'Bóng ma trong gió' - Phản chiến, bênh phụ nữ

TP - Under the shadow - về Việt Nam thành Bóng ma trong gio không đầy rẫy cảnh kinh hoàng như khán giả phim kinh dị Mỹ mong muốn. Dường như hình thức kinh dị vốn dễ câu khách chỉ là cái cớ để đạo diễn kiêm biên kịch Babak Anvari lôi cuốn người xem vào hiện thực trần trụi của cuộc chiến Trung Đông.
Poster phim “Bóng ma trong gió”.

Ông muốn chúng ta biết sau những tấm khăn choàng Hồi giáo, phụ nữ và trẻ em phải gánh chịu những gì, nhất là trong tình cảnh chiến tranh liên miên, cụ thể là cuộc chiến Iran - Iraq những năm 1980. Sinh ở Iran, Babak Anvari trải qua sự kinh hoàng của cuộc chiến, khi bất cứ ngôi nhà nào ở thủ đô cũng có thể bị pháo kích. Tất cả những ký ức đó được ông dồn nén vào phim dài đầu tay Under the shadow, cũng là phim kinh dị đầu tiên lấy bối cảnh Trung Đông.

Với những phụ nữ và trẻ em bị bỏ mặc trong chiến tranh, cuộc sống vốn đã đủ kinh dị. Những ảo ảnh ma quái cũng có thể chẳng qua được phóng chiếu từ tâm lý bất ổn và hoảng loạn của cô bé chưa đến tuổi đi học Dorsa, rồi lây lan sang người mẹ trẻ Shideh, trong khi ông bố đang ở mặt trận.

Đầu phim, Shideh vừa trải qua cú sốc mẹ chết và không được học tiếp đại học Y vì một số hoạt động bất đồng chính kiến khi còn trẻ. Phụ nữ trong xã hội Hồi giáo luôn sống trong nơm nớp nỗi lo phạm luật, ngay việc tự lái xe cũng không được khuyến khích. Ngoài thời gian nội trợ, Shideh điên cuồng tập thể dục nhịp điệu theo băng video của Jane Fonda. Có thể coi đây là hành động bám víu duy nhất vào tự do cá nhân với tư cách phụ nữ. Sau cách mạng Hồi giáo 1979, băng video truyền bá văn hóa phương Tây cũng là thứ bị cấm đoán ở Iran.

Bóng ma không mặt trong phim định hình bằng chính chiếc khăn choàng của phụ nữ Hồi giáo. Loại hung thần trong thần thoại A-rập gọi là djinn này di chuyển theo gió. Những tấm khăn chính là công cụ trấn áp của chúng. Trong Under the shadow, ngay cả những cơn gió nhẹ cũng trở nên đầy đe dọa. Cũng có khi con ma đơn giản hiện ra trong bộ dạng đàn ông ở trần. Với phụ nữ trong chế độ do đàn ông thâu tóm từ thể xác đến tinh thần, chừng đó cũng đủ khiến họ khiếp hãi.

Tất cả những người đàn bà trong tòa nhà đều tin vào djinn và uy lực kinh khủng của nó: Đầu tiên nó sẽ cướp đi những gì bạn yêu quý (với Dorsa chỉ là con búp bê, còn với Shideh có thể là sự nghiệp cùng nhiều thứ khác) và sau đó là chính bạn.

 Shideh là người duy nhất không tin nhưng cuối cùng lại phải đương đầu với thế lực vô hình đó. Một mình, không có bất cứ một sự giúp đỡ nào từ bên ngoài. Nó giống như người ta không còn cách nào khác phải vùng dậy khỏi cơn bóng đè, chỉ bằng bản năng phải sống. Những hành động đơn giản như xé vải hay đâm xe phá cửa đầy ngụ ý. Nhiều khi chúng ta mải bùng nhùng trong nỗi sợ mà không hiểu nó vốn chỉ như cái bóng, không thật.

Ra mắt đầu năm, Under the shadow đoạt giải Phim hay nhất tại 3 LHP quốc tế Montclair, Neuchâtel và Puchon (2 liên hoan sau chuyên về phim huyền ảo) và trở thành đại diện của Anh tại Oscar 2017.