Bộ sưu tập vỏ chăn hiếm có của người Thái Nghệ An

TPO - Trưng bày "Nà pha - Nghệ thuật trang trí hoa văn của người Thái Nghệ An" tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam được nhận xét là bộ sưu tập đồ vải quý hiếm, có một không hai còn sót lại của người Thái Nghệ An. 
Trưng bày Nà pha - Nghệ thuật trang trí hoa văn của người Thái Nghệ Antại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam kéo dài đến ngày 17/1/2025. Trưng bày giới thiệu một phần bộ sưu tập đồ vải của người Thái Nghệ An, trong đó có 101 tấm nà pha (vỏ chăn của người Thái Nghệ An)
đã được giám định và cấp giấy chứng nhận đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia tại Quyết định số 1195/QĐ-SVHTT ngày 14/10/2024.
Các tấm nà pha từ 30 đến 90 năm, được sưu tầm trong khoảng thời gian những năm 1990 tại vùng người Thái Trắng (nhóm Tày Mường) ở miền Tây tỉnh Nghệ An.
Nà pha được dùng làm vỏ chăn, của hồi môn cho cô dâu làm quà tặng khi về nhà chồng, choàng giữ ấm cho trẻ em về mùa đông, trang trí ngày Tết... Hầu hết tấm nà pha có khổ rộng khoảng 40 cm, dệt theo kỹ thuật móc (khuýt) hoặc thêu (xéo) bằng sợi tơ tằm nhuộm màu rồi khâu ghép trên nền vải bông.
Các hoa văn trang trí thường xếp theo chiều ngang, tạo thành dải đối xứng hoặc xen kẽ với phong cách tả thực, thể hiện bốn chủ đề chính động vật, thực vật, đồ vật và các hiện tượng tự nhiên. Trong số các loài động vật, phổ biến nhất là hình hươu, nai, voi, ngựa, chim công.
Hình dê, đồi núi trên các tấm nà pha.
Người Thái trắng có một câu chuyện tình bạn gắn với hình tượng hoa văn hươu, nai trên nà pha. Chuyện kể rằng có cậu bé nghèo luôn chăm sóc, bảo vệ hươu khỏi lão đồ tể, nhưng khi đi học xa cậu quên chào tạm biệt. Sau này, hươu ăn phải muối rơi trong rừng, hươu nhớ về cậu bé và tìm đến hang nơi cậu từng giấu mình. Khi cậu bé trưởng thành và về quê, chỉ thấy một cái cây có hình dáng giống sừng hươu, với vài nụ hoa trắng.
TS. Bùi Ngọc Quang - Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam - khẳng định bộ sưu tập nà pha được chuyên gia di sản, chuyên gia dân tộc học đánh giá là di sản quý hiếm mang giá trị văn hóa, lịch sử sâu sắc.
Mỗi hoa văn đều mang một ý nghĩa biểu tượng riêng. Trong văn hóa người Thái, rồng là thực thể siêu nhiên mạnh mẽ, linh thiêng. Có hai dạng hoa văn rồng chính gồm rồng cách điệu ở nhóm Tày Thanh, Tày Khăng và rồng tả thực ở nhóm Tày Mường.
Nà pha trang trí hình rồng biến thể.
Trong quan niệm của người Thái Nghệ An, voi đại diện cho lòng trung thành, sức khỏe và sự mạnh mẽ. Hoa văn hình voi trên nà pha bày tỏ sự yêu mến con vật này, đồng thời ca ngợi sự thân thiện và tính cộng đồng của đàn voi.

TS. Vi Văn An - cố vấn khoa học của trưng bày - khẳng định: “Với kỹ thuật dệt thêu tinh xảo, sự phối màu hài hòa, mô típ hoa văn phong phú theo phong cách tả thực, sưu tập đồ vải này vừa có giá trị về lịch sử, văn hóa, tính thẩm mỹ, vừa thể hiện nét đặc trưng riêng trong sản phẩm đồ vải của người Thái ở địa phương này". Chuyên gia nhận định đây là sưu tập đồ vải quý hiếm, có một không hai còn sót lại.

Những tấm nà pha với hoa văn tinh xảo thu hút sự chú ý của nhiều khách quốc tế.