TPHCM tìm cách gỡ vướng 18 dự án nhà ở xã hội, lưu trú công nhân

0:00 / 0:00
0:00
TPO - TPHCM đang tìm cách đẩy nhanh tiến độ tại các dự án Khu nhà ở Nguyên Sơn, Khu nhà ở Công ty E Xim, nhà ở xã hội xã Long Thới, nhà ở xã hội Lê Thành, chung cư cũ 251 Hoàng Văn Thụ, chung cư cũ 239 Cách Mạng Tháng Tám, nhà lưu trú công nhân Khu công nghiệp Linh Trung II, nhà lưu trú công nhân Khu chế xuất Tân Thuận…

Ngày 22/10, Sở Xây dựng TPHCM cho biết, đã có văn bản báo cáo tiến độ thực hiện 18 dự án nhà ở xã hội, xây mới chung cư cũ, nhà lưu trú công nhân mà UBND TPHCM yêu cầu tập trung thực hiện trong năm 2022.

Qua rà soát, 18 dự án vướng mắc đang được giải quyết các thủ tục đầu tư xây dựng và thuộc trách nhiệm giải quyết của các đơn vị.

Cụ thể, dự án chung cư lô số cư xá Thanh Đa (quận Bình Thạnh) vướng mắc về việc xác định hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ và việc áp dụng quy định pháp luật nhà ở hay đất đai để thực hiện công tác di dời, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Vướng mắc này thuộc Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên Môi trường giải quyết.

TPHCM tìm cách gỡ vướng 18 dự án nhà ở xã hội, lưu trú công nhân ảnh 1

Khu dân cư Tân Thuận Tây quận 7 chưa nộp lại hồ sơ để thẩm định thiết kế cơ sở tại Bộ Xây dựng.

Hiện tại, Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM đang làm thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh thời gian tiến độ thực hiện dự án đối với 6 dự án gồm, Khu nhà ở Nguyên Sơn (huyện Bình Chánh), Khu nhà ở Công ty E Xim ở TP.Thủ Đức, nhà ở xã hội (NƠXH) tại xã Long Thới (huyện Nhà Bè), Khu dân cư tái định cư và nhà ở công nhân chuyên gia phục vụ Khu công nghiệp Đông Nam (huyện Củ Chi), NƠXH Lê Thành (huyện Bình Chánh), NƠXH khu dân cư Long Thới (huyện Nhà Bè).

Sở Xây dựng TPHCM cũng đang thực hiện xác định nghĩa vụ bồi thường của chủ đầu tư đối với phần diện tích nhà đất thuộc sở hữu nhà nước đối với hai dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ 251 Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình) và chung cư 239 Cách Mạng Tháng Tám (quận 3).

Các đơn vị khác là Sở Tài nguyên Môi trường đang thực hiện thủ tục giao đất tại chung cư 350 Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), rà soát điều chỉnh cơ cấu sử dụng đất dự án NƠXH dành cho công nhân Khu công nghiệp Tân Bình. Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM (Hepza) đang thực hiện thủ tục thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án nhà lưu trú công nhân Khu công nghiệp Linh Trung II và nhà lưu trú công nhân Khu chế xuất Tân Thuận.

UBND quận 1 này cũng đang xem xét phê duyệt phương án bồi thường bổ sung đối với dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư 23 Lý Tự Trọng. Riêng khu dân cư tại phường Long Trường (TP.Thủ Đức) chưa trình hồ sơ thẩm định giá bán, giá cho thuê mua NƠXH; Khu dân cư Tân Thuận Tây (quận 7) chưa nộp lại hồ sơ để thẩm định thiết kế cơ sở tại Bộ Xây dựng.

TPHCM tìm cách gỡ vướng 18 dự án nhà ở xã hội, lưu trú công nhân ảnh 2

18 dự án nhà ở xã hội, xây mới chung cư cũ, nhà lưu trú công nhân ở TPHCM đang bị vướng.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, Sở Xây dựng kiến nghị Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi giao Văn phòng UBND TPHCM có văn bản đôn đốc Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên Môi trường sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện đối với dự án chung cư lô số cư xá Thanh Đa.

Đồng thời, giao Sở Kế hoạch Đầu tư khẩn trương báo cáo về tiến độ thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đối với sáu dự án thuộc trách nhiệm sở này giải quyết. Sở Tài nguyên Môi trường khẩn trương báo cáo tiến độ thực hiện thủ tục giao đất tại chung cư 350 Hoàng Văn Thụ, rà soát điều chỉnh cơ cấu sử dụng đất đối với dự án NƠXH dành cho công nhân Khu công nghiệp Tân Bình.

Hơn 100 dự án đang bị tắc

Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa có báo cáo đánh giá thị trường bất động sản 9 tháng đầu năm 2022 và kiến nghị một số giải pháp để thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

HoREA đánh giá, thị trường bất động sản 9 tháng đầu năm 2022 đã có dấu hiệu dần phục hồi, trong đó điểm sáng là thị trường bất động sản công nghiệp và thị trường bất động sản logistics. Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì thị trường bất động sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do nhiều nguyên nhân.

Trong đó có nguyên nhân bắt nguồn từ một số vướng mắc về thể chế pháp luật và khâu thực thi pháp luật, thể hiện qua hơn 100 dự án bất động sản, nhà ở thương mại của hơn 80 doanh nghiệp dừng triển khai thực hiện, trong đó có 64 dự án sử dụng đất có nguồn gốc đất công hoặc do cổ phần hóa trước đây.

Do đó, HoREA kiến nghị tháo gỡ nhiều vấn đề từ nguồn vốn cho đến thủ tục pháp lý để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án. Cụ thể, kiến nghị tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương sớm xem xét có kết luận dứt điểm các dự án sử dụng quỹ đất có nguồn gốc đất công, hoặc do cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hoặc do di dời cơ sở sản xuất ô nhiễm đã bị dừng triển khai từ năm 2017 đến nay do phải thực hiện công tác rà soát pháp lý, trong đó TPHCM có 64 dự án, để tăng nguồn cung nhà ở.

TPHCM tìm cách gỡ vướng 18 dự án nhà ở xã hội, lưu trú công nhân ảnh 3

Hơn 100 dự án bất động sản, nhà ở thương mại của hơn 80 doanh nghiệp dừng triển khai thực hiện do gặp rắc rối về pháp lý.

Hiệp hội Bất động sản TPHCM cũng đề nghị UBND TPHCM chủ trì cuộc họp để thống nhất thực hiện “Trình tự thủ tục thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và dự án đầu tư xây dựng lại nhà chung cư cấp D trên địa bàn TPHCM” và tiếp tục chỉ đạo xem xét giải quyết hơn 100 dự án bị vướng mắc của các doanh nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh công tác cấp giấy chứng nhận (sổ hồng) cho người mua nhà trong dự án nhà ở thương mại.

Được biết, UBND TPHCM đã có hơn 5 văn bản chỉ đạo các Sở, ngành phối hợp xem xét giải quyết hơn 100 dự án bị vướng mắc của các doanh nghiệp, nhưng kết quả giải quyết vẫn còn chậm.

HoREA cũng đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường nỗ lực thực hiện cấp sổ hồng. Sở Tài nguyên Môi trường cho biết, đầu năm 2022, TPHCM có khoảng hơn 60.000 căn nhà trong các dự án nhà ở thương mại chưa được cấp sổ hồng. Trong 9 tháng đầu năm 2022, Sở Tài nguyên Môi trường đã thực hiện cấp được 19.052 sổ hồng cho người mua nhà trong dự án nhà ở thương mại.

MỚI - NÓNG