Ông tiến sĩ cho rằng, điêu khắc thời Lê, nếu không có 21 bức chạm gỗ hiện đương lưu ở đình Thổ Tang có giá trị lớn về mỹ thuật dân gian thời Lê với kỹ thuật tinh xảo, đề tài độc đáo như: “Đánh ghen”, “Hội xuống đồng”, “Bắn hổ”, “Đấu vật”, “Đá cầu”... thì hậu thế sẽ hoang mang biết bao bởi sẽ trống khuyết đi dòng chảy điêu khắc độc đáo đình chùa Đại Việt.
Tôi ngước lên gian chính đình rờ rỡ ba chữ Hòa Vi Quý. Băn khoăn cái nỗi, đình đây được lập từ thời Trần, thờ Đô Thống Đại Vương Lân Hổ, người có công giúp vua Trần Nhân Tông dẹp giặc Nguyên Mông. Đã có hàng chục sắc phong qua các triều đại. Tất nhiên đã nhiều lần trùng tu. Và dĩ nhiên bức hoành chính điện phải uẩn súc một thứ ý tại ngôn ngoại tầm cỡ bác học cỡ vua ban hoặc chí ít bậc đại khoa nào cho chữ? Ấy thế mà lại chủ đạo và toát yếu thứ thông điệp nhân sinh trần thế lẫn trần tục rằng lấy hòa làm trọng, lấy hòa khí làm quý?
Chừng như lây nỗi băn khoăn của du khách, cụ thủ từ coi đình làng Thổ Tang (sau mới biết đó là cụ Nguyễn Văn Thiện) rành rẽ đại loại thế này:
“Hồi ngôi đình mới làm xong, chưa khánh thành được vì bức hoành phi chưa tìm được chữ nào vừa ý. Lúc đó có viên tổng đốc Sơn Tây kinh lý qua. Biết vị Tổng đốc là người hay chữ, dân làng thỉnh cầu ông cho chữ hoành phi. Sau khi nghe kỳ mục bẩm báo tình hình mọi mặt của làng, khi đó có chuyện dân Tam Lâm với dân Tứ Xóm trong làng lâu nay thường xuyên đánh lộn, kể cả dùng cật nứa đâm nhau trọng thương mà không làm sao ngăn chặn được, vị Tổng đốc nhíu mày suy nghĩ rồi viết luôn 3 chữ: “Hòa Vi Quý”. Thấy nghĩa chữ hay quá, dân làng phấn khởi, lập tức khắc ngay vào bức hoành phi treo lên và mở luôn hội khánh thành đình. Kỳ lạ, sau việc ấy tự dưng trong làng trong tổng bặt hẳn việc cãi vã đánh nhau lẫn kiện tụng. Và duy trì mãi cho đến ngày nay. Đấy các bác cứ đi tìm hiểu, Thổ Tang có vụ mất đoàn kết nào lớn đâu, từ chí dân đến quan. Lại càng hiếm những vụ đáo tụng đình!
Ngó lên bức hoành cao vọi thầm nghĩ, cái ông Tổng đốc Sơn Tây ban chữ cho làng Thổ Tang là vị nào? Mắt mũi nhập nhèm thành thử không luận ra dòng lạc khoản…
Chức Tổng đốc Sơn Tây, tôi ngờ ngợ có lẽ tên đầy đủ phải là Sơn Hưng Tuyên (tam tuyên). Ngài có trọng trách coi sóc việc hành chánh quân sự của các tỉnh Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang, thuộc Bắc ky, khi đó là to lắm. Chức to nhưng ngài thông tuệ mẫn tiệp và lịch duyệt nên mới ban ba chữ Hòa Vi Quý như thế?
Vâng, tạm thời chưa truy tầm được danh tính của ngài Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên từng ban chữ cho đình. Và có thể thời điểm ngài ban ba chữ ấy, sau một chút, đình Thổ Tang làm cái việc trùng tu. Và nữa, trước cuộc trùng tu lớn ấy, ngôi đình đã có chính hoành lẫn phụ hoành chữ cùng nghĩa hoành tráng uẩn súc? Nhưng thông điệp lẫn lời răn dạy bảo ban đoàn kết ấy như một thứ hương ước đắc dụng truyền đời! Chỉ có ba chữ lấy hòa làm trọng là quý nhất (Hòa Vi Quý) của một ông Tổng đốc mà dân nghe lẫn tuân thuận răm rắp?
Hòa làm trọng. Hòa là quý. Phải vậy không mà Thổ Tang mới yên ổn hàng bao năm liền mạch làm ăn buôn bán phồn thịnh…
Thổ Tang, cái xứ tằm dâu canh cửi, nghe đâu một thời xa ngái làng có tên là địa tang cũng hàm nghĩa đó. Nhưng đã đổi lại cho đỡ chuế vì nghe cứ ghê ghê cái âm sắc địa táng! Dư địa chí của Nguyễn Trãi, thế kỷ XV đã chép về một Thổ Tang của Vĩnh Lạc, Vĩnh Tường canh nông vi bản sầm uất phồn thịnh những dâu tằm canh cửi. Lụa Thổ Tang thuở ấy như một cú hích để việc thương mãi đất này phát lẫn phất? Ban nãy ghé qua ủy ban xã, biên vội mấy con số: Cả làng hầu như nhà nào cũng có ô tô để chuyên canh công việc vận chuyển hàng hóa này. Hiện xã có tới 781 hộ buôn bán cỡ “đại phú” (vốn từ 200-300 triệu cho tới hàng chục tỷ đồng), trong số đó nhiều người đã thành lập được công ty và khoảng 1.500 hộ buôn bán nhỏ.
Thiên hạ gọi Thổ Tang là làng “tiểu thương” bởi số gia đình làm ruộng rất ít. Người dân sống được và sống khỏe nhờ nghề buôn bán. Trên 3.000 hộ của làng dắt nhau đi buôn khắp nước, ra cả nước ngoài. Hèn chi con đường xuyên qua làng thênh thang như một đại lộ hơn hai cây số luôn chật ứ xe cộ đến ăn hàng. Đậu chi chít, sát sìn sịt hai bên là nhà dân, không, phải gọi là cửa hàng thì đúng hơn. Cửa giả luôn thông thống. Ngó thoáng vào lồ lộ chật ứ các loại hàng vải vóc, may mặc, bách hóa, thực phẩm… Lại tiếc không đúng phiên chợ trâu. Hiếm hoi xứ Bắc Bộ, Thổ Tang là địa điểm cung ứng các loại trâu thịt cày bừa đi khắp nước.
Ông cựu Bộ trưởng Lê Huy Ngọ, người từng trị nhậm xứ này với chức Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú không lạ gì cái gene thương mãi của dân Thổ Tang. Một lần ông kể cho nghe cái khiếu nhạy bén thương trường. Năm 1999 miền Trung bị lụt lớn, Bộ trưởng Lê Huy Ngọ chưa kịp lên tivi chia sẻ, người Thổ Tang đã đưa rau xanh, mì tôm vào “ứng cứu”. Quốc hội chỉ vừa biểu quyết phê chuẩn công trình thủy điện Sơn La, Thổ Tang đã “cài” ngay 500 người lên đó lập “doanh trại” bán rau xanh, thịt, muối... Rồi công trình thủy điện Nà Hang (Tuyên Quang) mới động thổ, chưa khởi công gì mà 40 hộ người Thổ Tang đã lo xong những thủ tục để làm ki ốt khai chợ.
Đường làng Thổ Tang
Cũng nhờ ông Ngọ mách mà tôi đã có một cuộc lần hồi thú vị về Thổ Tang. Tiếc là mới ngồi sơ sơ với một nhân vật mà có thể tạm gọi là … quái thương! Cái tin các tỉnh miền Nam dồn dập được giải phóng khiến bao con dân nước Việt náo nức. Nhưng ở tít tận xó Thổ Tang của đất Vĩnh Phú, có một nhóm người náo nức theo cái cách của họ. Thuở ấy Nguyễn Văn Thường là một chàng trai mới lớn. Việc đồng áng cùng những phi vụ buôn chuyến lặt vặt cũng chỉ tùng tiệm đủ xài…
Chẳng biết ai mách hay cái gene tháo vát của dân Thổ Tang xui khiến mà Thường cùng mấy anh em đã làm được cái việc không thường! Sau trận Buôn Ma Thuột tháng 3, Thường và mấy anh người Thổ Tang chật ních mỗi người một ba lô con cóc. Trong đó có gì? Tuyền mỗi quốc kỳ cờ đỏ sao vàng và ảnh Ông Cụ cuộn tròn cho khỏi gẫy gấp. Tây Nguyên giải phóng. Rồi Huế. Đà Nẵng… Ngày đó, làm gì có điện thoại di động. Thế mà nhắn nhe gửi gắm tin cho nhau, những nhảy xe nhảy tàu nhờ không biết thế nào.
Cứ giải phóng tỉnh nào là nhóm của Thường đều có mặt. Nhà nào mà chả cần đến lá cờ và ảnh Bác Hồ? Ngoài được cảm ơn còn quá bằng giáng phúc đến nhà người ta. Quần áo vải vóc cồng kềnh chật ba lô. Chỉ đổi hàng tinh gọn nhẹ. Chưa kể vàng lá, đồng hồ, ví an bum nhấp nháy, thứ ngoài Bắc hiếm hoi đang chuộng! Cho đến ngày 30 tháng Tư, tại Sài Gòn mỗi một lá quốc kỳ và ảnh Bác, đổi giá ngang cái đồng hồ xịn.
Những ba lô nặng trịch chiến lợi phẩm về làng dân Thổ Tang kháo, bọn này vào gặp ông Giáo Giản nên được lão ấy chuyển của ra…
Giáo Giản là ông Vũ Hồng Khanh, lãnh tụ Quốc dân Đảng người làng Thổ Tang. Từng là đồng chí hoạt động với cụ Nguyễn Thái Học nằm gai nếm mật may thoát được nạn bêu đầu ở Yên Bái vì tinh quái chạy sang được Trung Quốc. Gần đến năm 1945 ông Khanh về Hà Nội. Rồi thời vận xoay chuyển, Quốc dân Đảng được Việt Minh tập hợp trong việc đoàn kết giữ độc lập dân tộc và Chính phủ lâm thời non trẻ.
Ông Giáo Giản được lựa vào Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu ngang hàng với ông Phó chủ tịch Nguyễn Hải Thần. Thế rồi, con tạo xoay vần, Giáo Giản cơ nhỡ lại phải sang Trung Quốc rồi sau đó vào Nam đành làm một nhà khảo cứu. Lứa hậu sinh Nguyễn Văn Thường đâu có biết Giáo Giản? Mãi sau này, lứa như anh cu Thường mới biết ông Giáo Giản bị đưa đi học tập cải tạo đến năm 1985 mới đưa về quản thúc tại làng quê Thổ Tang này. Ông Giáo Giản sống tới năm 1993 mới mất, thọ 95 tuổi!
Người Thổ Tang lắm anh tài. Không những có chí lớn trong Hội Kín làm chuyện chính trị như Vũ Hồng Khanh cùng anh em nhà ông Nguyễn Thái Học… Chuyện ông giáo Vũ Văn Giản tức Vũ Hồng Khanh xin khất một dịp khác kể chi tiết. Cũng như chuyện một Phật tử Thổ Tang cúng cho chùa làng một món đồ quý phải gọi là vưu vật mới xứng. Người ấy là ông Nguyễn Văn Phúc. Trong đội hình đi tầm đá quý ở xứ Lục Yên, Yên Bái, ông trên cả trưởng bưởng.
Thoát vát cùng tài và may mắn thế nào, ông Phúc tầm được một khối đá ngọc bích vì ngọc ấy có màu xanh. Không nho nhỏ mà là thứ khủng. Khối ngọc ấy cao 3,3m. Rộng 2,1m. Đáy 1,2m. Ông cho rinh về Thổ Tang và quyết định cúng vào ngôi chùa làng có tên Tùng Vân. Ngọc ấy, nhà chùa mang chế, tiện gọt thành pho tượng Thích Ca Mầu Ni hiện bày ở chùa Tùng Vân. Khối lam ngọc thể hiện ra hình tượng Thích Ca ấy hiện đang được coi là lớn và quý nhất nước Nam ta.
(Còn nữa)
Chức Tổng đốc được thiết lập năm 1452 thời nhà Minh (Minh Đại Tông) để lập ra chức Tổng đốc Lưỡng Quảng (Quảng Đông, Quảng Tây).
Triều Nguyễn ta mãi đến năm Tân Mão 1831 (năm thứ 12 triều vua Minh Mạng) nhà vua cho đổi các trấn (tức là các thừa tuyên của nhà Hậu Lê) thành tỉnh và chia Việt Nam thành 31 tỉnh và đặt các chức Tổng đốc, Tuần phu, Bố chính, Án sát, Lãnh binh tại địa phương cấp liên tỉnh và cấp tỉnh.
Trong 31 tỉnh thành triều nhà Nguyễn, triều đình chia thành các vùng đặt dưới sự cai quản của một quan Tổng đốc. Có 15 vị Tổng đốc cả thảy cai quản 31 tỉnh thành (trừ Thừa Thiên - Huế có kinh đô nên kêu bằng Phủ Doãn).