Vững vàng nơi đầu sóng, Bài 1: 300 giờ ăn ngủ trên sóng

TP - Sau hơn chục ngày lênh đênh trên biển, giữa sóng to gió lớn cấp 5 - 6, chuyến tàu KN261 xuất phát từ căn cứ Long Sơn hoàn thành hành trình chở các nhà báo đến thăm, mang hàng Tết đến với cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK, tàu trực làm nhiệm vụ trên biển dịp Tết Canh Tý 2020.   
Mang hàng Tết ra Nhà giàn DK1. Ảnh: Trường Phong

Tàu KN261 chao đảo trước những cơn sóng lớn. Từng đợt sóng ập vào mạn tàu tung bọt trắng xóa. Phía sau lái, hơn chục cán bộ, chiến sĩ, dưới sự chỉ huy của thiếu tá Hoàng Thanh Hợp căng sức chằng, buộc, tính toán phương án đưa hàng lên nhà giàn. 

Lên nhà giàn bằng thang dây

Trước chuyến đi thăm, tặng quà Tết Nhà giàn DK1 năm 2020, nhiều đồng nghiệp, kể cả những cán bộ, chiến sĩ từng “lăn lộn” trên biển đều cảnh báo “sóng gió to lắm đấy, đừng để ăn xong rồi nuôi cá biển nhé”. Lời cảnh báo ngay lập tức thành sự thật, khi chuyến đi bị lùi hai ngày so với lịch dự kiến ban đầu vì ảnh hưởng của bão.

Trước khi tàu rời bến, lãnh đạo đoàn công tác cũng bảo, chuyến này có lẽ là sóng to, gió lớn, cấp 5 - 6. Tàu KN261 cũng không phải diện to và đè sóng tốt. Theo lý giải của anh em cán bộ, chiến sĩ, để tiếp cận được Nhà giàn DK1 một cách nhanh nhất, dạng tàu cỡ trung bình như KN261 là phù hợp nhất vì cơ động hơn.

Dù đã đi thăm Trường Sa vài lần, nhưng quả thực, những con sóng trên vùng biển DK1 là ký ức hãi hùng với chúng tôi. Tàu lắc lư suốt đêm ngày, tàu cứ trồi lên rồi ngụp xuống. Sau hơn một ngày lênh đênh trên biển, chúng tôi đến vùng biển DK1 Phúc Tần. Sóng ngày một lớn.

Sáng 31/12/2019, Đoàn công tác làm lễ tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ hy sinh trên vùng biển, thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. Trên boong, ngay cả thủ trưởng đoàn công tác, các cán bộ, chiến sĩ từng nhiều năm đi biển cũng phải ngả nghiêng trước những cơn sóng lớn. Dù có ánh mặt trời, biển vẫn hiện lên màu xám xịt. Từng đợt sóng cao 3 - 5 mét đánh vào thành tàu.

Những đợt sóng cao 3 – 5 mét bủa vây các Nhà giàn DK1 dịp cuối năm. Ảnh: Trường Phong

Sóng càng ngày càng to, tàu KN261 như chiếc lá tre giữa biển lớn. Sau khi cố gắng làm nhiệm vụ cấp quà cho Nhà giàn DK1/2, tàu KN261 phải thay đổi kế hoạch cấp quà cho 3 nhà giàn tiếp theo. Thủ trưởng đoàn công tác quyết định, chuyển hàng Tết của các nhà giàn qua cho tàu trực Trường Sa 06 rồi di chuyển về phía các nhà giàn bãi ngầm Ba Kè để tránh sóng.

Tàu Trường Sa 06 choán nước cả nghìn tấn, vậy nhưng trước những đợt sóng lớn vẫn nghiêng ngả đảo điên. Hầu hết cán bộ, chiến sĩ, anh em phóng viên, báo chí trên tàu đều thấm mệt và say sóng. Những bữa cơm trên tàu phải phân công người giữ từng nồi canh, bát nước chấm… Mỗi bữa ăn, có lẽ chỉ diễn ra không quá 10 phút. Nhiều người thậm chí không rời được phòng vì quá mệt.

Một trong những nhiệm vụ của tàu KN261 là việc chuyển “quà” của các đại biểu từ đất liền lên thăm nhà giàn. Nhưng nhiệm vụ này vào dịp cuối năm cực kỳ khó. Hôm tổng kết đoàn, đại tá Đinh Văn Thắng, Phó Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Trưởng đoàn công tác bảo, cứ nghe thấy anh em báo chí đùa “sao diễn tập mãi thế” cũng buồn. Chẳng là, đoàn công tác tiếp cận khá nhiều nhà giàn, nhưng kết quả vẫn là con số 0 tròn trĩnh. Anh em báo chí chuẩn bị năm lần, bảy lượt rồi đều không lên được nhà giàn.

Đầu tiên, ở nhà giàn DK1/9, chiều hôm trước, đoàn đã thử tiếp cận, chằng dây chão vào nhà giàn để thử, nhưng dây chão đứt vì sóng lớn. Tối hôm ấy, ngoài họp phóng viên, lãnh đạo đoàn công tác cũng họp tới… 3 cuộc để thống nhất phương án cho buổi sáng hôm sau. Rồi buổi sáng, sóng lại to hơn nên không thực hiện được.

Khi đến Nhà giàn DK1/7, tàu KN261 đã hạ xuồng, quán triệt, hướng dẫn việc lên xuống với phóng viên. Anh em phóng viên háo hức, nhưng hôm sau cũng “thất bại”. Mãi tới khi về DK1/16, trong một diễn biến bất ngờ, đoàn công tác mới lên được nhà giàn bằng phương án thang dây. “Chúng tôi liên lạc với Bộ Tư lệnh ở nhà suốt. Các đồng chí lãnh đạo nói, phải tìm mọi cách đưa anh em lên nhà giàn để vui Tết với bộ đội, nhưng phải đảm bảo an toàn là số 1”, đại tá Đinh Văn Thắng, Phó Tư lệnh Vùng 2 Hải quân chia sẻ.

Vượt sức thiên nhiên

“Tổng tư lệnh” của những màn tặng quà, “tặng người” trên tàu KN261 là thiếu tá Hoàng Thanh Hợp. Anh Hợp vốn thuộc biên chế tàu KN290, với lượng giãn nước khoảng 2 nghìn tấn. Nhưng đó là khi đi công tác các chuyến ở Trường Sa. Đợt này, anh Hợp được tăng cường làm thuyền phó của tàu KN261, phụ trách hoàn toàn việc vận chuyển hàng quà và “tặng người” lên nhà giàn. Anh Hợp bảo, làm công tác tặng quà Nhà giàn DK1 khó gấp chục lần tặng quà cho các đảo ở Trường Sa.

Ở nhà giàn, bốn bề là sóng gió cấp 5  - 6, thậm chí có thể hơn. Ở Trường Sa sóng gió cũng nhiều, nhưng việc vận chuyển bằng xuồng tiếp cận đảo dễ hơn. Vì vậy, ở DK1, kiểu vận chuyển quà rất riêng và thú vị. Anh Hợp bảo, phải phối hợp nhịp nhàng mới thành công được. Đầu tiên, qua bộ đàm, phía tàu liên lạc với bên nhà giàn thả phao buộc dây thừng xuống biển. Lựa theo dòng chảy và con sóng, tàu cơ động theo hướng đó. Một chiếc móc sắt 3 cạnh được “thửa riêng” để vớt dây thừng lên.

Rồi sau đó, những bao hàng buộc trong túi bảo quản được thắt chặt vào dây thừng. Kiểm tra kỹ càng xong, tất cả được “ném” xuống biển. Phía nhà giàn hò nhau kéo hàng lên. Nói đơn giản vậy, nhưng trong điều kiện sóng to, gió lớn, thực sự công việc vô cùng phức tạp và nguy hiểm. Như anh Hợp, có hôm do bê đồ nặng, bị sóng đánh gây chấn thương nhẹ vùng cột sống. Anh em cũng đều phải trang bị găng tay, nếu không bị lột da là chuyện thường. Có lúc tàu nghiêng mấy chục độ, không cẩn thận mặc áo phao, rơi xuống biển, ảnh hưởng đến cả tính mạng…

Lúc ở Nhà giàn DK1/20, khi những bao hàng cuối cùng được vận chuyển, anh Hợp đến kiểm tra dây buộc cây quất cảnh. Trong số các hàng hóa, cây quất cảnh là thứ khó vận chuyển nhất. Làm sao phải vừa chắc chắn, vừa không được hỏng quả, hỏng lá, vừa không để nước biển tràn vào làm chết cây. Nhưng, vừa ném xuống, do chưa được cố định chặt chẽ, sóng đánh quá mạnh, cây quất bung ra, trôi theo sóng. Anh Hợp và các cán bộ, chiến sĩ lộ rõ vẻ tiếc nuối.

“Vất vả mang theo hàng trăm cây số, đến cuối lại để bị trôi mất. Mình thấy thật tiếc và có lỗi với anh em trên nhà giàn”, anh Hợp nói. Anh Hợp ở chung phòng với chúng tôi. Cứ mỗi lần vận chuyển quà xong là người anh ướt sũng vừa do mồ hôi và nước biển thấm vào quần áo.

Cũng thấu hiểu khó khăn của anh em nhà giàn, mà quà tặng mang theo của phóng viên, gồm chè khô Hà Giang, tông đơ cắt tóc đều được anh Hợp nhận nhiệm vụ phân phát, chia đều cho các nhà giàn. Anh bảo, ở đây, tặng cái gì cho anh em cũng quý... 

Anh Hợp, vốn là dân miền biển Quảng Bình, đến nay, đã kinh qua cả trăm chuyến đi biển. Anh từng được tăng cường trong đợt đẩy đuổi giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng biển Việt Nam. Anh Hợp cũng từng đi tàu trực, đi làm nhiệm vụ dịp giáp Tết. Anh bảo, anh em ở ngoài này thèm người, thèm hơi ấm đất liền, nên với anh em đi thăm dịp này, chỉ cần nhìn thấy nhau đã quý.