Xin đất chùa để an táng ngư dân vụ nổ gas trên tàu

Không có nơi chôn cất con cháu, nhiều gia đình nghèo ở làng biển Mỏ Ó (Sóc Trăng) đã được một ngôi chùa cho đất để an táng những ngư dân trong vụ nổ bình gas trên tàu cá.
Người thân và láng giềng đến thắp hương tiễn đưa ngư dân Trần Văn Minh vào sáng 20/9. Ảnh: Việt Tường/Zing

Sáng 20/9, hàng trăm người dân quê biển Mỏ Ó của xã Trung Bình (huyện Trần Đề, Sóc Trăng) đã đến khu tái định cư gần cầu Mỹ Thanh để chia buồn với các gia đình có người thân bị nạn trong vụ nổ bình gas trên tàu cá gần Côn Đảo.

Dọc theo hai con đường chính vào khu dân cư nghèo, 7 chiếc quan tài của ngư dân xấu số được đặt trước sân hoặc trong những căn nhà chung vách. Thi thể họ được người thân đưa từ Vũng Tàu về đến nhà lúc gần 3h cùng ngày.

Nét mặt còn thất thần, ngư dân trở về từ cõi chết là ông Trần Văn Khoa ngồi im trước nhà và rưng rưng nước mắt khi nhìn quan tài con trai Trần Minh Đương. 8h, nạn nhân 19 tuổi này được đưa đến ấp Sóc Lèo của xã Lịch Hội Thượng gần đó để an táng. 

Cũng tại ấp này, em trai ông Khoa là Trần Văn Lượng đang được gia đình tổ chức đám tang.

"Con với em trai tôi đã chết, giờ đây tôi không muốn nói thêm điều gì nữa. Bên kia cầu Mỹ Thanh thuộc thị xã Vĩnh Châu, con trai của gia đình sui gia với tôi cũng có người bị nạn là cháu Lâm Mừng Hoánh. Mất mát quá lớn…”, ông Khoa thở dài.

Khi con ông Khoa được đưa đi an táng cũng là lúc gia đình Trần Văn Minh (17 tuổi) và Lương Tấn Tài (22 tuổi) làm lễ động quan cho hai thanh niên này. Cùng cảnh nghèo, không có chỗ chôn cất cho con nên cha, mẹ của hai ngư dân đã xin đất của một ngôi chùa gần nhà để an táng Tài, Minh.

"Hơn nửa năm trước cha của Minh qua đời, nó lên Sài Gòn làm công nhân một thời gian rồi về vì lương không đủ sống. Đây là chuyến đi biển thứ hai của cháu ngoại tôi. Trước lúc bị nạn, Minh còn điện thoại cho mẹ nó và nói sẽ mang ít tiền về, vậy mà nó đi mãi", ông Bùi Văn Ba nói.

Phía sau nhà 4 ngư dân Quách Văn Tọt, Trần Minh Đương, Trần Văn Minh và Lương Tấn Tài là dãy nhà của các nạn nhân Lương Văn Thủy, Lương Thanh Phong (con ông Thủy), Huỳnh Văn Đây và Lê Văn Kha. Trong sáng nay, gia đình ông Đây cũng được chùa gần xã Lịch Hội Thượng cho đất an táng ngư dân 51 tuổi.

"Cha tôi còn mất tích, anh Hai Phong thì ngày mai mới an táng. Em Tài cũng chôn cất vào ngày mai trong khuôn viên chùa gần nhà", con gái nạn nhân Lương Văn Thủy cho biết.


Ông Trần Văn Khoa vẫn còn ám ảnh về chuyến đi biển mà ngư dân này mất đi nhiều người thân và láng giềng. Ảnh: Việt Tường/Zing
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Thành Trung, Chủ tịch UBND huyện Trần Đề cho biết, chính quyền địa phương và lực lượng biên phòng đã đến từng nhà các nạn nhân để thăm hỏi, động viên người thân của họ. Mỗi gia đình có người thiệt mạng đã được hỗ trợ 8 triệu đồng. Hai gia đình có người mất tích đang chờ kết quả cuối cùng từ cơ quan chức năng để huyện hỗ trợ tiếp nếu không may họ thiệt mạng.

Trước đó, rạng sáng 16/9, bình gas trên tàu cá của bà Phạm Thị Ngọc (40 tuổi, ngụ TP Vũng Tàu) phát nổ khi phương tiện khai thác thủy sản này cách Côn Đảo 25 hải lý về phía Đông Bắc và cách TP Vũng Tàu 74 hải lý về phía Nam Tây Nam. Thời điểm tàu gặp nạn có 18 thuyền viên.

Trong 11 thi thể được tìm thấy có 9 người quê Sóc Trăng. Ông Khoa với hàng xóm Nguyễn Văn Diện (20 tuổi) và anh Hoàng Văn Đoàn (29 tuổi, quê Ninh Bình) may mắn sống sót. Trong 4 người mất tích, có 2 ngư dân cùng ấp Mỏ Ó là ông Thủy và ông Lâm Thanh Nhiển.

Theo Theo Zing