“Vua” ở trường tiểu học, chuyện chưa kể bao giờ!

Dư luận phản ánh Hiệu trưởng và Ban giám hiệu ở nhiều trường tiểu học có thói quen quản lý, lãnh đạo đội ngũ cán bộ giáo viên rất độc đoán, thiếu dân chủ.
Dân chủ trong nhiều trường học chỉ mang tính hình thức. (Ảnh minh họa: NOP/Tuoitre.vn)

Vừa qua, VTV1 đưa tin, trong một buổi làm việc với một số Bộ Ngành, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phê bình việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất là ở các trường tiểu học còn nhiều sai sót, bất cập.

Quy chế ban hành đã lâu, mọi điều khoản, quy định rất rõ ràng nhưng việc thực hiện ở nhiều nơi vẫn chưa nghiêm, vẫn còn nhiều sai phạm, thậm chí có nơi còn mất dân chủ nghiêm trọng; người lãnh đạo độc đoán, tự tung tự tác, bất chấp dư luận và luật pháp, không làm hoặc làm trái những quy định của Đảng và Nhà nước.

Dư luận lâu nay đã lên tiếng về những Hiệu trưởng và Ban giám hiệu ở nhiều trường tiểu học trên nhiều địa phương cả nước có thói quen quản lý và lãnh đạo đội ngũ cán bộ giáo viên rất độc đoán, thiếu dân chủ.

Nhiều người tự cho mình như những “ông vua” trong trường tiểu học, kéo bè kết cánh, nâng đỡ kẻ xu nịnh, thù ghét người ngay thẳng, triệt hạ người dám có ý kiến phản biện bằng rất nhiều chiêu trò ma mãnh, lợi dụng nguyên tắc tập trung dân chủ và các hình thức bỏ phiếu, biểu quyết để chứng tỏ và thực hiện quyền lực sai trái của mình.

Có những Hiệu trưởng công khai nói trong cuộc họp “tôi rất ghét cô này, cô kia” mà chẳng có lý do gì.

Có Hiệu trưởng còn tuyên bố xanh rờn: “Ở trường này tất cả mọi việc là do tôi, tôi quyết thế nào tất cả phải làm thế, không có đúng sai gì hết”.

Không ít Hiệu trưởng đến cuối năm, khi có đoàn thanh tra tài chính, bắt cán bộ giáo viên toàn trường hì hục chuẩn bị, sản xuất ra các văn bản khống, các chứng từ giả để hợp pháp việc chi tiêu sai quy định của mình.

Không ít Hiệu trưởng, đến ngày 20/11 hoặc Tết Nguyên đán, giáo viên nào không đến tặng quà là ngay sau đó gặp nhiều phiền phức, bị ghét bỏ, trù dập.

Không hiếm Hiệu trưởng mua sắm những gì lớn trong trường đều liên kết với người nhà, người thân để khai khống tăng giá cao ngất ngưởng, ăn chia chênh lệch lớn trên mồ hôi công sức của giáo viên.

Không hiếm Hiệu trưởng đe doạ, cấm đoán giáo viên không được tiết lộ những “Bí mật” của nhà trường với cấp trên hoặc đoàn thanh tra.

Càng không hiếm Hiệu trưởng luôn tìm cách lợi dụng những phụ huynh là đại gia giàu có để trục lợi.

Cũng không hiếm Hiệu trưởng chỉ đạo các giáo viên chủ nhiệm đầu năm học thu đủ loại tiền sai quy định.

Và, cũng không ít Hiệu trưởng đã nhẫn tâm bớt xén tiền ăn của học sinh nội trú…

Những sai phạm đó xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau.

Một trong những nguyên nhân đầu tiên là ở quy trình bổ nhiệm cán bộ.

Hiệu trưởng trường tiểu học đều do cấp uỷ và chính quyền địa phương bổ nhiệm, ý kiến của Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ có giá trị tham khảo.

Vì vậy mà không ít con ông cháu cha hoặc người thân, người giỏi chạy chọt mặc dù năng lực và nhân cách có hạn vẫn được giữ trọng trách ở nhà trường.

Nhiều khi, ý kiến của người lãnh đạo cao nhất ở địa phương về nhân sự đã trở thành pháp lệnh trong công tác bổ nhiệm Hiệu trưởng ở trường tiểu học.

Đây là một thực tế đã trở thành “bệnh mãn tính” mà các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực cần phải chấn chỉnh, thay đổi thì mới xây dựng được một hệ thống cán bộ quản lý giáo dục các cấp đủ đức và tài, đủ năng lực và tâm huyết để “đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà”.

Nguyên nhân thứ hai do cơ chế giám sát, kiểm tra, đánh giá kết quả công việc, trình độ, năng lực và nhân cách đội ngũ Hiệu trưởng các trường học chưa nghiêm túc, chưa chặt chẽ và thiếu thường xuyên.

Việc hàng năm cử các đoàn thanh tra về các trường đã cho thấy nhiều bất cập, thường thiếu khách quan và cũng không có đủ thời gian cần thiết để kiểm định, xác minh hàng loạt những vấn đề và tài liệu, chứng từ liên quan đến hoạt động của nhà trường.

Cũng đã xảy ra không ít chuyện phức tạp và nhạy cảm về mối quan hệ giữa nhà trường với các đoàn thanh tra hàng năm.

Vì thế, ở nhiều trường, mọi chuyện tiêu cực, sai phạm vẫn chẳng có gì thay đổi và tiến triển. Năm trước như thế nào, năm sau vẫn thế, thậm chí còn sai phạm nhiều hơn.

Các Hiệu trưởng ngày càng tinh quái hơn trong việc đối phó với các kiểu thanh tra truyền thống.

Kết quả là “đâu vẫn hoàn đấy”, quy chế dân chủ ở cơ sở vẫn không được thực hiện nghiêm túc, Hiệu trưởng vẫn là “ông vua” ở trường học.

Điều này dẫn đến một thực trạng đáng buồn và nguy hiểm hơn là: thủ tiêu tinh thần đấu tranh phê bình và tự phê bình, biến đội ngũ giáo viên trở thành những con người “dĩ hoà vi quý”, “bịt mắt bưng tai”, “ngậm miệng ăn tiền” trước những sai phạm của Hiệu trưởng và Ban giám hiệu.

Ai cũng sợ bị đe doạ, trù dập, thậm chí bị dọa đuổi việc, bị thuyên chuyển công tác và nhiều hệ lụy khác.

Những năm qua báo chí đã lên tiếng về hiện tượng này quá nhiều rồi.

Để hạn chế và xoá bỏ thực trạng ấy, cần rất nhiều giải pháp. Ở đây, “những lão giáo già” chúng tôi xin đưa ra một vài giải pháp nhỏ:

- Hàng năm, phòng giáo dục kết hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương lập phiếu thăm dò, đánh giá, lấy ý kiến phản hồi của đội ngũ giáo viên trong trường về mọi mặt công tác, nhân cách và lối sống của Hiệu trưởng, Hiệu phó.

Phiếu đánh giá phải được xây dựng công phu, khoa học, gồm nhiều mục, nhiều tiêu chí, bao hàm nhiều phương diện đánh giá cả về trình độ, năng lực, nhân cách, lối sống, các hành vi tiêu cực…

Bộ tiêu chí này sắp xếp thành các loại câu hỏi, mỗi câu đưa ra 3 - 4 đáp án đề giáo viên dễ tích vào đó ý kiến của mình.

- Trong buổi lấy ý kiến đánh giá, Hiệu trưởng và Hiệu phó không được có mặt, cán bộ đến lấy ý kiến phải phổ biến quan điểm, định hướng của cấp trên; động viên khuyến khích các thầy cô giáo trung thực, thẳng thắn, công tâm góp ý.

Giáo viên không cần thiết phải ghi tên, địa chỉ của mình.

- Sau khi lấy ý kiến thăm dò, cần có bộ phận chuyên trách làm nhiệm vụ tổng hợp, phân loại các ý kiến, báo cáo cấp uỷ, chính quyền và các cơ quan liên quan.

- Có những quy định rõ ràng về mức độ, tỷ lệ các ý kiến phê phán tương ứng với các mức nhắc nhở, phê bình, kiểm tra, thanh tra hoặc khen thưởng…

- Nghiêm cấm tuyệt đối các hành vi trả thù, đe dọa, gây khó khăn cho người có ý kiến.

Tuyệt đối nghiêm cấm những trường hợp khi bị giáo viên góp ý, Hiệu trưởng tổ chức điều tra, sử dụng những người trong phe cánh của mình nghi kỵ người này người khác, gây không khí căng thẳng, mất đoàn kết nội bộ.

Có quy định rõ những vấn đề tiêu cực ở cá nhân nào mà năm sau lặp lại, tái diễn cần phải xử lý thật nghiêm.

- Việc lấy ý kiến đánh giá Hiệu trưởng, Hiệu phó có thể mở rộng đến đại diện cha mẹ học sinh ở từng lớp để có thêm kênh thông tin về người được đánh giá.

Chúng tôi nhận thấy cách làm của một số trường Đại học Sư phạm trong đó có trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên lấy ý kiến phản hồi của người học, của cựu sinh viên đối với đội ngũ giảng viên và lấy ý kiến nhận xét đánh giá của cán bộ giảng viên đối với đội ngũ lãnh đạo nhà trường những năm qua đã đạt được hiệu quả rõ rệt, góp phần thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.

Một giải pháp nữa là các cơ quan chức năng lên thành lập một đường dây nóng, động viên kêu gọi mọi giáo viên, phụ huynh và học sinh phải ánh ngay những vụ việc tiêu cực ở trường mình.

Thiết nghĩ, nếu các cấp có trách nhiệm nhận được thông tin nhanh chóng và chính xác thì nhiều vụ việc không thể phát triển, hoặc tồn đọng kéo dài, gây nhiều bức xúc cho xã hội…

Từ góc nhìn của những người đã từng dạy học và quản lý giáo dục nhiều năm, có rất nhiều con cháu đang công tác trong ngành giáo dục, chúng tôi xin có vài góp ý và giải pháp về việc nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ ở các trường phổ thông, đặc biệt là trường tiểu học nước ta.

Theo Theo Giáo Dục Việt Nam