Bộ Khoa học: 'Tàu ngầm Hoàng Sa cần thử nghiệm lặn chìm'

Để đưa ra kết luận về tàu ngầm Hoàng Sa, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, chủ nhân Nguyễn Quốc Hòa cần thực hiện thử nghiệm lần 2 với nội dung lặn chìm thành công trên biển.
Tàu ngầm Hoàng Sa thử nghiệm thành công trên biển ngày 3/7. Ảnh: Giang Chinh/VnExpress

"Sáng tạo của doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa rất đáng trân trọng", Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc nói tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ về thiết bị tàu ngầm Hoàng Sa, ngày 5/7. Nhưng để đi vào thực tế, thiết bị này cần đáp ứng đầy đủ nhiều yêu cầu kỹ thuật.


Sáng 3/7, tàu ngầm Hoàng Sa chạy thử nghiệm trên vùng biển đông bắc Việt Nam dưới sự hỗ trợ của lực lượng Hải quân. Buổi thử nghiệm thành công, con tàu đã đáp ứng được các tiêu chuẩn về kỹ thuật do Hội đồng đánh giá của Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, ông Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Vụ công nghệ cao cho biết, đó mới chỉ là bước thử nghiệm ở trạng thái nổi, trong khi yêu cầu với tàu ngầm là phải lặn chìm được dưới nước nên sắp tới thiết bị này cần có buổi thử nghiệm thứ 2.

"Tàu Hoàng Sa đã được cải tiến với kết quả lặn nổi khả quan. Trong lần thử nghiệm này, theo đề nghị của ông Hòa, Bộ Quốc phòng đã cho tàu lặn thử một chút xuống biển. Tuy nhiên để đánh giá đầy đủ cần có buổi thử nghiệm lặn chìm nữa", ông Dương nói và hy vọng lần thử nghiệm thứ 2 sẽ tốt đẹp.

Để triển khai tàu ngầm tự chế, Bộ Khoa học và Bộ Quốc phòng đã thống nhất Bộ Quốc phòng cấp kinh phí, tiến hành đánh giá thiết kế, vì chỉ Bộ Quốc phòng mới có hệ thống chuyên gia chuyên sâu. Ban đầu công việc diễn ra rất khó khăn bởi chủ nhân tàu ngầm không có bản vẽ kỹ thuật so với yêu cầu, Viện Kỹ thuật hải quân đã giúp doanh nhân thực hiện công việc này và sau đó xây dựng phương án thử nghiệm để tránh nguy hiểm cho người và phương tiện.

Trước yêu cầu thử nghiệm lần 2 đối với tàu ngầm Hoàng Sa, trao đổi với PV, ông Nguyễn Quốc Hòa nói: "Không cần thiết phải thử nghiệm lần hai, vì lần trước trước tàu đã lặn, nổi thành công".

Ông Hòa muốn dành thời gian tập trung sản xuất Trường Sa 02. Ngoài hội tụ các ưu điểm nổi bật từ 2 con tàu Trường Sa 01 và Hoàng Sa, con tàu sẽ được thiết kế, lắp đặt các trang thiết bị hiện đại của một tàu ngầm thực thụ.

Năm 2014, ông Nguyễn Quốc Hòa, Giám đốc Công ty chế tạo cơ khí Quốc Hòa, ở thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình, chế tạo tàu ngầm mini mang tên Trường Sa. Một năm sau, ông Hòa cùng đội kỹ sư của mình nghiên cứu chế tạo tàu ngầm thứ hai mang tên Hoàng Sa. Con tàu được ông Hòa đánh giá ưu việt hơn tàu Trường Sa bởi kích thước nhỏ gọn và được bổ sung nhiều tính năng.

Tàu ngầm Hoàng Sa được thiết kế bằng thép, nặng 9 tấn, dài 7 mét, ngang 2,5 mét, cao hơn một mét, chứa được 2 người. Tàu có vận tốc tối đa 15 hải lý/giờ và có thể lặn sâu 50 m. Thời gian lặn theo tính toán là 3 ngày 3 đêm.

Theo Theo VnExpress