Xoay xở trong 16m2 nhà ở công nhân

TP - Là “món quà” mà thành phố dành cho công nhân, người lao động trên địa bàn để cải thiện đời sống, tuy nhiên, nhiều năm qua, các hộ công nhân tại khu nhà ở công nhân (KCN Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) đang chật vật xoay xở trong những căn phòng 16m2.
Sắp đón đứa giữa từ quê vào để đi học, chị My lo lắng xoay xở để gia đình 5 người có thể sinh hoạt trong không gian 16m2. Ảnh: Giang Thanh

Tính từng mét vuông để sinh hoạt

Khác hẳn các khu chung cư, khu tập thể khác, sáng cuối tuần, khu nhà ở công nhân ở KCN Hòa Cầm (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) vắng vẻ. Những dãy hành lang dài chỉ có vài đứa nhỏ đùa giỡn, còn đa phần công nhân vẫn đang trong ca làm hoặc ngủ vùi sau khi xong ca đêm. Tranh thủ trời còn mát mẻ, chị Nguyễn Thị My (28 tuổi, công nhân Công ty TNHH Fujikura Automotive Việt Nam) bế con trai 3 tuổi dạo dọc hành lang tầng 2 để hít chút khí trời. Mấy hôm nay, cậu con nhỏ bị ốm, chị My xin làm ca đêm để ban ngày ở nhà trông nom con.

Dọn về khu nhà ở công nhân này từ tháng 9/2022, gia đình 4 người xoay xở trong căn phòng khép kín chỉ rộng xấp xỉ 16m2. Khu bếp rộng chưa đến một m2 nằm sát ngay cạnh cửa ra vào, lúc nào cũng ngổn ngang. Chị My cũng cố gắng vun vén, treo thêm vài cái kệ inox đựng gia vị, treo nắp nồi, bỏ chén bát… trên tường. Đối diện với bếp là nhà vệ sinh rộng chừng 2,5m2. Căn phòng cũng được bố trí một ban công rộng chừng nửa mét vuông để làm nơi phơi phóng quần áo.

Còn lại hơn mười mét vuông là không gian sinh hoạt của vợ chồng trẻ và 2 đứa con nhỏ. Để tiết kiệm không gian cho 2 đứa nhỏ chơi đùa, vợ chồng chị My không kê giường nệm gì mà chỉ sắm chiếc chiếu tre, tối đi ngủ thì trải ra, ban ngày cất gọn bỏ trên nóc tủ quần áo. Căn phòng ngoài chiếc tủ quần áo kê sát tường cửa sổ, không có bất kỳ “nội thất” gì khác. “Vợ chồng cũng tính kê cái bàn để ăn cơm, uống nước nhưng chật quá, con nhỏ chạy nhảy lại sợ vấp té nên thôi. Tới bữa, đút cho 2 đứa nhỏ ăn xong thì vợ chồng mỗi người bưng một tô cơm là xong bữa”, chị My cười.

Vợ chồng chị My có 3 đứa con, đứa đầu hơn 5 tuổi mắc chứng tăng động đang theo học lớp can thiệp, đứa giữa 4 tuổi gửi ông bà ở Huế, đứa út gần 3 tuổi mới đi học mẫu giáo. “Sắp tới, tụi em định đón cháu giữa vào đi học mẫu giáo nhưng nhà cửa thế này, vẫn chưa biết tính như thế nào”, chị thở dài nhìn quanh căn phòng nhỏ.

Hàng xóm ở tầng trên của chị My là vợ chồng chị Nguyễn Thị Hòa (31 tuổi, quê Quảng Trị). Là một trong những hộ chuyển về đây từ lúc khu nhà ở này vừa được đưa vào vận hành, vợ chồng chị Hòa đã gắn bó với căn phòng 16m2 này gần 3 năm. Ở góc cửa sổ ngập nắng, chị Hòa kê chiếc bàn nhỏ để cậu con trai 7 tuổi học bài.

Chiếc nệm gấp 1m8 ban ngày sẽ được gấp gọn để ở góc phòng, tối trải ra cả nhà 4 người ngủ. Trước đây, chị Hòa vốn làm ở công ty du lịch, dịch COVID-19 khiến chị thất nghiệp. Sau dịch, vừa sinh con nhỏ, chị cũng chưa kiếm được công việc mới mà chỉ ở nhà giữ con. Cuộc sống của cả gia đình phụ thuộc vào khoản lương chưa đến 10 triệu đồng của người chồng đang là công nhân của một công ty cơ khí trong KCN Hòa Cầm.

“Hồi trước, vợ chồng em thuê trọ ngoài, mỗi tháng cũng hơn 1 triệu chi phí thuê phòng, điện nước. Chuyển vào đây thì bớt được một nửa. Khu này nhà cửa cũng rất kiên cố, mưa bão gì cũng không sợ, an ninh tốt. Tuy nhiên, diện tích phòng nhỏ quá, đa phần ở đây toàn gia đình 4 - 5 người chen lấn trong căn phòng chỉ mười mấy mét vuông, bất tiện đủ đường”, chị Hòa kể.

Căn bếp chưa đến một m2 của gia đình chị Hòa lúc nào cũng ngổn ngang đồ đạc.

Khấp khởi chờ “nới nhà”

Gần đây, nghe thông tin trên báo chí về việc Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Đà Nẵng đang đề xuất mở rộng diện tích căn hộ, chị My, Hòa và gần 70 hộ đang sinh sống ở đây khấp khởi vui. Chị My kể thời gian trước, lúc đăng ký hồ sơ để thuê nhà ở đây, vợ chồng chị cũng mong muốn thuê căn hộ diện tích rộng hơn nhưng không có để bố trí. “Lúc đi xem phòng, tụi em cũng băn khoăn, nhưng điều kiện kinh tế khó khăn quá nên vẫn thuê. Nhiều gia đình khác cũng đến lấy hồ sơ, nhưng lúc xem phòng họ đều lắc đầu vì chật quá. Thời gian qua, tại các cuộc gặp, lấy ý kiến công nhân, các hộ ở đây đều đề đạt nguyện vọng được “nới” diện tích phòng để sinh hoạt đỡ bí bách”, chị cho hay.

Những ngày này, những cuộc trò chuyện của các chị trong chung cư mỗi buổi chiều nhàn rỗi đa phần xoay quanh niềm háo hức trước thông tin các phòng ở có thể mở rộng diện tích. “Dù chi phí cao hơn, nhưng để con cái, vợ chồng thoải mái hơn một chút thì vợ chồng em vẫn cố dè xẻn. Ở đây ai cũng như vợ chồng em vậy thôi. Cứ nghĩ vài năm nữa, cả 2 đứa đều đi học, có thêm chỗ để kê thêm cho bé cái bàn học, kê thêm giường cho con đỡ phải lăn lóc dưới đất, em mừng lắm”, chị Hòa chắc nịch.

Theo ông Trần Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, LĐLĐ TP đã có văn bản đề nghị cải tạo 2 toà chung cư của khu này theo hướng đập thông 2 phòng để tăng gấp đôi diện tích (từ 16m2 lên 32m2) và lắp đặt hệ thống thang máy với tổng kinh phí là 15,8 tỷ đồng.

Ông Phạm Văn Thành (quản lý khu nhà ở công nhân), cho biết, trong 3 toà nhà khu nhà ở công nhân này thì chỉ mới có một toà được vận hành và bố trí cho công nhân, người lao động. Đa phần các hộ đều là vợ chồng trẻ, có con nhỏ. Cả toà nhà có khoảng 70 hộ sinh sống (vẫn chưa kín phòng) với 100 trẻ nhỏ. Diện tích 16m2 đối với các hộ gia đình có 2 - 3 con nhỏ thì rất chật chội, bất tiện. “Mong mỏi chung của anh em công nhân đó là có phương án để mở rộng diện tích phòng phù hợp hơn cho các hộ gia đình, để công nhân được hưởng những chính sách ưu đãi của thành phố, thực sự cải thiện được đời sống”, ông Thành nói.

Khu nhà ở công nhân ở KCN Hòa Cầm là món quà đặc biệt của Thành ủy Đà Nẵng dành cho LĐLĐ TP Đà Nẵng và công nhân, người lao động thuê với giá rẻ. Khu nhà này được đầu tư 70 tỷ đồng với tổng diện tích gần 28 nghìn mét vuông, đưa vào sử dụng từ tháng 10/2020.

Giai đoạn 1 của dự án gồm 278 phòng ở đơn và 7 phòng ở đôi với kì vọng giải quyết chỗ ở cho khoảng 600 công nhân. Diện tích các phòng dao động từ 15,75 m2 đến 46,03 m2 với mức giá cho thuê bình quân 18.500 đồng/m2 (đã bao gồm chi phí quản lý, vận hành). LĐLĐ TP Đà Nẵng đã kiến nghị đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện thuê nhà nhằm hỗ trợ công nhân, người lao động ở địa bàn Cẩm Lệ, Hòa Vang có thể tiếp cận chính sách ưu đãi này của thành phố. Tuy nhiên, diện tích phòng ở quá nhỏ khiến công nhân dè dặt khi nộp hồ sơ.