Bọ xít hút máu người phát tán khắp Hà Nội

TP - Các nhà khoa học tại Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật cho biết, bọ xít hút máu người đã có mặt ở tất cả các quận, huyện ở Hà Nội với xu thế phát tán ngày càng rộng, thời gian lâu hơn, số lượng người bị đốt tăng.
Con bọ xít cái được phát hiện tại nhà ông Quang ở đường Vương Thừa Vũ, Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Hoài

Theo PGS.TS Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Côn trùng học Thực nghiệm - Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, những năm trước, phải từ tháng 6, Viện của ông mới nhận được những cuộc gọi thông báo có bọ xít hút máu người xuất hiện trong nhà, nhưng năm nay, trong tháng 5, hàng trăm hộ ở Hà Nội đã gọi đến thông báo có bọ xít hút máu xuất hiện.

Sáng 4/6, nhận được điện thoại của gia đình ông Quang ở phố Vương Thừa Vũ (Thanh Xuân, Hà Nội), PGS Lam đến xem xét. Ông cho biết, con bọ xít xuất hiện trong gia đình ông Quang là con cái, chưa hút máu người. “Nếu đã hút máu người, chỉ 1-2 ngày sau, cá thể sẽ đẻ trứng. Mỗi đợt đẻ khoảng 150-200 quả. Trứng bọ xít hút máu nhỏ, rất khó phát hiện và khoảng 16-18 ngày sau sẽ nở thành cá thể bọ xít non.

Cá thể này ngay lập tức sẽ hút máu người. Nếu có một cá thể cái đẻ trứng trong nhà thì khoảng 20 ngày sau trong nhà có thể có hàng trăm cá thể bọ xít hút máu người xuất hiện”, PGS Lam nói. Tại Hà Nội, từng có gia đình phát hiện tới 8.000 con bọ xít hút máu trong nhà.

“Bọ xít hút máu thường tấn công lúc nửa đêm (1-3h sáng) và chỉ hút máu đang chảy trong huyết quản của người. Khi đốt, bọ xít hút máu tiết ra một loại chất gây tê, nên chúng ta thường không cảm nhận được gì. Thời gian hút máu kéo dài 14-15 phút”.

PGS.TS Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Côn trùng học Thực nghiệm,
Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật

Ông Lam cho biết nếu trong cùng một khu vực có nhiều gia đình phát hiện ra bọ xít hút máu thì rất có thể ở gần đó có ổ bọ xít hút máu. Mỗi ổ thường có từ vài chục đến vài trăm con, cá biệt có những ổ lên đến hơn nghìn con.

Các ổ bọ xít hút máu thường được tạo lập ở những khu vực ẩm thấp, bỏ hoang, có vụn vải hoặc gỗ mục và có nhiều chuột. Từ ổ, bọ xít có thể phát tán xa 1,5-2km.

PGS Lam cho hay, bọ xít hút máu người đã phát tán ra khắp Hà Nội. Tất cả các quận, huyện ở thủ đô đều ghi nhận có sự xuất hiện của loài này, ngay những nơi sạch sẽ nhất như tầng 7 một khu chung cư cao cấp cũng từng phát hiện.

Đáng lo ngại, bọ xít hút máu đang có xu thế hung hăng hơn. Nghiên cứu của Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật cho thấy, trước đây, thời gian phát tán trong ba tháng 6, 7, 8, nay kéo dài đến tháng 9. Từ một ổ, số hộ có bọ xít xuất hiện tăng lên. Trước đây, khi bị bọ xít đốt, thường chỉ có dấu hiệu sưng, ngứa, phù nề, nay có những trường hợp phải cấp cứu.

Chưa có thuốc đặc trị

Theo PGS Lam, điều đáng lo ngại là hiện nay chưa có thuốc đặc trị loài côn trùng này. Bọ xít hút máu cũng không có loài thiên địch trong tự nhiên và rất khó phát hiện.

Một con bọ xít, khi phát tán vào nhà sẽ tìm chốn ẩn nấp. Sau đó xâm nhập khu vực giường ngủ, phục kích cho đến khi người ngủ say sẽ tấn công.

Chúng thường tấn công lúc nửa đêm (1-3h sáng) và chỉ hút máu đang chảy trong huyết quản của người. Khi đốt, chúng tiết ra một loại chất gây tê, nên chúng ta thường không cảm nhận được gì. Thời gian hút máu kéo dài 14-15 phút.

Bọ xít hút máu có lây bệnh không? Theo PGS Lam, hiện chưa có nghiên cứu khẳng định bọ xít hút máu ở Việt Nam có khả năng truyền bệnh hay không.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới, loài bọ xít hút máu người ở Nam Mỹ có khả năng truyền ký sinh trùng đơn bào Trypanosoma cruzi gây ra Chagas - căn bệnh có khả năng hủy hoại tim và gây rối loạn tiêu hóa.

Khoảng 7,8 triệu người Mỹ Latin từng mắc căn bệnh này vào thập niên 60. Ở Việt Nam cũng phát hiện sinh trùng đơn bào thuộc giống Trypanosoma sống trong bọ xít hút máu. Tuy nhiên, đó là ký sinh trùng gì, khả năng truyền bệnh ra sao thì chưa có nghiên cứu cụ thể.

Có một số loại thuốc có thể sử dụng để tiêu diệt loài này, nhưng theo PGS Lam, hiệu quả không cao và có thể gây độc cho con người.

Các nhà khoa học khuyến cáo áp dụng các biện pháp thủ công để ngăn chặn bọ xít hút máu như thường xuyên vệ sinh trong và ngoài nhà, đặc biệt là khu vực giường ngủ, nơi mà bọ xít hút máu ẩn nấp và tấn công. Khi bị bọ xít đốt sẽ có cảm giác ngứa, rát và phù nề, cần rửa vết hút bằng xà phòng và đến trung tâm da liễu.

Bọ xít tấn công mạnh ở thành phố

Theo nghiên cứu của Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, nếu như trước đây, bọ xít hút máu chủ yếu xuất hiện ở các trang trại, vùng đệm vườn quốc gia, vùng trung du thì nay chúng tấn công mạnh ở thành phố, nhất là Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM.