Ảnh hiếm 'thương mại vỉa hè' Hà Nội những năm 90

Những năm 90, nền kinh tế 'bung ra' thời hậu bao cấp biến vỉa hè Thủ đô thành nơi sản xuất, buôn bán đủ mọi mặt hàng để có thể kiếm ra đồng tiền.

Rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm Hà Nội trong cái nắng hè năm 1991, nhà nhiếp ảnh người Đức, ông Reisen tiếp tục ghi lại những khoảnh khắc về cuộc sinh kế của người Hà Nội trong giai đoạn 'bung ra' của nền kinh tế hậu bao cấp

Giai đoạn đó, ngoài làm việc cho cơ quan nhà nước, hầu như gia đình nào cũng làm thêm nghề phụ để thêm chút thu nhập. Trong hình là một nơi chuyên làm mũ cối gia công, đang phơi cốt mũ cối cho khô để bọc vải trước khi đem bán.

Nghề thuốc nam, thuốc bắc vốn là nghề gia truyền, nay cũng ra hè phố cho tiện bề kinh doanh.

Mỗi sáng sớm, từng này mặt hàng ra hè phố và đến tối lại vào nhà một cách gọn gàng. Các cửa hiệu ở Hà Nội vừa là chỗ bày hàng, bán hàng kiêm nơi ở của ông bà chủ, nên khá chật.

Cửa hàng bán ống đồng và chõ để nấu rượu. Những năm 90, nuôi lợn và nấu rượu là nghề phụ của rất nhiều gia đình.

Nơi bán nồi nhôm, những chiếc xoong cỡ lớn được gọi là 'nồi quân dụng' dùng cho những quán hàng ăn uống.

Cửa hàng đồ mộc, từ bản lề, ổ khóa đến cưa đục, đinh búa...

Hàng bán đồ cho thợ nề. Những năm 90, hầu hết đàn ông đều tự sửa chữa những hư hỏng nhẹ của đồ mộc, đồ điện trong nhà. Thậm chí nhiều người tự đóng bàn ghế để sử dụng.

Chỉ cần 2 mét vuông và một bức tường cũng trở thành một quán đóng giày nhỏ trên vỉa hè Hà Nội

Hợp tác xã khắc dấu. Nghề này hơi đặc thù nên nhà nước quản lý. Thời đó, chưa có dấu đồng hoặc dấu nhựa, con dấu hoàn toàn dùng gỗ.


Xưởng tiện trên vỉa hè, với sản phẩm là những cặp trục tròn để cán bánh phở.

Xưởng cơ khí này chuyên về đồ sắt, cũng trên vỉa hè.

 

Cắt tóc vỉa hè là đặc trưng của Việt Nam, không chỉ ở Hà Nội mà nhiều thành phố thị xã đều dễ gặp.

Xưởng mộc nhỏ này sản xuất và bán hàng luôn trên hè phố, sản phẩm là bàn thờ trong gia đình.

Hàng ăn uống trên hè phố rất nhiều. Thực khách trò truyện rôm rả ngay bên những rổ bát bám đầy ruồi nhặng.

Hàng quà có vẻ cơ động hơn, khách không cần bàn ăn, chỉ ngồi ghế xúm quanh chủ quán, cầm bát trên tay.

Mỗi góc phố đều có hàng bơm vá xe như vậy. Nghề này có vẻ mang tính cạnh tranh cao nên hiếm khi thấy có 2 hàng vá xe ngồi gần nhau.

Đồ thờ và cờ phướn trang trí ở những nơi thờ tự chính thức được bán ở đây, trong một cửa hàng khá quy củ.

Trong hiệu may áo dài, bác thợ may đang đạp máy khâu trong lúc các vị nữ khách bình thản ngồi đợi.

Đánh máy chữ thuê là công việc của người đàn ông này tại vỉa hè gần Bưu điện Bờ Hồ. Cô con gái nhỏ ngồi đọc văn bản và giúp bố soạn lại những giấy tờ của khách.

Xà phòng cám Liên Xô, mặt hàng dùng để giặt quần áo cũng ra hè phố cùng với khăn mặt, xà phòng tắm...

'Tinh cà cuống', loại gia vị rất cay để pha vào nước chấm món bánh cuốn, được mô tả khá chuyên nghiệp bằng lời và hình vẽ bên ngoài cửa hàng.

Xác cà cuống được xâu thành dây treo ngoài cửa hàng, khi khách mua được gỡ xuống và gói vào giấy cẩn thận.

Chỗ bán đồ sành sứ thủy tinh gia dụng.

Ở một đoạn phố Phùng Hưng, nhà nhiếp ảnh người Đức còn thấy cá khô phơi kín mặt đường.

Gạo được mang từ ngoại thành vào bán cho các bà nội trợ.

Nón lá từ các làng nghề ở Thanh Oai (Hà Tây cũ) được gánh vào bán gần chợ Đồng Xuân.

Hàng hoa trên xe đạp năm 1991, là nét đặc trưng Hà Nội vẫn không nhiều thay đổi dù đã hơn 20 năm kể từ khi nhà nhiếp ảnh người Đức chụp những tấm hình này.

Theo Theo VTC News