Bất cập quản lý đường thủy chồng chéo chỉ khổ dân

TPO - Ngày 12/4, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có buổi làm việc với UBND Thành phố Cần Thơ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông giai đoạn năm 2009 - 2023. Thực tế chỉ ra, chỉ một đoạn sông có tới mấy cơ quan cùng quản lý, người dân khổ khi không biết tìm tới ai để được giải quyết công việc.

Trong lĩnh vực giao thông đường thủy, địa bàn TP. Cần Thơ có 6 tuyến đường thủy quốc gia đi qua, với tổng chiều dài hơn 127km; có 9 tuyến đường thủy nội địa do Thành phố quản lý, với tổng chiều dài gần 135km; cấp quận/huyện quản lý 64 tuyến, tổng chiều dài gần 335km. Toàn địa bàn Cần Thơ có 552 cảng, bến cảng đường thủy được công bố hoạt động.

Ông Trần Văn Minh - Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực IV cho biết, từ trước đến nay, việc đầu tư cho ngành này dường như bị bỏ ngỏ, chỉ tập trung khai thác dựa vào các điều kiện tự nhiên có sẵn.

Ông Trần Văn Minh - Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực IV.

Theo ông Minh, việc quản lý đường thủy nội địa đang tồn tại chồng chéo, bất cập giữa các ngành liên quan. Cụ thể, tuyến sông Hậu đổ ra các cửa biển ở Trà Vinh và Sóc Trăng, trước đó là luồng đường thủy nội địa, còn quy định hiện tại là luồng hàng hải, nhưng không có mấy tàu biển ra vào.

“Chỉ một khúc sông Hậu có nhiều lực lượng quản lý, rất khổ dân. Lúc kêu dân liên hệ Cảng vụ Hàng hải, lúc sang Cảng vụ Đường thủy nội địa của Sở Giao thông Vận tải, khi lại liên hệ Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực IV. Trong khi đó phần lớn những vấn đề này đều thuộc đường thủy nội địa. Đơn vị nào quản lý cũng được, nhưng phải tạo điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển, dân bớt khổ, như vậy mới xứng đáng công tác quản lý nhà nước”, ông Minh nói.

Ông Minh dẫn chứng thêm, trên khúc sông từ vàm Cái Lớn ngược về thượng lưu sông Hậu tới Vĩnh Xương (An Giang), Thường Phước (Đồng Tháp) thuộc đường thủy nội địa quản lý. Tuy nhiên, phương tiện đi vào, có đoạn theo tín hiệu hàng hải, có đoạn theo tín hiệu đường thủy nội địa, rất bất cập.

Ngoài ra, theo quy định về quản lý hoạt động của đường thủy nội địa, trước đây việc cấp phép và quản lý đều là Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực IV. Việc này tồn tại nhiều bất cập, nghị định mới giao cho địa phương cấp quận/huyện cấp phép, rất hợp lý. Tuy nhiên, lại thiếu phần chuyển tiếp, và cấp quận/huyện cũng chưa có cán bộ chuyên ngành giao thông thủy, nên cũng không cấp phép. Tình trạng này dẫn đến các bến đang có phép mà hết hạn thành không phép…

Tàu theo luồng sông Hậu cập cảng tại Hậu Giang.

Ông Huỳnh Hồng Lực - Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ cho rằng, luồng hàng hải Định An từ xa xưa đã có tàu biển sang tận Campuchia. Luồng này hiện được bố trí các biển báo hiệu hàng hải từ cửa biển Định An đến vàm Rạch Gòi Lớn ở An Giang theo công ước quốc tế. “Chúng ta là thành viên trong Tổ chức Hàng hải quốc tế, phải tuân thủ các quy ước đã cam kết”, ông Lực nói.

Tuy nhiên, theo ông Lực, vẫn có bất cập trong công tác quản lý giữa đường thủy nội địa và hàng hải. Cảng bến thủy nội địa trong vùng nước cảng biển đã giao hết cho địa phương quản lý theo quy định mới. Tuy nhiên, thực tế vùng nước cảng biển do Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ quản lý còn một số bất cập, như tình trạng vị trí cảng bến thủy nội địa chưa rõ giao cho Cảng vụ Đường thủy nội địa thuộc Sở Giao thông vận tải quản lý, hay Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực IV quản lý.

Ông Lực cho rằng, nếu tàu thuyền vào cảng biển để bốc dỡ hàng hóa thì Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ cấp phép quản lý, kiểm tra. Tuy nhiên, nếu cảng biển và bến thủy nội địa gần nhau, phương tiện vào bốc xếp hàng hóa ở cảng bến cảng thủy nội địa và hàng hải thì phải làm cả 2 thủ tục, rất bất cập và chồng chéo. "Điều này tạo thêm nhiều chi phí cho doanh nghiệp, người dân, mong đoàn giám sát lưu ý để có ý kiến chỉnh sửa luật, bổ sung vào các quy định”, ông Lực kiến nghị.

Quang cảnh buổi làm việc.

Theo UBND TP. Cần Thơ, lĩnh vực giao thông thủy chưa được sự quan tâm đầu tư đúng mức, chỉ sử dụng ưu thế sẵn có mà không chú trọng cải tạo, nâng cấp. Các tuyến vận tải còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện địa hình sông rạch tự nhiên, đường đi quanh co dẫn đến cự ly hành trình dài.

Nhiều tuyến vận tải chịu ảnh hưởng lớn của thủy triều, phương tiện lớn phải chờ nước lên mới hoạt động được, có những đoạn tốc độ bồi lắng cao, luồng thường xuyên bị cạn. Ngược lại, ở những nơi có nước chảy xiết hoặc tàu bè qua lại nhiều dễ bị sạt lở bờ, làm hư hại các tuyến đường bộ ven sông...