Xử lý cặn dầu thải: Chi phí lên tới 50 triệu/m3?

TPO - Đối với cặn dầu, nhiều Cty chuyên xử lý môi trường cho biết, thường rất ít đơn vị nhận xử lý cặn dầu bởi cặn dầu là loại xử lý rất phức tạp và tốn nhiều chi phí.
Dầu thải làm ô nhiễm suối Trâm - một nguồn nước nhà máy nước sông Đà sử dụng

Liên quan đến vụ việc 3 nghi can vận chuyển dầu thải từ Công ty Cổ phần gốm sứ Thanh Hà (thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) đến huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) đổ gây ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà. Trao đổi với PV Tiền Phong đại diện một Cty môi trường ở Hà Nội được cấp phép xử lý dầu thải cho biết, giá xử lý dầu thải thông thường dao động từ 6.000-7.000 đồng/lít (tương đương 6-7 triệu đồng/m3).

“Còn đối với cặn dầu thì việc xử lý vô cùng phức tạp, thông thường chúng tôi không nhận xử lý những loại cặn dầu như vậy”, đại diện đơn vị nêu. 

Theo một đơn vị xử lý môi trường khác thì cặn dầu là loại đã qua rất nhiều lần lọc để tái sử dụng, đến cặn là không thể chưng cất được nữa. Về xử lý có thể lên đến 50 triệu/m3. Nếu xử lý theo phương án đốt cũng rất hại lò, nên phải kỳ công đốt từng chút một. 

Theo biên bản làm việc ngày 19/10 của đoàn kiểm tra do Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công an chủ trì, tháng 9 Lý Đình Vũ (37 tuổi, quê Bắc Ninh) liên hệ với bà Nguyễn Huyền Trang (trợ lý giám đốc) để tiếp nhận dầu thải của Công ty gốm sứ Thanh Hà (thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) về tái chế.

Bà Trang và Vũ thống nhất số tiền thu gom, vận chuyển, xử lý dầu thải là 1.000 đồng/lít. Sáng 7/10, Vũ liên lạc với bà Trang đến lấy dầu, do bà Trang đi vắng nên giao cho Trần Đình Trung (Phòng Vật tư) xuất dầu thải cho Vũ.

Sau đó, Vũ cùng Nguyễn Chương Đại (25 tuổi, quê Bắc Ninh) và Hoàng Văn Thám (33 tuổi, quê Lạng Sơn) hút dầu thải lên 4 téc có sẵn trên ôtô biển Bắc Ninh. Đến 13h ngày 7/10, quá trình hút dầu hoàn tất, ôtô đi qua trạm cân của công ty, đo được trọng lượng dầu thải là 8.830 kg (khoảng 10 m3).

Cơ quan công an xác định, sau khi xuất dầu, bà Trang chưa kịp hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Vũ vì không liên lạc được.

Đoàn kiểm tra kết luận, Công ty gốm sứ Thanh Hà quản lý chất thải nguy hại không đúng quy định, có kho chứa nhưng lại bảo quản dầu thải ở kho vật tư; chuyển giao chất thải nguy hại cho đối tượng không có chức năng xử lý. Tại thời điểm lập biên bản, ông Trần Trung Thành, Phó giám đốc Công ty đã xác nhận những sai phạm trên.