Tranh thủ sửa ngoài giờ học
Tại xưởng sửa chữa của Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng, tiếng máy chà nhám, ánh lửa lập lòe của máy hàn, mùi sơn xịt phảng phất. Hơn chục bạn sinh viên hì hụi tháo lắp, nghiên cứu cấu trúc xe lăn để “chế” linh kiện… Từ khi mô hình “Xe lăn yêu thương” được triển khai, đây là khung cảnh quen thuộc ở xưởng vào cuối tuần hay ngoài giờ học.
Vừa nhận bàn giao thêm 2 chiếc xe lăn cũ, Lê Văn Dương (sinh viên khoa Cơ khí) cùng nhóm tình nguyện viên nhanh chóng “khám bệnh” cho chiếc xe. “Phần lốp này chắc là hỏng hẳn rồi, phải thay mới. Khung sắt cần gia cố thêm, phần ghế ngồi đã cũ rách sẽ được may mới”, Dương nói.
Thảo luận xong, các sinh viên xắn tay ngay vào công việc. Nhóm khoa Cơ khí phụ trách tân trang, sửa chữa lại phần khung xe. Nhóm khoa May đo đạc để may lại phần ghế ngồi bằng vải. Gặp bất kỳ khó khăn hay vướng mắc nào về kỹ thuật trong quá trình sửa chữa, giáo viên của các khoa cũng nhiệt tình tư vấn, hướng dẫn, cùng sinh viên gỡ khó.
“Các công việc về cơ khí chúng em đều đã được học và thực hành nên không gặp nhiều khó khăn. Đối với những chiếc xe lăn chưa hư hỏng nặng, chỉ cần vài tiếng đồng hồ có thể hoàn thiện. Còn với những chiếc đã cũ, cần thay mới nhiều chi tiết sẽ mất thời gian hơn, khoảng vài ngày, có khi cả tuần”, Dương chia sẻ.
Các khoa chưa kết thúc năm học nên sinh viên tình nguyện tham gia sửa chữa xe lăn thường tranh thủ cuối tuần, buổi trưa hoặc chiều tối. Anh Nguyễn Anh Vũ, Bí thư Đoàn Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng, cho biết mô hình “Xe lăn yêu thương” được triển khai gần 2 tháng nay và được lan tỏa trong cộng đồng người khuyết tật trên địa bàn.
Mô hình “Xe lăn yêu thương” vừa giành giải Nhất Cuộc thi Chung kết Cuộc thi Sản phẩm tái chế với chủ đề “Hành trình trở lại” trong khuôn khổ Ngày hội Bảo vệ môi trường của Học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp năm 2022 do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức.
“Các trường hợp có nhu cầu sẽ được hỗ trợ sửa chữa xe lăn miễn phí. Đối với các xe cũ, hỏng được các cá nhân, tổ chức gửi đến, chúng tôi sẽ tân trang, sửa chữa và bàn giao cho Hội Người khuyết tật để tặng lại cho những người khó khăn hơn”, anh Vũ nói.
Bài học sẻ chia
Bị khuyết tật chân, gần đây còn bị bỏng nặng, chị Ngô Thị Thu Hồng (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) di chuyển khó khăn hơn khi chiếc xe lăn bị hỏng. Đang lo lắng vì chưa tìm được chỗ sửa, chị Hồng may mắn biết đến xưởng sửa xe lăn đặc biệt của Đoàn Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng.
“Tôi rất vui vì chiếc xe được tút tát lại mới. Mô hình này thực sự rất hữu ích đối với người khuyết tật vì nhu cầu sửa chữa, tân trang lại xe lăn cũ rất lớn mà nơi sửa chữa thì không có”, chị Hồng nói.
Ý tưởng về mô hình “Xe lăn yêu thương” được thầy Hồ Viết Hà (Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng) ấp ủ từ lâu, xuất phát từ những khó khăn của người khuyết tật khi tìm kiếm nơi sửa xe lăn trên địa bàn. “Xe lăn là vật bất li thân với người khuyết tật chân, người già. Trước đây, hầu hết nếu xe hư hỏng, họ phải tự sửa chữa hoặc nhờ người thân sửa giúp, nhưng việc này thực sự khó khăn”, thầy Hà nói.
Từ đó, nhà trường giao cho Đoàn Thanh niên lên kế hoạch và thực hiện mô hình “Xe lăn yêu thương” với tinh thần miễn phí. “Không chỉ rèn tay nghề, dùng những kiến thức đã học để hỗ trợ cộng đồng, qua mô hình này, các em sinh viên sẽ được học về lòng nhân ái, sẻ chia, sẵn sàng giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn”, thầy Hà nói.
Theo anh Nguyễn Anh Vũ, linh kiện cho xe lăn, nhất là các loại xe mới sau này rất khó kiếm trên thị trường. Các em phải mày mò “chế” lại từ những vật liệu, linh kiện có sẵn trong xưởng. Có trường hợp khuyết tật cả tay, chân, dùng xe lăn khó khăn, các em sáng chế thêm bộ điều khiển và chế thành xe tự động để họ dễ sử dụng hơn.
“Không chỉ triển khai xuyên suốt trong Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm nay, mô hình này sẽ tiếp tục được Đoàn trường duy trì để hỗ trợ thêm nhiều người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn và các tỉnh lân cận”, anh Vũ nói thêm.