12 năm quản lý cạnh tranh, điều tra được... 8 vụ

TPO - Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, sau 12 năm thực hiện Luật cạnh tranh, cơ quan quản lý cạnh tranh đã tiến hành điều tra chính thức 8 vụ, xử lý thông qua hình thức xử phạt và hình thức khác với số tiền 5,5 tỷ đồng.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga

Ngày 14/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Cạnh tranh sửa đổi. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, qua tổng kết cho thấy, hạn chế trong mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới những bất cập trong thực thi pháp luật về cạnh tranh.

Việt Nam hiện có 2 cơ quan thực thi Luật Cạnh tranh, đó là: Cục Quản lý cạnh tranh trực thuộc Bộ Công Thương và Hội đồng Cạnh tranh. Một trong những chức năng, nhiệm vụ của Cục Quản lý cạnh tranh là thụ lý, tổ chức điều tra các vụ việc liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh để Hội đồng Cạnh tranh xử lý theo quy định của pháp luật. Hội đồng Cạnh tranh được thành lập và hoạt động theo cơ chế kiêm nhiệm, liên ngành.

Ông Thanh cho rằng, để bảo đảm hiệu quả thực thi pháp luật về cạnh tranh phải xây dựng cơ quan quản lý cạnh tranh chuyên nghiệp, độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ, có đủ năng lực và thẩm quyền trong việc xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật.

Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng tán thành việc tách các quy định về lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền thành chương riêng do đây là nhóm quy định về hành vi riêng biệt, là một trong những trụ cột của Luật Cạnh tranh.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, cơ chế xử lý cạnh tranh liên quan nhiều đến phòng chống tham nhũng, tính minh bạch và độc lập kiểm soát thị trường.

Bà Nga dẫn dụ việc cạnh tranh kinh doanh xăng dầu. Theo bà Nga, trước đây có 12 doanh nghiệp đầu mối, nhưng chỉ 2 doanh nghiệp đã chiếm 90% thị phần. Nhiều dấu hiệu cho thấy đây là nhóm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường, trong khi luật cấm thông giá.

“Lúc đó có đầy đủ căn cứ để điều tra về thống lĩnh thị trường. Tuy nhiên, hạn chế là cơ quan chủ quản của Petrolimex thuộc Bộ Công Thương. Do đó cần phải xây dựng cơ quan quản lý cạnh tranh độc lập với bộ chủ quản”, bà Nga đề nghị.

Không chỉ xăng dầu, mà còn các mặt hàng khác như điện cũng thuộc Bộ Công Thương. Bà Nga đặt câu hỏi: Với cơ chế như vậy có giải quyết được bất cập trong cạnh tranh thời gian qua không? Cơ chế này có tránh được sân sau, lợi ích nhóm hay không?

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, qua kinh nghiệm thực tiễn và ở các nước, dù cơ quan quản lý cạnh tranh nằm trong nhánh nào thì cũng phải có vị trí pháp lý, khung chính sách để đảm bảo khách quan, công bằng trong điều hành, cũng như thực hiện chức năng quả lý về cạnh tranh.

Về quản lý xăng dầu, Bộ trưởng Tuấn Anh cho biết, việc tập trung các doanh nghiệp đầu mối, chiếm thị phần có thể nói là chi phối thị trường. Đây cũng chính là hành vi chịu sự điều chỉnh của luật này.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, sau 12 năm thực hiện quản lý cạnh tranh đã tiến hành điều tra chính thức 8 vụ, xử lý thông qua hình thức xử phạt và hình thức khác với số tiền 5,5 tỷ đồng.

Về con số này, đại biểu Lê Thị Nga tỏ ra không hài lòng, khi nói rằng, luật hiện hành “đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử”, nhưng trong 12 năm lại chỉ xử lý được 8 vụ như vậy.

Trong 8 vụ này, bà đề nghị phải nêu rõ đó là những vụ nào? Vụ việc gây bức xúc vừa qua, như biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp liên quan đến điện, xăng mà dư luận nêu lên, sao không xử lý được?