Việc thổi phồng giá trị và tác dụng hiệu quả của dự án để che mắt lãnh đạo, để tăng tính thuyết phục nhằm được thông qua….là chuyện đã từng xảy ra với nhiều bộ ngành, doanh nghiệp Nhà nước trong những năm qua. Cái giá phải trả cho các dự án bánh vẽ tiêu tiền ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng vốn đầu tư này là những gánh nặng nợ, lãi; dự án hoạt động không hiệu quả và trong cảnh thoi thóp. Trong khi đơn vị cho vay vốn ung dung ngồi thu tiền lãi thì đống nợ và các dự án đầu tư không hiệu quả ngân sách phải mòn mỏi gánh và xử lý.
Nhìn thẳng vào sự thật để thấy, nhiều dự án đầu tư cộng lại đã lên tới cả trăm nghìn tỷ đồng nhưng phần lớn đang đắp chiếu, hoạt động không hiệu quả hoặc chưa biết đến bao giờ mới hoàn thành. Trong số đó nhiều dự án có vốn đầu tư và sử dụng vốn vay ODA có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Nhiều dự án đầu tư nghìn tỷ thua lỗ như Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai hay như đường sắt Cát Linh – Hà Đông khởi công hơn 10 năm nay vẫn chưa biết đến bao giờ mới vận hành được, dù chục nghìn tỷ đồng đã đổ ra. Hàng loạt dự án được vay vốn ODA của Trung Quốc khác đến nay cũng đang mắc kẹt với các khoản mồi ưu đãi.
Với tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng tiêu tốn dự kiến tới 100.000 tỷ đồng vừa trình Chính phủ, Bộ GTVT cho hay: Khi hoàn thành, dự án sẽ mang lại lợi ích kinh tế khu vực Tây Nam (Trung Quốc) và khu vực Tây Bắc (Việt Nam). Đáng chú ý, dự án được phía Trung Quốc đánh giá là phần quan trọng trong tuyến đường sắt xuyên Á.
Về mặt thương mại, lợi ích cho các tỉnh Tây Bắc của Việt Nam sẽ không được nhiều là điều có thể nhìn thấy rõ khi phải trả lời: hàng hóa gì sẽ được vận chuyển theo tuyến đường này để sang Trung Quốc và ngược lại.
Còn chỉ phục vụ vận chuyển người thì đây là cách đầu tư đốt tiền nhất. Hiệu quả dự án chưa rõ, chưa kể rủi ro dự án bị chậm tiến độ, đội vốn sau nhiều năm, khiến ngân khố eo hẹp của quốc gia chịu thêm gánh nặng nợ nần rất lớn là điều có thể nhìn thấy. Nợ công cũng sẽ tăng vọt vì dự án này là điều được dự báo.
Những câu hỏi về tuyến đường cao tốc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long quá tải nhiều năm, nhiều dự án vận tải đường bộ đội vốn liên tục và chưa hoàn thành, giao thông đường sắt trong nước cấp thiết cần nâng cấp mà không có vốn đầu tư, sao Bộ GTVT lại sốt sắng với một dự án kết nối với Trung Quốc như vậy? Bộ GTVT có tính toán đến hiệu quả kinh tế, tác động đến nợ công do đầu tư dự án này trong bối cảnh ngân sách eo hẹp hiện nay?
Đất nước sẵn sàng đầu tư cho các dự án lớn, nhưng phải có hiệu quả về mọi mặt. Còn kiểu đầu tư tù mù khiến kinh tế không thể phát triển được, kéo theo hệ lụy như các dự án ngàn tỷ đang đắp chiếu hiện nay là điều khiến chúng ta phải suy nghĩ.