Ngày 21/3, tại buổi kiểm tra thực hiện “Năm trật tự văn minh đô thị” ở quận Đống Đa, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng một số tuyến phố vi phạm trật tự xây dựng, nhếch nhác mất mỹ quan đô thị là một phần do buông lỏng quản lý và việc triển khai thực hiện không kiên quyết. Đặc biệt có trường hợp còn có thỏa thuận ngầm với người làm sai.
Trước khi làm việc với lãnh đạo quận Đống Đa, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cùng với các sở, ngành của TP Hà Nội đã đi thị sát tại một số tuyến phố trên địa bàn quận, trong đó có tuyến đường vành đai I (đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu), nơi “nóng” về tình trạng xây dựng nhà siêu mỏng, siêu méo.
Sau khi đi kiểm tra thực địa trên con đường “đắt nhất hành tinh”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, nguyên nhân để xảy ra tình trạng xây dựng nhà siêu mỏng, siêu méo trên tuyến phố này, ngoài việc buông lỏng quản lý của chính quyền quận Đống Đa còn có trách nhiệm của Sở Quy hoạch- Kiến trúc làm quy hoạch mà không thực địa, thực tế địa bàn.
“Tôi thấy làm quy hoạch trên giấy thì rất đúng, nhưng không kết hợp với kiểm tra thực địa do vậy không lường hết những vấn đề phát sinh. Còn nếu kết hợp cả quy hoạch trên giấy và trên thực tế phát hiện ngay ra chỗ thừa, chỗ thiếu để phê duyệt thu hồi ngay từ đầu đỡ tốn kém, các cơ quan không phải mất thời gian đi xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo như bây giờ”, ông Nghị phân tích.
“Từ hôm nay tôi lấy việc thực hiện ở tuyến đường vành đai I để đánh giá chất lượng lãnh đạo của Bí thư, Chủ tịch UBND quận Đống Đa. Việc lãnh đạo quận xử lý được đến đâu thì ghi nhận đến đó, còn chỗ nào còn siêu mỏng, siêu méo, chỗ nào thò ra, thụt vào, nhếch nhác thì lãnh đạo quận phải chịu trách nhiệm”.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, không phải bây giờ Hà Nội mới chọn chủ đề “Năm trật tự, văn minh đô thị” để triển khai thực hiện. Đây là việc phải làm thường xuyên ở một Thủ đô văn minh hiện đại, trước những yêu cầu cấp bách, trước những bức xúc, những ý kiến của dư luận.
“Chúng ta phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, phải làm quyết liệt mới hạn chế được những yếu kém về văn minh đô thị để cho thành phố ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp như mong muốn. Năm nay thành phố quyết tâm đặt ra mục tiêu phải có bước chuyển hơn nữa, rõ nét hơn nữa về trật tự, văn minh đô thị ”, ông Nghị nhấn mạnh.
Ông Nghị yêu cầu các sở ngành và UBND quận Đống Đa trước mắt tập trung xử lý vi phạm, lập lại trật tự văn minh đô thị trên đường vành đai I.
“Từ hôm nay tôi lấy việc thực hiện ở tuyến đường vành đai I để đánh giá chất lượng lãnh đạo của Bí thư, Chủ tịch UBND quận Đống Đa. Việc lãnh đạo quận xử lý được đến đâu thì ghi nhận đến đó, còn chỗ nào còn siêu mỏng, siêu méo, chỗ nào thò ra, thụt vào, nhếch nhác thì lãnh đạo quận phải chịu trách nhiệm”, ông Nghị nói.
Theo ông Nghị, để xảy ra những công trình sai phép, trái phép một phần có lỗi của chủ công trình, nhưng cũng một phần là lỗi của cán bộ quản lý.
“Người dân dù có cố tình vi phạm đi nữa mà cán bộ với thái độ kiên quyết thì sẽ xử lý được. Tôi thấy không ít chỗ do cán bộ là chính. Dù biết sai phạm vẫn cố tình làm ngơ, có trường hợp còn thỏa thuận ngầm với người làm sai, bắt họ nộp tiền thì không phá dỡ”, ông Nghị phân tích.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng cho rằng, Hà Nội không thể chấp nhận việc dùng tiền để “chuộc” các công trình xây dựng vi phạm. “Vừa rồi có quy định được Bộ Xây dựng ban hành, có quy định đang dự thảo.
Nhưng chúng tôi đang làm việc với Bộ này để dứt khoát Hà Nội không có quy định nào là phạt để cho các công trình xây dựng sai phạm tồn tại.
Dứt khoát quy định đó là phải sửa và bản thân tôi đã nói chuyện này với Thủ tướng kiến nghị về vấn đề này. Bởi phạt cho tồn tại có nghĩa là chấp nhận một việc vi phạm pháp luật trở thành hợp pháp. Cái đó vô hình trung mở đường cho rất nhiều người lựa chọn cách tiếp cận chứ không làm theo cách hợp pháp”, ông Nghị phân tích.