BOT công khai, minh bạch sẽ hài hòa các lợi ích

TP - Cho ý kiến về đánh giá của Bộ GTVT sau 5 năm triển khai đầu tư các dự án giao thông theo hình thức xã hội hóa, chủ yếu là BOT, nhiều đại biểu cho rằng, để hình thức trên đi đúng hướng, Bộ GTVT cần điều chỉnh ngay một số chính sách. 

Còn lãnh đạo Chính phủ nói rằng, để các dự án BOT phát triển hài hòa, bền vững, Nhà nước sẽ tham gia cùng nhà đầu tư để giảm gánh nặng về phí.

Không nên làm BOT trên nền đường cũ

Đề cập vấn đề đang khiến các dự án BOT phải kéo dài thời gian thu phí, tăng phí khiến dư luận bức xúc, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Công Thương) cho rằng, do tổng mức đầu tư các dự án BOT quá cao.

 Ông Tuyển dẫn chứng, theo kết quả rà soát của Bộ GTVT, tổng mức đầu tư các dự án BOT sau khi tách riêng chi phí lãi vay và các khoản phát sinh khác thì suất đầu tư tương tự như các dự án vốn Nhà nước. “Như vậy thì phải xem xét lại rất nghiêm túc việc quản lý các dự án BOT hiện nay”, ông Tuyển đề nghị.

 Ông Hà Văn Hiền, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, chỉ có công khai, minh bạch mới giúp các dự án BOT “hóa giải” những dư luận không tốt lâu nay. Cụ thể, ông Hiền dẫn chứng: đầu tiên phải minh bạch trong việc xác định các dự án đầu tư; tiếp đến là lập dự án, thẩm định. 

Với khâu thẩm định, ông Hiền cho rằng, rất quan trọng, vì qua khâu này sẽ biết được nhà đầu tư lập dự án, tính toán có sát, khách quan không. Ngược lại, cơ quan thẩm định cũng rất dễ “bắt tay”, “thỏa thuận ngầm” với nhà đầu tư để nâng tổng mức đầu tư. “Thế nên mới có chuyện, khi dự án bị thanh tra, phát hiện nhầm lẫn đơn giá định mức, nhầm lẫn khâu xác định khối lượng, chi phí vận chuyển, lựa chọn giá vật liệu, thậm chí là chuyển nhượng dự án…”, ông Hiền dẫn chứng.

Vấn đề vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư cũng được ông Hiền lưu ý, Bộ GTVT phải xác định, tiêu chuẩn vốn phải là một yếu tố chính khi lựa chọn nhà đầu tư. 

Bộ GTVT cần có điều chỉnh tỷ lệ vốn chủ sở hữu từ 10 đến 15% như hiện nay nhằm tránh tình trạng nhà đầu tư không có vốn vẫn được giao dự án. Cùng với đó, ông Hiền nhấn mạnh: “Do khó kiểm soát về chi phí, chất lượng… dễ dẫn đến thất thoát, không nên đầu tư cải tạo, mở rộng, nâng cấp các tuyến đường cũ bằng hình thức BOT hoặc BT. Các tuyến đường này nên sử dụng bằng các nguồn vốn khác hiện có”.               

Chính phủ sẽ Thanh tra định kỳ dự án BOT

Liên quan đến các dự án BOT được triển khai thời gian qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói rằng, việc triển khai đầu tư theo hình thức BOT đã tạo bước đột phá cho phát triển hạ tầng giao thông cả nước. Theo Phó Thủ tướng, trong lúc nguồn ngân sách còn hạn hẹp, hình thức BOT tiếp tục được Chính phủ ưu tiên phát triển trong lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông. 

Tuy nhiên để hài hòa giữa lợi ích doanh nghiệp - nhà nước và người dân, sắp tới Chính phủ sẽ có các chính sách điều chỉnh tỷ lệ vốn của nhà đầu tư theo hình thức Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm để giảm mức phí cho người dân. Với các dự án BOT đã và sẽ đưa vào hoạt động nhưng dư luận đang có ý kiến vừa qua, Phó Thủ tướng chỉ đạo, Thanh tra Chính phủ cần sớm vào cuộc để kiểm tra, rà soát lại quá trình thi công, lập dự toán. 

Với các dự án khác, theo chương trình đột xuất hoặc định kỳ Thanh tra Chính phủ cũng phải vào cuộc để đảm bảo tính công khai, minh bạch. Cùng với đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính rà soát các chính sách liên quan đến phí tại các dự án BOT để có sự điều chỉnh cho phù hợp, tránh những bức xúc trong dư luận nhân dân.

Sau loạt bài về “Nghịch lý các dự án BOT”, với mong muốn giúp dư luận nhân dân hiểu rõ và có thể chia sẻ với thực tế triển khai các dự án giao thông BOT hiện nay, giải pháp nào để các dự án BOT minh bạch và hiệu quả, báo Tiền Phong tổ chức buổi Tọa đàm trực tuyến: “MINH BẠCH- HIỆU QUẢ CÁC DỰ ÁN BOT BẰNG CÁCH NÀO?”. Buổi tòa đàm sẽ diễn ra vào 15 giờ ngày 9/6, tại tòa soạn số 15, phố Hồ Xuân Hương, Hà Nội. Dự buổi tọa đàm có đại diện lãnh đạo Bộ GTVT, đại diện Bộ Tài chính, nhà đầu tư dự án BOT, chuyên gia kinh tế, đại diện doanh nghiệp, Hiệp hội vận tải… Báo Tiền Phong mong nhận được những câu hỏi, ý kiến của bạn đọc xung quanh chủ đề trên. Mọi ý kiến, xin gửi về địa chỉ: online@baotienphong.com.vn.