Bình đẳng còn xa

TP -Ngày doanh nhân Việt Nam, nói chuyện bình đẳng, nhưng xem ra bình đẳng còn xa.

> “Thay” đội ngũ công chức: Chỉ cần 1 tỷ USD!
> Xác lập vai trò kinh tế tư nhân, nghiên cứu cơ chế bảo hiến

Bởi đến nay, dù đã nhận biết rõ vai trò của doanh nghiệp tư nhân, nhưng ở khá nhiều lĩnh vực, cánh cửa vẫn chưa khép hờ với họ, khi mà các bộ ngành vẫn còn đặt ra hàng trăm giấy phép con, gây khó dễ.

Doanh nghiệp nhận Cúp vàng "Văn hóa Doanh nghiệp". Ảnh minh họa

Cách đây một năm, trong một báo cáo trình Chính phủ về tình hình triển khai kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2006 - 2010, Bộ KH&ĐT cho biết, đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân (trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa) từ chiếm 45,6% tổng GDP năm 2006 đã tăng lên khoảng 48% trong năm 2010.

Khu vực kinh tế tư nhân cũng tạo ra 50,2% việc làm của cả nước. Tổng số lao động làm việc trong khu vực tư nhân hiện nay đạt 6,6 triệu người, trong đó có 3,6 triệu việc làm được tạo ra trong năm năm.

Nhìn vào con số trên, để thấy khu vực kinh tế tư nhân, đang dần lấn vai trò của khu vực kinh tế nhà nước, dù khu vực này ít được đầu tư vốn liếng, nguồn lực, so với khu vực nhà nước. Nên xét về tính hiệu quả, không ai có thể phủ nhận các doanh nghiệp tư nhân hoạt động hiệu quả hơn khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Tuy nhiên, lâu nay đội ngũ doanh nghiệp tư nhân vẫn bị phân biệt đối xử ở hầu khắp các lĩnh vực, từ việc tiếp cận vốn, đất đai, tài nguyên khoáng sản, đến những lĩnh vực kinh doanh độc quyền của doanh nghiệp nhà nước, như: Điện, dầu khí, xăng dầu, xổ số...

Ngày doanh nhân Việt Nam, nói chuyện bình đẳng, nhưng xem ra bình đẳng còn xa. Bởi đến nay, dù đã nhận biết rõ vai trò của doanh nghiệp tư nhân, nhưng ở khá nhiều lĩnh vực, cánh cửa vẫn chưa khép hờ với họ, khi mà các bộ ngành vẫn còn đặt ra hàng trăm giấy phép con, gây khó dễ.

Làm sao bình đẳng, khi mà một ông chủ doanh nghiệp nhà nước, có thể vào đến Ủy viên Trung ương Đảng, hoặc đùng cái chuyển sang làm quan chức chính quyền, nhưng các ông chủ tư nhân thì lâu nay chưa có tiền lệ...

Ngày 13-10-1945, đất nước vừa độc lập được vài tuần, dù bề bộn trăm công ngàn việc, nhưng Bác Hồ vẫn dành thời gian viết thư gửi giới Công Thương: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền độc lập hoàn toàn của nước nhà, thì giới Công Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng.

Chính phủ nhân dân và tôi sẽ Tận Tâm giúp giới Công Thương trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng”.

Trong thư, Bác Hồ không có một câu, một chữ phân biệt đội ngũ doanh nhân. Mà Bác chỉ mong “giới Công Thương nỗ lực và khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập “Công Thương cứu quốc đoàn”, cùng đem vốn vào làm những công cuộc ích quốc lợi dân”.

Ngày nay, cộng đồng doanh nhân cũng chỉ mong mỏi được đối xử bình đẳng và được bộ máy hành chính TẬN TÂM giúp doanh nghiệp phát triển, như Bác đã tâm nguyện từ 66 năm trước.

Theo Báo giấy