> Toàn văn báo cáo giải trình và trả lời chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Trong phiên chất vấn Thủ tướng, nhiều đại biểu đặt ra những “vấn đề quan trọng và có phạm vi khá rộng”. Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi về hoạt động đối ngoại của Nhà nước ta, tình hình biển Đông phức tạp, những giải pháp của Chính phủ để bảo vệ chủ quyền biển đảo, quan điểm của Chính phủ đối với việc người dân biểu thị lòng yêu nước khi nước ngoài xâm phạm chủ quyền?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dành khá nhiều thời gian để trình bày vấn đề này.
“Việt Nam chúng ta khẳng định có đủ căn cứ về pháp lý và lịch sử khẳng định rằng, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta đã làm chủ thực sự, ít nhất từ thế kỷ thứ 17. Chúng ta đã làm chủ khi hai quần đảo này chưa thuộc bất kỳ một quốc gia nào. Và chúng ta đã làm chủ trên thực tế, liên tục hòa bình” - Thủ tướng nói.
Thủ tướng nói, năm 1956, Trung Quốc đưa quân chiếm đóng các đảo phía Đông quần đảo Hoàng Sa. Rồi đến năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Trong sự quản lý hiện tại của chính quyền Sài Gòn (tức chính quyền Việt Nam Cộng hòa) đã lên tiếng phản đối lên án hành động này và đề nghị Liên Hợp Quốc can thiệp. Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam cũng ra tuyên bố phản đối hành vi chiếm đóng này.
Lập trường nhất quán của chúng ta là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta có đủ căn cứ lịch sử pháp lý để khẳng định điều này. Nhưng, chúng ta chủ trương đàm phán, giải quyết đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình. Chủ trương của chúng ta phù hợp với hiến chương của Liên Hợp Quốc; công ước luật biển; tuyên bố DOC – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.
Đối với quần đảo Trường Sa, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, năm 1975, hải quân Việt Nam tiếp quản năm đảo do quân đội của chính quyền Sài Gòn đang quản lý. Sau đó, với chủ quyền của Việt Nam, chúng ta tiếp tục mở rộng thêm lên 21 đảo với 33 điểm đóng quân.
Ngoài ra, Việt Nam còn xây dựng 15 nhà giàn để khẳng định chủ quyền của chúng ta ở vùng biển này - vùng biển trong phạm vi 200 hải lý thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói, trên quần đảo Trường Sa, Việt Nam là quốc gia có số đảo đang đóng giữ nhiều nhất... Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất có cư dân đang làm ăn sinh sống trên một số đảo, trong đó có sáu khẩu đã sinh ra và lớn lên trên các đảo này.
Thủ tướng cũng cho biết, giải quyết các vấn đề liên quan tới chủ quyền biển Đông trên tinh thần quán triệt đường lối đối ngoại hòa bình, hữu nghị, độc lập chủ chủ quyền quốc gia của Đảng và Nhà nước ta và trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là công ước luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc; rồi tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (gọi tắt là DOC) đã ký giữa ASEAN và Trung Quốc và căn cứ thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề biển Đông mà Việt Nam và Trung Quốc mới ký gần đây trong chuyến thăm của đồng chí Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc.
Đề nghị xây dựng luật biểu tình
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói về căn cứ mà chính phủ đề nghị Quốc hội đưa vào xây dựng luật biểu tình:
Căn cứ thứ nhất là thực hiện theo Hiến Pháp. Hiến pháp điều 69 quy định công dân được quyền biểu tình theo pháp luật, nhưng chúng ta chưa có luật biểu tình. Như vậy, chúng ta nên bắt tay nghiên cứu xây dựng luật biểu tình.
Thứ hai, trên thực tế, trong cuộc sống hiện nay, có nhiều cuộc đồng bào ta tụ tập đông người, biểu tình để bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị với chính quyền. Nhưng chúng ta chưa có luật để quản lý, để điều chỉnh vấn đề này. Do đó, cũng khó cho người dân khi thực hiện quyền biểu tình mà được Hiến pháp quy định. Và cũng khó cho quản lý của chính quyền. Đã khó như thế nên cũng nảy sinh một số lúng túng trong quản lý và cũng từ đó xuất hiện những biểu hiện là mất an ninh trật tự; rồi cũng đã xuất hiện cả việc lợi dụng để kích động, xuyên tạc gây phương hại cho xã hội.
Thứ ba, trước thực trạng tình hình như thế, chính phủ cũng đã có báo cáo kiến nghị quốc hội khóa trước và Quốc hội khóa trước cũng đã có công văn yêu cầu Chính phủ ban hành nghị định quản lý những hiện tượng này.
Chính phủ đã ban hành nghị định số 38 để quản lý điều chỉnh hiện tượng này. Nhưng nghị định của Chính phủ hiệu lực pháp luật thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu tầm mức như hiến pháp quy định và cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế cuộc sống đang đặt ra. Vì vậy, chính phủ mới kiến nghị với Quốc hội xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật để chúng ta có một Luật biểu tình.
Luật đó phù hợp với hiến pháp, phù hợp với đặc điểm lịch sử văn hóa, điều kiện cụ thể của Việt Nam chúng ta; Luật đó cũng phù hợp với các thông lệ quốc tế và cũng để đảm bảo quyền tự do dân chủ của người dân theo đúng quy định của hiến pháp, pháp luật. Đồng thời, luật đó cũng có yêu cầu là ngăn chặn những việc làm, hành vi xâm hại tới an ninh trật tự, lợi ích của xã hội.
“Chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước và Chính phủ là luôn luôn trân trọng, biểu dương, khen thưởng xứng đáng đối với tất cả các hoạt động, đối với tất cả những việc làm của tất cả mọi người dân của chúng ta vì mục tiêu yêu nước thực sự; vì mục tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói - Nhưng đồng thời cũng không hoan nghênh, buộc phải xử lý nghiêm theo pháp luật đối với những hoạt động, hành vi với động cơ lợi dụng dưới danh nghĩa lòng yêu nước, lợi dụng danh nghĩa bảo vệ chủ quyền để thực hiện mục đích gây phương hại cho đất nước, xã hội.