Người vi phạm pháp luật ngày càng trẻ
Vụ việc "quái xế" đâm tử vong một người ở TP. Hà Nội vẫn gây ám ảnh cho công chúng bởi nhóm đối tượng gây ra vụ án thương tâm tại nút giao đèn tín hiệu Trần Hưng Đạo - Bà Triệu (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chỉ là những thanh thiếu niên, thậm chí trong nhóm đối tượng có em chỉ mới 16 tuổi.
Ngày 6/11, một nhóm đối tượng có hành vi chặn đường, dùng tuýp sắt đe dọa cướp xe máy của nam thanh niên ở Hà Nội được Công an quận Hà Đông (Hà Nội) bắt giữ. Nhóm đối tượng này đều trong lứa tuổi học sinh, thường xuyên trốn học, tụ tập lêu lổng. Ba đối tượng bị bắt giữ chỉ khoảng 13-15 tuổi.
Trước đó vào cuối tháng 3, một nam sinh của Trung tâm giáo dục thường xuyên Việt Hưng đã bị cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Long Biên (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam để điều tra về tội cố ý gây thương tích. Nam sinh này đã đánh nam sinh lớp 8 dẫn đến chết não.
Không ít các vụ vi phạm pháp luật xảy ra gần đây, người vi phạm là vị thành niên. Thực tế, số vụ vi phạm do các đối tượng vị thành niên thực hiện ngày càng tăng.
Những con số biết nói
Theo số liệu thống kê của Công an TP. Hà Nội, từ 1/1/2018-31/12/2023 đã phát hiện 858 vụ với 3.150 đối tượng là người dưới 18 tuổi phạm pháp. Độ tuổi vi phạm pháp luật cũng ngày càng trẻ hóa. Trong hơn 3.000 trẻ vị thành niên phạm tội có 67 đối tượng dưới 14 tuổi (2,1%), từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi là 796 đối tượng (25,3%), 2.287 đối tượng từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi (72,6%). Như vậy, có đến gần 30% số đối tượng dưới 16 tuổi phạm tội.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - khẳng định tình trạng phạm pháp gia tăng trong lứa tuổi vị thành niên là hồi chuông cảnh báo và là nỗi đau chung của cả xã hội.
"Khi nhìn vào những con số, hình ảnh, và câu chuyện về những vụ vi phạm do người trẻ gây ra, chúng ta không thể không day dứt, không thể không tự vấn về trách nhiệm xã hội của mỗi người và tương lai của đất nước", PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu.
Vì đâu nên nỗi?
Nguyên nhân của tình trạng này đến từ nhiều phía. PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ môi trường xã hội. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, đặc biệt là mạng xã hội, đem lại thông tin và hình ảnh phong phú, đa dạng nhưng đôi khi thiếu kiểm soát, khiến thanh thiếu niên dễ bị tác động từ các hành vi tiêu cực.
"Mạng xã hội đưa thanh thiếu niên vào một không gian nơi các giá trị ảo, những hình mẫu phù phiếm là chuẩn mực sống. Ở đó, các em say mê với việc đếm số lượt thích, chia sẻ, và có thể thực hiện bất kỳ hành vi nào để có được những con số phù phiếm đó. Khi thiếu đi sự kiểm soát và hướng dẫn từ gia đình, nhà trường, các em dễ lạc vào vòng xoáy nguy hiểm, nơi mà việc thể hiện sai lệch nhiều khi lại trở thành cách để khẳng định bản thân", PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhận định.
Bên cạnh đó, việc thanh thiếu niên thiếu định hướng sống dễ dàng đẩy họ đến bờ vực sa ngã. Những giá trị truyền thống, từng là nền tảng vững chắc, nay trở nên phai nhạt trước sự phát triển mạnh mẽ của chủ nghĩa cá nhân và đam mê vật chất.
"Xã hội đang có nhiều biểu hiện của việc chạy theo thành tích, những thứ hào nhoáng bên ngoài, chú trọng vật chất, mà ít chú trọng đến các giá trị nhân văn. Nhiều thanh thiếu niên, khi không tìm thấy niềm vui trong những giá trị đích thực, có xu hướng tìm kiếm sự hài lòng tạm thời qua những hành vi tiêu cực, nổi loạn", PGS.TS Bùi Hoài Sơn lý giải.
Bên cạnh đó, việc thanh thiếu niên mất định hướng sống trong xã hội hiện đại phần nhiều xuất phát từ sự thiếu quan tâm, ít dành thời gian để lắng nghe, thấu hiểu con cái của nhiều bậc phụ huynh.
Nhiều gia đình thiếu đi sự ấm áp của những bữa cơm chung, những cuộc trò chuyện ý nghĩa. Trong sự im lặng ấy, thanh thiếu nhi dễ tìm đến thế giới bên ngoài, để rồi bị tác động bởi những nguồn thông tin thiếu kiểm soát.
GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam khẳng định gia đình là một tế bào rất lành mạnh, tốt đẹp của xã hội. “Gia đình tốt sẽ có xã hội tốt. Nếu gia đình có vấn đề, xã hội, đất nước đều bị ảnh hưởng.”, GS.TS Từ Thị Loan nêu.
Vì vậy, gia đình phải là "trường học đầu tiên", nơi các em học được những giá trị đạo đức, nhân cách, và cách đối nhân xử thế.
Do ảnh hưởng của lối sống tiêu cực, tự do từ phương Tây, đặc biệt là chủ nghĩa cá nhân, luôn coi mình là nhất khiến nhiều người trở nên ích kỷ, không để ý đến ai khác trong gia đình.
"Trẻ em trở nên ích kỷ, không biết thương yêu bố mẹ, chia sẻ công việc gia đình, không kính trọng ông bà, còn người lớn lại không chung thủy trong cuộc sống hôn nhân, bồ bịch ... gây ảnh hưởng tiêu cực đến gia đình", GS.TS Từ Thị Loan nhận định.
Để thích ứng với xã hội nhiều biến đổi và biến đổi liên tục, các chuyên gia cho rằng cần kết hợp hài hòa giữa những giá trị gia đình mang tính truyền thống và hiện đại.
"Trong kỷ nguyên số, sự kết nối của công nghệ là một công cụ đầy tiềm năng để lan tỏa giá trị văn hóa. Nếu những giá trị truyền thống có thể được truyền tải qua các nền tảng mạng xã hội, qua những ứng dụng giáo dục hấp dẫn, hay các trò chơi văn hóa sáng tạo, các em sẽ có cơ hội tiếp cận và trải nghiệm với niềm say mê", PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu.