4.000 tỷ đồng Hà Nội chi dịch vụ công ích: Đơn giá cao, lãng phí lớn

TP - HĐND thành phố vừa khẳng định: Thực trạng kéo dài cơ chế “đặt hàng”, “xin-cho” đối với các doanh nghiệp nhà nước cung cấp dịch vụ công ích, bộc lộ nhiều bất hợp lý. Nhiều người trong cuộc thuộc các sở ngành, quận huyện cũng cho rằng cần sớm chấm dứt tình trạng này để ngăn chặn thất thoát, lãng phí…
Công nhân đang vận hành tại trạm bơm Trúc Bạch - Hà Nội. Ảnh: Ngọc Châu

Lỗ hổng lớn

Ông Lê Anh Quân, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên cho biết, chỉ riêng 3 năm (2011-2013), thực hiện phân cấp và xã hội hóa đã tiết kiệm được cho ngân sách số tiền lên tới 86 tỷ đồng. 

Năm 2014 dự kiến tiết kiệm được khoảng 30 tỷ đồng so với định mức đơn giá thành phố. Quận Long Biên tiết kiệm được cả trăm tỷ đồng cho ngân sách do đã quyết liệt rà soát lại toàn bộ từ quy trình đến định mức đơn giá, tăng cường giám sát.

Theo ông Lê Anh Quân, nhiều định mức đơn giá của thành phố rất lạc hậu. Ví như trong kết cấu giá dịch vụ với định mức hiện nay chi phí nhân công lao động là gánh nặng lớn. 

Trong khi đó, có nhiều lĩnh vực hoàn toàn có thể đưa máy móc, thiết bị vào thay thế sức người, tiết kiệm chi phí. Đơn cử: Quận Long Biên đã tăng tới 80% khối lượng công việc do máy móc thực hiện, thiết bị cơ giới vào vệ sinh lòng đường, vỉa hè và chỉ duy trì 20% dùng lao động thủ công. Vận chuyển rác thải buộc phải dùng xe ô tô trọng tải 10 tấn trở lên để giảm chi phí. 

Quận Long Biên cũng tăng cường thu phí vệ sinh môi trường giảm gánh nặng cho ngân sách, nâng cao ý thức của người dân. “Tôi cho rằng thành phố phải khẩn trương rà soát, thẩm định lại tất cả các đơn giá định mức về dịch vụ công ích”, ông Quân kiến nghị.

Kết quả giám sát của HĐND thành phố tháng 6/2014 cho thấy, việc đấu thầu duy trì vệ sinh môi trường 2 đoạn thuộc tuyến đường vành đai 3 trên cao vừa qua đã khiến nhiều người giật mình khi giảm được tới 31,8% chi phí so với đơn giá định mức của thành phố. Một ví dụ khác là cùng thực hiện xử lý nước thải nhưng mỗi trạm xử lý có chi phí xử lý đối với 1 đơn vị nước thải khác nhau rất lớn.

Cụ thể với 3 trạm xử lý nước thải do Công ty TNHH Nhà nước MTV Thoát nước quản lý gồm: trạm Trúc Bạch chi phí xử lý là hơn 10.000 đồng/m3; trạm xử lý nước thải Kim Liên chi phí là 9.800 đồng/m3, trạm xử lý Bắc Thăng Long-Vân Trì chi phí là hơn 7.000 đồng/m3. 

Trong khi đó Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở sau khi thực hiện xã hội hóa giao cho Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phú Điền và Công ty SFC vận hành thì chi phí lại chỉ vỏn vẹn là 1.560 đồng/m3 nước thải!

Xóa sổ “đặt hàng”, chuyển mạnh sang đấu thầu

Trước nhiều tồn tại trong quản lý dịch vụ công ích, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Trưởng phòng Quản lý Kinh tế (Sở Xây dựng Hà Nội) khẳng định, Hà Nội đang chuyển mạnh từ cơ chế “đặt hàng” sang đấu thầu để thực hiện đúng theo Nghị định 130/2013. 

Tuy nhiên, đến nay Sở Tài chính vẫn chưa hoàn tất dự thảo văn bản hướng dẫn để thực hiện theo Nghị định 130 dẫn đến thực hiện hết sức khó khăn. Ngay trong năm 2014, sẽ có hơn 10 gói thầu được triển khai. Tất cả các hợp đồng đặt hàng hết hạn và các công việc mới phát sinh chưa giao sẽ chuyển sang đấu thầu.

Sở Xây dựng cũng cho hay, nhằm ngăn chặn những khe hở trong quản lý, liên ngành (Sở Tài chính, Xây dựng, LĐ - TB&XH) vừa trình UBND thành phố về đơn giá định mức mới. Theo đó đơn giá, định mức đối với hàng chục dịch vụ công ích đã buộc phải điều chỉnh theo hướng cắt giảm chi phí, công lao động. 

Điển hình như đối với duy trì vệ sinh đường phố ban ngày bằng thủ công định mức cũ khi làm sạch 10.000 m2 phải cần thợ bậc 4/7 và 2 công lao động, nay hạ xuống chỉ cần thợ bậc 3,5/7 và 1,5 công lao động với địa bàn quận và chỉ cần 1 công lao động với địa bàn huyện. 

Quét thu gom rác đường phố bằng thủ công định mức cũ cần thợ bậc 4/7 và 2,5 ngày công thì điều chỉnh hạ xuống còn 2 ngày công với địa bàn quận và 1 ngày công địa bàn huyện. Với hàng chục lĩnh vực công việc khác như duy trì, sửa chữa hệ thống thoát nước đô thị; hệ thống chiếu sáng đô thị, công viên, cây xanh… cũng đều phải điều chỉnh định mức đơn giá theo hướng giảm mạnh.

Giải thích về chênh lệch quá lớn giá dịch vụ giữa các trạm xử lý nước thải, ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị cho rằng, các nhà máy xử lý nước thải vận hành theo các quy trình và công nghệ khác nhau nên đã có khác biệt về chi phí. 

Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng qua thực tế xử lý nước thải cho thấy phải hết sức cân nhắc khi lựa chọn công nghệ, thiết bị, tránh tình trạng lúc đầu tưởng rẻ nhưng sau lại hóa đắt!

 Mỗi năm Hà Nội chi ngân sách lên tới 4.000 tỷ đồng để duy trì vệ sinh môi trường, thu gom xử lý rác thải, nước thải, duy trì công viên, cây xanh. Trong đó 2.000 tỷ đồng thuộc ngân sách thành phố, phần còn lại do ngân sách quận, huyện chi theo phân cấp.