hội An Hoài Niệm” này, anh lại tiếp tục tìm hướng mới. “Xong Phố, gác cọ một thời gian, đến lúc tôi vẽ cái gì khác, như chia sẻ gia đình, chân dung những người thân yêu thương”.