Bỏ “cấm” thi vào lớp 6 trường top: Không lo bùng phát luyện thi

TP - Có ý kiến lo ngại, bỏ “cấm” thi tuyển vào lớp 6 trong năm tới liệu có nảy sinh việc học sinh đua nhau luyện thi vào trường top. Tuy nhiên, TS Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, phương án làm bài thi đánh giá năng lực không phụ thuộc việc học sinh có đi học thêm hay không.
Bộ GD cho rằng, tuyển sinh lớp 6 bằng phương án kiểm tra đánh giá năng lực sẽ không lo bùng phát lò luyện thi.

Học sinh 100 điểm năng lực kém

Một ngày sau khi Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT, trong đó sửa đổi điều quan trọng là cho các trường nóng tuyển sinh lớp 6 làm bài kiểm tra đánh giá năng lực học sinh đã khiến nhiều phụ huynh, trường học thở phào nhẹ nhõm.

Chị Nguyễn Thị Hoa, có con năm nay học lớp 6 tại quận Thanh Xuân cho biết, cách tuyển sinh vào lớp 6 như năm ngoái là không công bằng. Chị Hoa cho biết, gia đình đặt mục tiêu cho con vào trường chất lượng cao. Để được vào trường mong muốn, chị ngày đêm kèm cặp, rèn luyện con học và con đã đạt loại giỏi thực sự. Tuy nhiên, khi nộp hồ sơ mới ngã ngửa vì 100% học sinh đi nộp hồ sơ đều có học lực giỏi, các con chỉ hơn nhau điểm cộng bằng khen, giấy khen các cuộc thi khác. Khi đó, chị đã khóc… vì ân hận không cho con tham gia các cuộc thi để kiếm thêm bằng khen, chứng chỉ cộng điểm. Kết quả, năm học 2017-2018, con chị bị loại không lọt vào danh sách trúng tuyển.

Bà Văn Thùy Dương, Phó hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh Hà Nội cho rằng, bà cảm thấy vui mừng và ủng hộ sửa đổi thông tư lần này của bộ giáo dục. Khi học sinh được tham gia làm bài thi đánh giá năng lực sẽ rất công bằng và giáo viên cũng sẽ phải có trách nhiệm hơn trong việc dạy học sinh ở cấp tiểu học.

Bà Dương nói: “Thời điểm Bộ cấm thi tuyển, một số trường không có phương án nào khác buộc phải xét tuyển. Khi đó, cố nhà giáo Văn Như Cương còn nói vui “không lẽ bốc thăm” vì trường chỉ có 600 chỉ tiêu mà lượng hồ sơ nộp vào là con số hàng nghìn. Khi xét tuyển, kèm tiêu chí phụ đã tạo áp lực cho phụ huynh, học sinh là chạy đua hết cuộc thi này đến cuộc thi khác để có bằng được bằng khen, chứng chỉ”.

Cũng theo bà Dương, sau 3 năm trường tuyển sinh bằng phương án xét tuyển, chất lượng học sinh không như mong muốn. “Có học sinh, hồ sơ đầu vào điểm xét tuyển là 100 nhưng làm Toán chỉ được điểm 5, điểm 6, điểm Địa lý cũng rất thấp. Có học sinh đoạt giải thưởng tiếng Anh nhưng không theo được tiếng Anh với các bạn trên lớp. Giáo viên chủ nhiệm phản ánh năng lực con ở mức độ trung bình, thậm chí tiếp thu rất chậm”, bà Dương nói.

Bà Dương cũng cho rằng, phụ huynh không lo ngại chuyện ôn luyện thi và không nên nghe theo các trung tâm hướng dẫn ôn luyện thi. Bởi, trước đây, khi nghe các trung tâm rao luyện thi vào trường này, trường nọ do chính giáo viên của trường đứng ra ôn luyện, nhưng khi đến kiểm tra không có giáo viên nào của trường luyện thi hết.

Hiệu trưởng một trường THCS thuộc hàng top khác nêu quan điểm: “Bỏ cấm thi vào đầu cấp là việc cần làm sớm. Bởi hầu hết các trường THCS đều tuyển hết học sinh đúng tuyến, chỉ có số ít trường tuyển sinh toàn thành phố hoặc học sinh có nhu cầu học tập ở môi trường khác mà lượng học sinh đăng ký cao hơn chỉ tiêu thì phải tạo điều kiện để các trường tuyển sinh”.

Không thi nảy sinh bất cập

Lý giải về việc có sự sửa đổi, bổ sung trong thông tư mới, TS Vũ Đình Chuẩn cho rằng, Thông tư số 11/2014/TT-BGD&ĐT về quy chế tuyển sinh đầu cấp THCS và THPT ban hành năm 2014 qua 3 năm triển khai đã tạo điều kiện cho các Sở GD&ĐT và các trường tự chủ trong tuyển sinh rất nhiều. Khi đó, các trường có số lượng học sinh đăng ký đầu vào lớn hơn chỉ tiêu thì không cần tổ chức một cuộc thi tốn kém không cần thiết.

Tháng 3/2015, Bộ GD&ĐT có công văn hướng dẫn, trong đó khẳng định cấp THCS là cấp học phổ cập nên không thi tuyển đầu vào. Với các cơ sở giáo dục có đầu vào nhiều hơn so với chỉ tiêu thì xây dựng phương án xét tuyển và trình các cấp có thẩm quyền xem xét. Nhưng sau đó, nhiều trường có ý kiến nếu không cho thi thì không tuyển được. Mặt khác, một số trường lấy bằng khen, giải thưởng làm tiêu chí phụ để xét tuyển dẫn đến “bội thực” các cuộc thi.

Vì vậy, Bộ GD&ĐT tìm giải pháp để tháo gỡ những vấn đề phát sinh trong tuyển sinh đầu cấp. “Bộ trưởng GD&ĐT có chỉ đạo rà soát các cuộc thi. Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đã ký công văn yêu cầu từ năm học 2017-2018 các sở giáo dục không được lấy kết quả các cuộc thi do sở tổ chức hoặc kết quả các cuộc thi quốc tế do sở cử tham gia vào việc đánh giá kết quả học tập của học sinh”, ông nói.

Như vậy, từ năm học 2018-2019, các sở không được sử dụng kết quả các cuộc thi này để tuyển thẳng trong tuyển sinh đầu cấp, Bộ cũng không cấp xác nhận thành tích của giáo viên, học sinh được sở cử đi tham gia các cuộc thi quốc tế. Vì vậy, Bộ cho lấy ý kiến để sửa đổi, bổ sung một số điều trong thông tư mới để phù hợp với thực tiễn.

Trước băn khoăn, nếu cho phép thi tuyển, các trường có thể tái diễn chuyện ôn thi, luyện thi, ông Chuẩn cho rằng, nếu thi tuyển có thể xảy ra chuyện đó. Tuy nhiên, các trường có lượng hồ sơ đăng ký cao hơn chỉ tiêu xét tuyển nên tuyển sinh bằng phương án làm bài kiểm tra đánh giá năng lực kiến thức tổng hợp, kết quả bài kiểm tra này sẽ không phụ thuộc vào chuyện có học thêm hay không.

“Có học sinh, hồ sơ đầu vào điểm xét tuyển là 100 nhưng làm Toán chỉ được điểm 5, điểm 6. Có học sinh đoạt giải thưởng tiếng Anh nhưng không theo được tiếng Anh với các bạn trên lớp”.

 Bà Văn Thùy Dương, Phó hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) nói về hạn chế của việc cấm thi vào lớp 6 thời gian qua