29, 30 điểm vẫn trượt nguyện vọng 1: Điểm ưu tiên cần được điều chỉnh

TPO - Năm nay, nhiều trường lấy điểm chuẩn cao kỷ lục tới 30,5 điểm. Đâu là nguyên nhân của hiện tượng này và có điều gì bất thường?

Sau khi nhiều trường đại học công bố điểm chuẩn đại học 2017, trong đó, có những trường có điểm chuẩn cao hơn 2 - 3 điểm so với năm ngoái đã xuất hiện hiện tượng, các trường đại học khối Y Dược, điểm trúng tuyển cao chót vót, có ngành cao nhất từ trước đến nay. Đặc biệt, điểm chuẩn trong ngành công an, quân đội lấy cao kỉ lục: 30- 30,5 điểm. 

Nhiều thí sinh đã phản ánh về việc đạt 29,25 điểm vẫn trượt nguyện vọng một trường Y vì thua tiêu chí phụ và điểm làm tròn, điểm cộng ưu tiên khu vực. Vậy việc cộng điểm ưu tiên khu vực đã đến lúc cần điều chỉnh?

Thí sinh tức tưởi, nhà tuyển sinh nói cần chấp nhận rủi ro

PGS Bùi Quốc Triệu, Trưởng phòng Đào tạo chất lượng, ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng, chắc chắn hiện tượng cá biệt không bao giờ tránh khỏi trong tổng thể rất lớn tới hàng trăm ngàn thí sinh thì không loại trừ được hết những trường hợp này.

Ông Triệu khẳng định, năm nay các em đạt trên 29 điểm khó có thể trượt đại học, nếu trượt là do các em quá tự tin, chỉ ghi 1-2 nguyện vọng, hoặc không thích ngành khác thì rơi vào trường hợp đó thôi. Còn khi tư vấn tuyển sinh, rõ ràng các trường có khuyên các em nên đặt nguyện vọng theo bậc: 1,2,3 tương ứng mức độ cao, trung bình và thấp.

Trao đổi về vấn đề thí sinh điểm cao vẫn trượt, PGS Trần Văn Tớp, phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho rằng, với cách xét tuyển năm nay thí sinh điểm cao không thể trượt được đại học, trừ trường hợp nếu như các em chỉ “bỏ trứng vào một giỏ”.

“Em chỉ được 29,15 điểm mà nhưng không biết hàng mấy nghìn người khác cao hơn em cùng đăng ký vào khoa này thì bị trượt thôi “- PGS Tớp nói.

PGS Tớp nhận định khi các em xét tuyển, nếu các em không đánh giá được năng lực của mình, không vượt qua được người khác thì phải chấp nhận trượt.

PGS Bùi Quốc Triệu
Thi trắc nghiệm, điểm cao hơn?

 PGS Bùi Quốc Triệu cho rằng, điểm chuẩn năm nay của các trường cao vượt bậc chủ yếu thay đổi hình thức thi sang trắc nghiệm. “Kinh nghiệm của ĐH Kinh tế quốc dân trong mấy chục năm đã làm thi trắc nghiệm, thường thi trắc nghiệm cao hơn”- PGS Triệu cho hay.

Với điểm cao hơn các em có tâm lí đăng ký nguyện vọng cao hơn, ngành hot dẫn đến những trường top trên có điểm chuẩn tăng.

“Với sự tập trung lớn thí sinh điểm cao như vậy cộng với một số trường lượng chỉ tiêu xét tuyển ít như Y, quân đội, công an làm cho tất yếu dẫn đến việc thí sinh 30 điểm vẫn trượt  đại học. Với trường tôi, lượng tuyển sinh lớn ít bị ảnh hưởng bởi điểm quá cao như vậy”- PGS Triệu cho hay.

Bộ GD&ĐT: Điểm chuẩn cao kỉ lục là điều dễ hiểu

Trước băn khoăn của dư luận về việc thí sinh 29, 30 điểm trượt đại học mình đăng ký, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Đại học, Bộ GD&ĐT lý giải, chỉ có một số ngành thuộc các trường khối Công an, Quân đội và Ngành Y đa khoa của một số trường ĐH danh tiếng có điểm chuẩn từ 29 điểm trở lên.

Điểm trúng tuyển cao ở một số ít ngành đào tạo có nguyên nhân chính là do phương thức xét tuyển ĐH năm nay đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh được lựa chọn ngành học mà các em yêu thích chứ không phải lựa chọn trường ĐH để có thể đỗ ĐH. 

Cụ thể, với qui chế tuyển sinh năm 2017 qui định việc xét bình đẳng giữa các nguyện vọng và mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất thì việc các thí sinh đổ dồn vào cách ngành có tính cạnh tranh cao nhất là điều hết sức dễ hiểu.

Cũng theo Bà Phụng, các trường khối Công an, Quân đội thu hút nhiều thí sinh điểm cao trong các năm trước (cả trình độ ĐH và CĐ) thì năm nay giảm rất nhiều chỉ tiêu nên điểm trúng tuyển của hầu hết các trường thuộc khối này đều tăng cao hơn năm trước. 

Cụ thể: Năm nay, các trường Công an, Quân đội giảm toàn bộ chỉ tiêu trình độ cao đẳng; đối với trình độ đại học thì giảm hơn 54% chỉ tiêu ở khối Công an và giảm hơn 32% chỉ tiêu ở khối Quân đội. 

“Ngoài ra, việc nhiều trường công bố điểm trúng tuyển bao gồm cả điểm ưu tiên và nhiều trường/ngành có phân biệt điểm môn chính nhân hệ số, xét tuyển theo thang điểm 40 nên nhìn vào hình thức, tạo ra cảm giác điểm trúng tuyển rất cao nhưng đó không phải là điểm thực của tổ hợp ba môn thi; do có một môn được tính điểm hai lần trong điểm tổ hợp xét tuyển hoặc đã bao gồm điểm ưu tiên”- bà Phụng cho hay.

Cộng điểm ưu tiên cần được điều chỉnh?

Chính sách ưu tiên khu vực và vùng miền đã thực hiện trong nhiều năm và có nhiều điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế . Dù không đồng tình bỏ hẳn nhưng cần cân nhắc, sửa đổi để không quá bất hợp lý. Có những thí sinh được ưu tiên tới 3-3,5 điểm là cao”- PGS Tớp nhấn mạnh.

Trước đây, điểm chuẩn chỉ khoảng 24, 25 thì cộng 1-2 điểm ưu tiên cũng bình thường, nhưng năm nay, nhiều thí sinh có phổ điểm khoảng 28, 29; được cộng một điểm thôi cũng khác xa nhau rồi.

Rất nhiều học sinh tâm sự, đạt 29,15 điểm, học thật, không có điểm ưu tiên cuối cùng lại trượt. Còn những bạn đạt 25,75 điểm, thêm 3,5 điểm ưu tiên là thành 29,25 điểm, lại đỗ.