Trước tình thế này, hôm qua, Sở Tài chính TPHCM công khai danh tính các đơn vị kinh doanh taxi, vận tải hành khách chưa kê khai giảm giá cước.
Tăng hết ga
Theo Phó giám đốc Bến xe Miền Đông Thượng Thanh Hải, để thu hút xe tăng cường, bù đắp chiều chạy “rỗng” khi phải nhanh chóng đưa xe về TPHCM đón khách, đa số các nhà xe áp dụng mức phụ thu từ 20 -60% tùy thời điểm.
Cụ thể, các tuyến từ Huế trở ra Bắc phụ thu 20% từ ngày 12 đến hết ngày 16 tháng chạp; phụ thu 40% từ ngày 17 đến ngày 19 tháng chạp và từ mồng 1 đến hết mồng 3 Tết. Từ ngày 20 đến 29 tháng chạp, các nhà xe phụ thu tối đa 60% giá vé.
Các tuyến từ Phú Yên đến Quảng Nam, Đà Nẵng và các tỉnh Gia Lai, Kon Tum phụ thu 20% từ ngày 12 đến 16 tháng chạp, 40% từ ngày 17 đến 20 tháng chạp (và từ mồng 1 đến hết mồng 3 Tết). Từ ngày 21 đến 29 tháng chạp, mức phụ thu là 60%. Các tuyến thuộc tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng phụ thu 20% từ ngày 15 đến ngày 19 tháng chạp; 40% từ ngày 20 đến 23 tháng chạp (và từ mồng 1 đến mồng 4 Tết). Từ ngày 24 đến 29 tháng chạp, các nhà xe phụ thu 60% giá vé.
Các tuyến thuộc tỉnh Bình Thuận từ ngày 24 đến 29 tháng chạp phụ thu 60%. Các tuyến thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương phụ thu tối đa 40%. Theo ông Kiều Nam Thành, Giám đốc Bến xe Miền Tây, các đơn vị vận tải trong bến áp dụng mức phụ thu không quá 40% trong 6 ngày, gồm 4 ngày trước Tết và 2 ngày sau Tết.
Xe ngoài bến càng loạn hơn. Hãng xe giường nằm H.L. Travel (quận Tân Phú) bán vé xe tết tuyến TPHCM - Quảng Trị giá trên trời. Ngày thường, giá vé chỉ 460.000 đồng, nếu đi ngày 18 tháng chạp, khách trả 900.000 đồng/vé (tăng gần 100%). Nhân viên bán vé ngúng nguẩy: “Càng cận Tết khách càng đông nên tiền phụ thu cũng cao hơn. Nếu anh đi ngày 20 thì giá vé là một triệu đồng, đi ngày 22 là 1.150.000 đồng và từ ngày 24 tháng chạp là 1.300.000 đồng. Chịu thì đi, không thì bán cho người khác”.
Trên các tuyến đường Hồng Lạc, Bàu Cát, Đồng Đen (quận Tân Bình), các hãng xe đò treo băng rôn bán vé xe tết về miền Trung. Nhiều nhà xe “phụ thu” mức 200 - 250%. Đơn cử như hãng xe Đ.N chạy tuyến TPHCM - Đà Nẵng thu 1.150.000 đồng/vé bao ăn khởi hành ngày 25 tháng chạp, trong khi giá vé ngày thường là 360.000 đồng/vé…
Giảm nhỏ giọt
Theo ông Thượng Thanh Hải, Bến xe Miền Đông hiện có 217 nhà xe đang đăng ký hoạt động nhưng đến nay mới có khoảng 30 doanh nghiệp gửi thông báo đã kê khai giảm giá vé theo giá xăng dầu với mức giảm từ 2-3 % (tùy theo tuyến) và được áp dụng cho vé đi ngày thường. Gần 200 doanh nghiệp còn lại vẫn án binh bất động. Trong khi đó, tại bến đã có khoảng 40 đơn vị mở bán vé xe tết.
Ngày 12/1, trao đổi với Tiền Phong, đại diện Sở Tài chính TPHCM cho biết, từ ngày 18/12/2015 đến ngày 4/1 có hai đợt giảm giá xăng, dầu. Cụ thể, giá xăng giảm 760 đồng/lít (mức giảm tương ứng 7,5%), tác động giảm giá cước taxi tương ứng là 2,25%. Giá dầu giảm 2.120 đồng/lít (tỷ lệ 16,5%). Vì vậy, các sản phẩm, dịch vụ vận tải có đầu vào là dầu chiếm tỷ trọng (35%-45%) sẽ tác động giảm giá cước tuyến cố định tương ứng là 5,8%-7,4%.
Trước tình hình đó, Sở đã có hai văn bản yêu cầu các doanh nghiệp xem xét lại cơ cấu giá thành, sự tác động của giá xăng, dầu trong các lần điều chỉnh giảm giá xăng, dầu gần nhất đến giá cước vận tải so với lần đăng ký liền kề để điều chỉnh, kê khai lại trước ngày 8/1 nhằm thực hiện chủ trương bình ổn giá, kiểm soát lạm phát.
Trong số 55 đơn vị thuộc diện thực hiện kê khai giá, qua kiểm tra, có 5 đơn vị ngừng hoạt động, 1 đơn vị chuyển kê khai ở trụ sở chính nên đến thời điểm này còn 49 đơn vị phải thực hiện kê khai giá. Tuy nhiên, đến hết ngày 8/1, mới có 26/49 đơn vị kê khai giá đợt 2 với tổng mức giảm giá phổ biến (cả hai đợt) là từ 3-7,9%.
Riêng Cty TNHH Thành Bưởi thực hiện theo đúng thời gian quy định nhưng lại đề nghị giữ nguyên giá nên Sở Tài chính đang yêu cầu giải trình. Đối với các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, trong số 20 đơn vị thuộc diện kê khai giá thì có 6 đơn vị ngừng hoạt động. Đến ngày 8/1, mới có 8/14 hãng taxi đã thực hiện kê khai giá với mức giảm phổ biến từ 300 - 500 đồng/km (2,2% - 6%).
Các doanh nghiệp chưa giảm giá tính đến ngày 8/1
6 hãng taxi, gồm: Vinasun, Saigon Air Taxi, Taxi Phương Trang, Công ty cổ phần vận chuyển Sài Gòn Tourist, Vina Taxi và Savico Taxi.
23 hãng xe đò, gồm: các chi nhánh công ty Quốc Hoàng, Vũ Linh, Thuận Thảo, Phượng Hoàng, Cúc Tùng, Hùng Cường, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Miền Tây, Công ty Kim Hưng, Công ty Hoàng Phát, Công ty Minh Tâm, Công ty vận tải tốc hành Mai Linh, Công ty Thắng Lệ Hoa, Công ty Văn Lang, DNTN Minh Dũng, DNTN Cô Hai, DNTN Mỹ Duyên, HTX Hồng Hà, HTX Việt Thắng, HTX Cửu Long, HTX Trung Nam, HTX xe khách liên tỉnh Miền Tây, HTX Thống Nhất và HTX Đông Bắc.
(Nguồn: Sở Tài chính TPHCM)