Ngày 12/11, ông Trần Xuân Phước, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý bảo vệ rừng (gọi tắt là trung tâm) cho biết, đang lên kế hoạch triển khai Dự án hỗ trợ kỹ thuật việc thực hiện chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang du lịch thân thiện với voi, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Theo ông Phước, dự án trên vừa được UBND tỉnh phê duyệt, nguồn kinh phí do Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia Foundation - AAF) tài trợ. Thời gian thực hiện dự án từ tháng 11/2022 đến tháng 12/2026.
“Bây giờ đã gần hết năm 2022, nên trung tâm đang xây dựng kế hoạch thực hiện dự án cho năm 2023. Năm tới, chúng tôi tiếp tục làm việc với các bên liên quan đến điểm chăn thả voi; thống nhất với các chủ voi về hình thức triển khai. Điểm thuận lợi của dự án là nhiều chủ voi đồng thuận rất cao. Về kinh phí, đơn vị tài trợ đã chuẩn bị sẵn sàng”, ông Phước nói.
Địa điểm thực hiện dự án tại huyện Buôn Đôn (Vườn quốc gia Yok Đôn, trung tâm; các công ty du lịch đang hoạt động trên địa bàn huyện) và huyện Lắk (Ban Quản lý rừng lịch sử - văn hóa - môi trường Hồ Lắk).
Mục tiêu của dự án nhằm chấm dứt các hoạt động du lịch cưỡi voi bằng mô hình du lịch thân thiện; đàn voi nhà được bảo tồn, chăm sóc, bảo đảm phúc lợi, kéo dài tuổi thọ; chủ và nài voi được bù đắp nguồn thu nhập bị thiếu hụt do dừng phục vụ cưỡi voi; các trung tâm du lịch được hỗ trợ kỹ thuật để chuyển đổi sang mô hình du lịch thân thiện với voi; thành lập hợp tác xã du lịch nhằm quản lý, vận hành mô hình du lịch thân thiện với voi tại huyện Lắk; hoạt động giáo dục, nâng cao nhận thức bảo vệ và bảo tồn loài voi được phổ biến, lan tỏa tới các tầng lớp xã hội, cộng đồng…
Hiện đàn voi nhà của tỉnh Đắk Lắk còn 37 cá thể (số lượng lớn nhất cả nước), trong đó có 17 con voi đực và 20 con voi cái tập trung ở hai huyện Lắk và Buôn Đôn. Đàn voi hoang dã có khoảng 80- 100 cá thể. Số lượng đàn voi đã giảm 90% so với năm 1980. Các cá thể voi nhà hầu hết đã lớn tuổi sinh sản gây khó khăn cho công tác bảo tồn.