Vì sao ông ấy không đọc tin tức?

TP - Hai thế kỷ trước, chúng ta phát minh một loại hình kiến thức độc hại có tên là “tin tức”. Tin tức với bộ não cũng giống như đường với cơ thể ta vậy: gây thèm muốn, dễ tiêu hóa - và có tính hủy hoại cao về lâu dài”.

Người viết câu ấy, lại chính là cây bút 51 tuổi sừng sỏ người Thụy Sĩ Rolf Dobelli - tác giả cuốn sách nổi tiếng thế giới  “Nghệ thuật tư duy rành mạch” (The Art of Thinking Clearly, xuất bản lần đầu năm 2011). 

Dobelli, cũng là một doanh nhân thành đạt, từng đem chính mình ra thí nghiệm. Bằng cách suốt 3 năm trời tuyệt giao với mọi loại hình tiếp nhận tin tức, kể cả các ứng dụng tin tức trên chiếc iPhone của mình. Để đi đến kết luận, rằng mình “sống khỏe” hơn bình thường: Suy nghĩ sáng suốt hơn, nhiều kiến thức giá trị hơn, những quyết định tốt hơn, và có nhiều thời gian rảnh hơn. Tất nhiên ông cho biết mình không bỏ lỡ điều gì quan trọng, thông qua bộ lọc tin tức là bạn bè, người quen,… Và tất nhiên ông cũng không bỏ qua những bài báo dài truyền tải kiến thức và sách. 

Thử ứng xử một cách cực đoan với những tin tức đang “hot” xứ này như Dobelli, thì gần đây tôi sẽ không hay biết tỷ phú 72 tuổi trở thành bạn trai của “nữ hoàng đồ lót” 27 tuổi, chồng sắp cưới “chưa tiết lộ” của ca sĩ M.T là ai, hai hót-gơ nào đó vừa “vô địch” ăn mặc xấu nhất tuần qua…

Tất nhiên, trong bài viết này, tôi sẽ không để mình sa vào một trong 99 lỗi tư duy mà Dobelli đã chỉ ra trong cuốn sách, đó là lỗi “thành kiến quyền lực”. Ứng xử như vậy với tin tức, ông chỉ đại diện cho chính mình, dù đang là một cây bút có tiếng nói quyền lực với hàng triệu người. 

Thế nhưng không thể không chia sẻ với Dobelli. Rằng ngày nay tin tức đã trở thành căn bệnh thời đại đầy ám ảnh. Bởi nó bung nở quá nhiều, quá chi tiết, quá trần trụi, với sức lan tỏa ghê gớm, len lỏi đến từng bữa ăn, giấc ngủ, công phá từng cơn mơ của loài người. Khái niệm “ngộ độc tin tức” chắc không lâu nữa sẽ khiến các nhà tâm thần học cũng như cả xã hội phải vất vả.  

Một ví dụ có phần châm biếm được Dobelli đưa ra. Đó là vụ tấn công khủng bố ở Mumbai năm 2008 giết chết 200 người. Chỉ nhẩm tính chừng 1 tỷ người (của Ấn Độ chẳng hạn) bỏ ra 1 tỷ giờ để theo dõi đủ thứ tin tức cập nhật, “bình loạn” liên quan, đem quy đổi ra sẽ “lãng phí” khoảng 2.000 cuộc đời – lớn gấp 10 lần số người chết trong vụ khủng bố ! 

Với tin tức, tôi nghĩ bạn nên là người tiêu dùng thông thái.