Bảo tàng tre trên núi

TP - Đó là câu chuyện của sư thầy Thích Thế Tường, 49 tuổi, quê Thừa Thiên - Huế. Hơn chục năm nay, thầy một mình vào Nam ra Bắc mang các loài tre của Việt Nam về trồng trên khu vườn nhỏ tựa lưng núi Sơn Trà (quận Sơn Trà, Đà Nẵng). Đến nay, hơn nửa các loài tre của cả nước đã có mặt trong khu vườn của thầy, đây cũng được xem là “bảo tàng” tre lớn nhất nước.
Trúc đen, loài tre quý hiếm được ghi trong Sách đỏ đã có mặt trong khu bảo tồn tre của thầy Thích Thế Tường. Ảnh: Thanh Trần

110 loại tre trên bán đảo Sơn Trà

Bước chân vào cửa Phật từ nhỏ, đến năm 23 tuổi,  thầy Tường chuyển vào tu hành ở chùa Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng). Ở  một thời gian, thầy được một phật tử cúng dường hơn 1ha đất trên bán đảo Sơn Trà làm nơi thanh tịnh để thầy lui tới.

Năm 2005, thầy một mình lên đây, dựng mái nhà nhỏ sống bên lưng núi. Nơi ở của thầy yên bình, trong trẻo và rất nguyên sơ nhưng không làm thầy toại nguyện. Thầy lo thành phố phát triển, những gì mang dáng dấp của làng quê Việt Nam sẽ lùi vào dĩ vãng, thế hệ về sau sẽ không biết được lũy tre, ao cá, cổng làng. Trăn trở mãi, một sáng, thầy cầm cây rựa đi phát quang, dọn dẹp quanh vườn, với ý định mang tre từ mọi miền Tổ quốc lên núi trồng.

Vườn rộng, lại nhiều cây cỏ dại, suốt mấy tháng trời thầy dốc sức dọn dẹp trông mới thoáng ra. Tạm ổn, thầy bắt đầu với việc tìm tre mang về. Thầy nhớ như in: “Ba loài đầu tiên mang về là tre bụng Phật, tre lồ ô và giang Sơn Trà. Hồi ấy có mấy vùng giải tỏa, biết tin có gốc tre bị múc lên nên tôi xuống xin về”.

Ba loài ấy sống sót và phát triển rất nhanh, thầy mừng khôn xiết vì giấc mơ về một “bảo tàng” tre sớm muộn gì cũng thành hiện thực. Nhưng rồi, nhiều loại tre khác mang về trồng được vài hôm cứ chết dần chết mòn, hết tưới nước, bón phân, thậm chí canh từng giờ vẫn không sống được. Mãi đến sau mới biết, cây tre vốn dễ thích nghi, miễn trồng vào mùa xuân thì đất nào cũng chịu.

Tre được trồng ở những khoảng đất trống và xen kẻ với cây bản địa để giữ đất, chống xói mòn. Ảnh: Thanh Trần

Sau đợt ấy, thầy ra Bắc, vào Nam, đi các tỉnh lân cận như đi chợ để mang tre về. Từ một vài bụi bụng Phật làm “bìa” ngoài cổng, khu vườn của thầy đi đâu cũng thấy tre, to có, nhỏ có, nhiều bụi còn cao lớn như lũy tre làng thực thụ. Dưới mỗi khóm tre, thầy cắm bảng ghi tên, nguồn gốc xuất xứ của nó đầy đủ.

Thầy bảo: “Bây giờ vườn đã có 110 loại tre, nghĩa là hơn một nửa các loại tre của Việt Nam. Với vườn tre này, tôi không chỉ hy vọng những loài tre quê hương sẽ được bảo tồn mà còn mong mọi người, nhất là thế hệ trẻ có thể hiểu biết hơn về loài cây đã đi vào truyền thống, lịch sử, từ đó dành tình yêu cho quê hương, đất nước nhiều hơn”. Người dân ở Sơn Trà thường gọi thầy là người mang cả Việt Nam lên núi, bởi mỗi loại tre mang dáng dấp của một vùng miền nên đến vườn tre của thầy, coi như đã đi gần khắp cả nước.

Duyên

Ngoài Trúc đen - loài quý hiếm được ghi ở Sách đỏ Việt Nam, trong vườn còn có thêm những loài tre rất khó tìm như tre đen Bắc Cạn, trúc Hóa Long…Việc tìm tre cũng khó tựa mò kim đáy bể, bởi nhiều loài đã biết nguồn gốc, vậy mà tới nơi thì người dân không còn trồng nữa, thậm chí chẳng còn lấy gốc rễ. Theo như cách thầy nói thì phần lớn giống tre đưa được về vườn là nhờ “duyên”. 

Năm 2007, thầy lặn lội ra tận Hà Nội, tới Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam để nhờ hỗ trợ tìm tre, sau nhiều lần liên hệ không thành, thầy đành bỏ cuộc ra về. Không nản, thầy lục tung các quầy sách để tìm tư liệu nhưng cũng chẳng có. Lần này, thầy đánh liều điện tới NXB Nông nghiệp hỏi, được trả lời trước có loại sách này và NXB có lưu nhưng bây giờ tìm kiếm mất thời gian, chỉ cho thầy số điện thoại của tác giả. Thầy mừng rơn, bấm máy liên hệ thì ra đó là Viện trưởng Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam. Vậy là đi một vòng tròn, cuối cùng thầy cũng “bắt mối” được. Chuyến ấy ra Hà Nội, thầy được Viện trưởng tặng sách, chỉ cho các địa điểm dễ tìm tre và cách trồng tre dễ sống nhất.

Ở một mình trong căn nhà nhỏ trên núi, thầy Thích Thế Tường lấy việc bảo tồn tre Việt làm thú vui mỗi ngày

Đó chỉ là một trong vô vàn cơ duyên đưa thầy tới với tre. Mấy năm trước, thầy có việc lên Đà Lạt phải ở nhờ nhà người quen, mượn được chiếc xe đi công chuyện đến quá trưa mới về thì nhà đóng cửa mất, thầy đành lang thang quanh xóm. Tới cuối ngõ, thầy bỗng hét lên: “Hóa Long, Hóa Long đây rồi”. Cả xóm chạy ra vì thấy một sư thầy “không bình thường” làm ầm giữa trưa. Thầy kể với cả xóm loài trúc Hóa Long chỉ có ở hồ Ba Bể (Bắc Cạn), chuyến trước thầy đi chẳng mang về được, không ngờ giờ lại gặp nó ở đây. Hay đợt lên thăm một ngôi chùa ở Lâm Đồng, thầy đi không đành trước vẻ đẹp của trúc quân tử Đà Lạt, ngặt nỗi, chùa tuyên bố không cho ai giống trúc này.

Hôm sắp về, thầy ghé chùa thăm trúc lần nữa, lần này đúng lúc sư bà đang dọn vườn, thấy thầy không rời khóm trúc, sư bà nói: “Nếu thích thì tỉa một ít mang về trồng, đằng nào lát nữa tôi cũng phải phát quang một bụi để lấy đất trồng rau”. Bây giờ, khóm trúc quân tử Đà Lạt đã có mặt ở Đà Nẵng, xanh tốt trong vườn tre trúc nhà thầy.

Cứ vận vào cái “duyên” cho việc trồng tre của mình nên chẳng bao giờ thầy thấy chán nản dù quanh năm lủi thủi một mình. Công việc trồng tre cũng một tay thầy làm, chẳng hề thuê mướn ai. Thầy nói: “Mỗi ngày nhìn cây tre lớn lên, đếm giống tre trong vườn nhiều hơn là đủ vui rồi”.

Giữ bức bình phong cho thành phố

“Ngày mới lên, cứ dăm bữa nửa tháng lại thấy những mảng rừng sau lưng nhà trọc lóc. Người ta mang máy cưa vào đốn cây ầm ầm, biết nhưng một mình cũng chẳng làm gì được”, thầy kể. Mỗi trận mưa xuống, nước từ núi ào về, xói mòn những mảng rừng trọc ấy, cuốn theo cả đất đá, hung hãn như lở núi. Thầy cứ lo bức bình phong Sơn Trà chắn gió bão của Đà Nẵng sẽ mỏng dần. Vậy nên hồi phát bụi, dọn vườn, thầy không hề chặt cây bản địa, phá đá dù nó nằm giữa lối đi, hay không có chút thẩm mỹ nào. Nhờ vậy mà suốt mấy mùa mưa qua, khu vườn của thầy vẫn nguyên vẹn, chẳng hề xói sạt chỗ nào.

Chưa yên tâm lắm, thầy đưa tre đi trồng rải rác khắp vườn chứ không tập trung về một chỗ. Các giống có thân to, rễ chắc trồng ở những khoảng trống, loài nhỏ hơn trồng xen với cây bản địa. Thầy lý giải: “Tre là loại có bộ rễ rất chắc, càng lớn thì khả năng giữ đất càng cao. Những khu nào thưa cây là tôi cắm ngay tre vào đấy, đặc biệt nếu trồng chung với cây bản địa thì khả năng chống chịu sạt lở càng được nhân lên”. Bây giờ, khu vườn hơn 1ha của thầy có mật độ cây dày đặc tựa những khu rừng nguyên sơ. Thầy trải lòng: “Nếu ai cũng đốn rừng vì việc riêng thì lớp cây ở rừng sẽ mỏng dần, mùa mưa bão cả thành phố sẽ gánh chịu hết. Mình tôi không đủ sức để ngăn những kẻ phá rừng, chỉ biết giữ gìn và trồng thêm cây để bức bình phong của Đà Nẵng ngày càng dày, càng lớn”. 


PGS.TS Nguyễn Hoàng Nghĩa, Viện trưởng Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, cho biết: “Ở nước ta hiện có ba khu bảo tồn tre, ở Phú Thọ, Bình Dương và Đà Nẵng. Khu bảo tồn ở Phú Thọ của Viện Khoa học Lâm nghiệp, ở Bình Dương của một cá nhân, tuy nhiên cả hai khu này đều ít các giống tre hơn ở Đà Nẵng. Thầy Thích Thế Tường đã bảo tồn 110 trên gần 200 loài tre của Việt Nam, đó là sự tâm huyết và ý thức rất đáng khích lệ, bởi không chỉ những loài tre quý hiếm mới cần được bảo tồn, mà những loài bình thường cũng có thể trở thành tre quý nếu chúng ta không gìn giữ”.