Ba nhóm bạn trẻ Việt được Facebook tài trợ 240.000 USD

TP - Với việc giành giải nhất, nhì, ba trong cuộc thi về trí tuệ nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á vừa kết thúc, 3 nhóm bạn trẻ ở Hà Nội đã nhận được gói tài trợ trị giá 80.000 USD/ nhóm từ Facebook.
Các chàng trai của đội “Nguyễn Hiền” nhận giải nhất từ BTC.

TOPICA AI Edtech Asia Hackathon 2017 là cuộc thi về trí tuệ nhân tạo lớn nhất khu vực Đông Nam Á, diễn ra từ ngày 19 - 21/5/2017 tại Hà Nội do Tổ hợp giáo dục TOPICA phối hợp cùng Up Coworking Space và Thành đoàn Hà Nội tổ chức. Cuộc thi nhằm đưa các ứng dụng của trí tuệ nhân tạo phục vụ hoạt động giáo dục và nhận được sự tài trợ của nhiều “ông lớn” như Facebook, Google, IBM, Amazon.

Đây là cuộc thi lập trình theo nhóm 2 - 5 người với thời gian quy định 48 giờ nhằm đưa ra sản phẩm công nghệ sáng tạo, độc đáo và mới lạ nhất. Cuộc thi hackathon trên thế giới được xem là một trong những bí quyết giúp các “ông trùm” công nghệ như Google và Facebook liên tục phát triển và duy trì sự tăng trưởng mạnh mẽ. Ít ai biết rằng nút Like và chức năng Chat của Facebook (Facebook Message) đều là sản phẩm của những cuộc thi hackathon.

Đây là năm thứ 2 cuộc thi được tổ chức tại Việt Nam. Các đội thi tham gia thi 3 hạng mục chính là: Đưa trí tuệ nhân tạo vào 5 ứng dụng sẵn có trên VR, Hololens, Hologram, Kinect; Phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho giáo dục và Phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo bất kỳ. Các đội thi được khuyến khích áp dụng các công nghệ “hot” nhất trong trí tuệ nhân tạo để giải quyết vấn đề.

Tham gia thi đấu, 18 đội  thi đến từ mọi miền được trải nghiệm trong môi trường làm việc áp lực suốt 48 giờ. Kết quả, 3 đội “Nguyễn Hiền”, “Techaholic” và “Inforin” lần lượt giành giải nhất, nhì, ba. Ngoài các phần thưởng riêng, 3 đội đều nhận được gói hỗ trợ trị giá 80 ngàn USD của Facebook.

Phần thưởng cho những chàng trai trẻ

Phần lớn các thành viên tham dự cuộc thi Hackathon 2017 ở độ tuổi rất trẻ, nhiều bạn là sinh viên. Đội “Nguyễn Hiền” gồm 5 chàng trai còn trẻ, hoạt động trong lĩnh vực phần mềm, đến từ nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp ở Hà Nội. Họ giành giải nhất với Ứng dụng học tiếng Anh cho trẻ em thông minh.

Đây là ứng dụng giúp xây dựng tự động kho bài giảng tiếng Anh cho trẻ em, giúp việc học tiếng Anh sinh động và luôn cập nhật với kiến thức thực tế. Ngoài phần thưởng từ FB, các chàng trai còn nhận thưởng 30 triệu đồng tiền mặt, gói 12.000 USD credit sử dụng IBM Cognitive, gói 2.000 USD Google Cloud Credit và trọn gói tham dự, vinh danh trên sân khấu Edtech Asia Summit 2017 trị giá 2.000USD.

Đội “Techaholic” gồm 4 chàng trai ở độ tuổi từ 20-22, đang là sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.  Nhóm giành giải nhì với ý tưởng đánh giá chất lượng buổi học dựa trên cảm xúc học viên. Sản phẩm này ứng dụng trí tuệ, các công nghệ nhận dạng khuôn mặt cộng với dữ liệu video tự record và tham khảo từ Youtube để xây dựng model cảm xúc khuôn mặt cho người Việt nhằm xác định cảm xúc từ 1 video quay khuôn mặt.

Giải ba thuộc về đội “InfoRin” gồm 4 chàng trai đến từ doanh nghiệp khởi nghiệp Infore với ý tưởng gợi ý bài học được yêu thích qua cảm xúc học viên. Đây là giải pháp cải tiến các model trí tuệ nhân tạo, áp dụng trong việc xử lý nhận dạng khuôn mặt real-time, phân loại cảm xúc học viên qua đó gợi ý bài học yêu thích.

Ngoài 3 giải trên, BTC cũng trao giải ứng dụng trí tuệ nhân tạo tốt nhất cho đội The Hungers với ý tưởng Hệ thống số hóa tài liệu sách, báo tiếng và giải phần mềm công nghệ giáo dục tốt nhất cho đội BKSmart với sản phẩm Máy chơi cờ vua (Kết hợp giữa cánh tay robot với trí tuệ nhân tạo để chơi và dạy cờ vua với trẻ em trên bàn cờ thật).

Với nhiều ứng dụng thiết thực và gần gũi, Hackathon 2017 được đánh giá góp phần đưa trí tuệ nhân tạo, lĩnh vực còn khá mới mẻ ở Việt Nam, đến gần hơn cuộc sống.

Trí tuệ nhân tạo đang nổi lên là tâm điểm của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và thị trường sản phẩm trí tuệ nhân tạo được dự đoán sẽ diễn ra một cuộc đua gay cấn trong thời gian tới. Tại Việt Nam, Chính phủ cũng như nhiều doanh nghiệp Việt Nam ngày càng quan tâm đến việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo để giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội như: xây dựng thành phố thông minh, các giải pháp tạo ra hệ thống kết nối Internet trong lĩnh vực giao thông, y tế, quản lí đô thị và cung cấp dịch vụ công.

Các đội thi được khuyến khích áp dụng các công nghệ “hot” nhất trong trí tuệ nhân tạo để giải quyết vấn đề. Kết quả, 3 đội “Nguyễn Hiền”, “Techaholic” và “Inforin” lần lượt giành giải nhất, nhì, ba. Ngoài các phần thưởng riêng, 3 đội đều nhận được gói hỗ trợ trị giá 80 ngàn USD của Facebook.