> Bệnh nhân tử vong nghi do ăn thịt lợn bệnh
> Nhập viện sau khi ăn thịt lợn chết
Nháo nhác
Tin đồn nói rằng, trên địa bàn Quảng Bình hàng ngàn con lợn chết vì dịch tai xanh. Chính quyền thì giấu thông tin, còn người dân thì bán tống bán tháo những con lợn nhiễm bệnh để các lò mổ giết thịt bán ra thị trường. Đã có người chết vì lây loại bệnh này. Có chị tiểu thương bán thịt lợn bỗng gục chết khi đang bán hàng vì bị nhiễm… “tai xanh”.
Cũng thời gian này người ta kháo nhau ở xã Mai Thủy - Lệ Thủy có hai đứa trẻ lăn đùng ra chết khi ăn chưa hết quả dưa của mẹ mua từ chợ về. Thấy hai đứa con nằm chết, ông bố đã không giữ được bình tĩnh đã đánh chết vợ rồi tự tử.
Tin đồn rùng rợn đã khiến người dân, có cả cán bộ tẩy chay hai loại sản phẩm này. Dạo một vòng qua các hàng bán thịt lợn ở những chợ trên địa bàn tỉnh, tình trạng chung là ế ẩm, doanh lượng bán ra giảm từ 50 đến 70%. Một tiểu thương bán thịt lợn ở chợ Đồng Hới cho biết: Trước tin đồn, ở chợ Đồng Hới có đến gần 100 gian hàng bán thịt lợn, mỗi ngày tiêu thụ 250 con lợn, nhưng nay chỉ tiêu thụ chừng 20 con. Nhiều tiểu thương nghỉ bán vì lỗ vốn.
Tương tự, các gian hàng bán dưa hấu dọc QL1A, thuộc xã Lí Trạch (Bố Trạch) cũng heo hắt. Trước đây khu vực này có khoảng hơn 20 gian hàng bán dưa hấu. Hiện chỉ còn lèo tèo vài gian hàng với số lượng ít ỏi. Chị Bé - một người bán dưa ở Lí Trạch nói: “Khổ lắm chú ơi, ai mà ác mồm, ác miệng rứa không biết. Từ khi có tin đồn, họa hoằn lắm tui mới bán được vài quả cho khách vãng lai, còn người Quảng Bình thì không ai mua”.
Ai được lợi?
Mặc dù đã xác minh nhiều nguồn thông tin, song không ai xác nhận với PV về câu chuyện người chết do nhiễm bệnh tai xanh hay ăn dưa. Hàng trăm trang trại nuôi lợn, hàng ngàn ha dưa hấu của nông dân Quảng Bình đang vào vụ thu hoạch phải đối mặt thua lỗ vì tin đồn thất thiệt.
Anh Hiền - nông dân trồng dưa hấu ở thị trấn nông trường Việt Trung cho biết: Gia đình anh có 5ha dưa hấu. Từ 1kg bán tại ruộng có giá 5.000 đồng thì nay phải bán 2.000 đồng. “Mặc dù lỗ nhưng không bán không được chú ạ. Dưa mà để quá già lỡ gặp mưa là vỡ tung ra cả, còn không thì ruột xốp cũng không ai ăn”.
Còn ông Minh – chủ một trang trại lợn ở Quảng Trạch cũng than vãn: “Chuyến này là tui lỗ to. Trang trại tui hiện có 10 con lợn thịt đến độ xuất chuồng mà gọi đâu họ cũng lắc đầu. Nuôi thì chúng không lớn nữa mà ngày nào cũng phải cho ăn, kiểu ni không khéo là phá sản”.
Một chuyên gia thương mại cho rằng, tin đồn là “tiểu xảo” mới trong buôn bán của các thương lái. Lợi dụng sự thiếu thông tin của người dân, họ tung ra những câu chuyện dạng như trên, đợi tin đồn lan rộng trong dân, khi loại sản phẩm nói trên bị tẩy chay thì họ vào mua với giá rẻ mạt và chuyển đi địa phương khác bán kiếm lời nhiều hơn.
Đến thời điểm này, chính quyền các cấp ở Quảng Bình chưa có giải pháp nào dập tắt tin đồn trong dân. Xã, huyện nơi xuất phát tin đồn cũng chỉ khẳng định “không có chuyện đó” khi được hỏi đến. Còn Chi cục Thú y Quảng Bình thì chỉ tăng cường quản lý chặt các cơ sở giết mổ, kiểm tra và đóng dấu kiểm dịch đối với sản phẩm thịt lợn bán ra thị trường.